Sau 3 tháng, quỹ Hy vọng đã bàn giao 20 khu nhà vệ sinh cho các điểm trường tại huyện Đồng Văn, Hà Giang. Mỗi khu quy mô từ 2 đến 12 khoang, phù hợp với số lượng học sinh từng trường, có hệ thống lọc nước sạch và khu vực rửa tay sau khi sử dụng.
Đây là dự án thứ ba do quỹ Hy vọng thực hiện tại vùng cao trong vòng hai năm qua, giúp học sinh và phụ huynh không còn ám ảnh với khu toilet trường học. Phương Thu, lớp 4A, trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Ma Lé (Đồng Văn, Hà Giang) từng rất khó chịu khi phải nhịn thở, cố đi vệ sinh thật nhanh rồi múc nước rửa tay do không gian nặng mùi. Hiện Thu không cố nín thở lâu để vệ sinh thần tốc như trước.
Vừn Bí Sơn, lớp 8B, trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sính Lủng (Đồng Văn, Hà Giang) bỏ thói quen nhịn đi vệ sinh khi ở trường. Một ngày đi học của em trở nên vui và thoải mái hơn. Còn trước đây, Sơn luôn tránh xa khu toilet do mùi hôi gây khó chịu, không có nước xả và xà phòng rửa tay.
Nhà vệ sinh mới cũng giúp con gái 7 tuổi của anh Ngọc Minh (thị trấn Đồng Văn, Hà Giang) hào hứng đến trường mỗi ngày. Khi ở nhà, anh Minh hướng dẫn thêm cho con về vệ sinh đúng nơi quy định, 6 bước rửa tay, cách xếp hàng khi đông người sử dụng.
Từng trực tiếp đi thăm một số trường, điểm trường ở vùng cao Sơn La năm 2022, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, đánh giá nơi vệ sinh tạm bợ, quây tôn, lợp lá, hoang dã... là nỗi sợ, bức xúc của giáo viên và học sinh đã nhiều năm, được giải quyết khi có khu toilet đạt chuẩn.
Công trình mới được xây tường bao kiên cố, ốp gạch men để dễ làm sạch, sử dụng mái che tạo độ thoáng, bể tự hoại, nước xả và bồn rửa tay. Đường đi từ các lớp học được đổ bê tông sạch sẽ và phân khu nam nữ riêng.
Về mặt sức khỏe, trong mỗi gram phân chứa hàng tỉ vi khuẩn, trong đó có 15-20% vi khuẩn gây bệnh. Việc sử dụng khu vệ sinh chuẩn và thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh giúp giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh đường tiêu hóa, giữ gìn sức khỏe trẻ em, thay vì chỉ là nơi xả thải kín đáo. Về mặt giáo dục, học sinh được gián tiếp nâng cao nhận thức, kiến thức và thực hành phòng bệnh, tạo thói quen giữ vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân từ khi còn nhỏ rồi lan tỏa cho gia đình, xã hội.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019-2020 có hơn 30% nhà vệ sinh trường học chưa đạt chuẩn trên cả nước. Trong đó trường, điểm trường vùng sâu vùng xa có các khu toilet "rất tệ". PGS Hùng nhận định thực trạng này cần tiếp tục được các nhà hảo tâm, nhà tài trợ như quỹ Hy vọng và công ty Sanofi hỗ trợ, nhiều cấp chính quyền địa phương chung tay cải thiện, xóa bỏ nhà vệ sinh xuống cấp.
Bà Mai Thị Thanh Hương, Trưởng ban Đối ngoại, Công ty Cổ phần Sanofi Việt Nam cho biết nhà vệ sinh đạt chuẩn sẽ giúp trẻ có môi trường giáo dục tốt hơn. Học sinh được xóa bỏ nỗi ám ảnh đi vệ sinh, có động lực để học tập. Đại diện công ty Sanofi kỳ vọng các em có thể hình thành các thói quen vệ sinh tốt, để có đủ sức khỏe trên hành trình trưởng thành, từ đó làm người có ích cho cộng đồng.
Chi Lê
Dự án Vệ sinh học đường nằm trong chương trình Ánh sáng học đường, với mục tiêu xóa bỏ nhà vệ sinh xuống cấp. Năm 2022, quỹ Hy vọng và Sanofi Việt Nam đã bàn giao 20 nhà vệ sinh mới, khang trang cho học sinh và giáo viên huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La; đồng thời tổ chức các hoạt động tập huấn, giáo dục về vệ sinh học đường.
Với mong muốn trẻ em vùng cao có điều kiện đảm bảo sức khỏe để học tập, quỹ Hy vọng với sự đồng hành của nhãn hàng men ống vi sinh Enterogermina tái khởi động dự án Vệ sinh học đường tại Đồng Văn, Hà Giang. Dự án đặt mục tiêu xây dựng 20 nhà vệ sinh đạt chuẩn, hỗ trợ hệ thống lọc nước sạch tại một số điểm trường, đồng thời phổ biến thói quen vệ sinh tốt cho các em học sinh. Để chung tay cùng dự án, độc giả tìm hiểu tại đây.