Sau hiệp một thăm dò và ít cơ hội, Nhật Bản và UAE cùng tăng tốc trong hiệp hai. Việc nằm cùng Saudi Arabia và Tajikistan ở bảng "tử thần" buộc phải họ đẩy cao đội hình tìm kiếm chiến thắng.
Khác biệt đến ở phút 61, khi trung vệ UAE Eid Khamis phá hụt bóng từ đường chuyền của Takashi Uchino. Yuito Suzuki, nhờ đó, nhận bóng trống trải trong vòng cấm và dứt điểm chân trái chéo góc hạ thủ thành Suhail Abdulla.
Lợi thế dẫn bàn của Nhật Bản chỉ kéo dài vỏn vẹn hai phút. Từ đường chuyền dài vượt tuyến phần sân nhà, Yaser Alblooshi xâm nhập vòng cấm rồi bắt vô-lê tung nóc lưới Nhật Bản.
Phút 71, UAE được trao cơ hội vàng để vượt lên khi trọng tài xác định Anrie Chase dùng tay chặn quả tạt của đối phương trong vòng cấm. Trên chấm 11m, Abdulla Idrees dứt điểm chìm về góc trái không thắng được thủ thành Zion Suzuki.
Phung phí cơ hội, UAE phải trả giá đắt khi thủng lưới năm phút sau. Shota Fujio tạt bóng để Mao Hosoya đánh đầu về góc cao, tái lập thế dẫn bàn cho Nhật Bản. VAR vào cuộc và công nhận bàn thắng, sau vài phút xem lại tình huống. Nhà vô địch năm 2016 suýt nới cách biệt, khi Fujio dứt điểm dội xà phút bù giờ đầu tiên.
Trái ngược với sự căng thẳng ở trận Nhật Bản gặp UAE, đương kim Á quân Saudi Arabia đè bẹp Tajikistan 5-0, làm nên chiến thắng đậm nhất từ đầu giải. Pha lập công của Al Yami ở hiệp một giúp Saudi Arabia cởi bỏ tâm lý trong hiệp hai, để ghi thêm bốn bàn do công Yahya, Asiri, Al Harbi, và Radif.
Sau lượt mở màn, Saudi Arabia và Nhật Bản chia sẻ ngôi đầu bảng D. Ngày 6/6, hai đội đối đầu trực tiếp trên sân Pakhtakor Markaziy, còn UAE gặp Tajikistan ở trận đấu muộn cùng ngày.
Hồng Duy