Theo Ủy Ban Kỹ Thuật Lý thuyết truyền thông, thuộc Viện Kỹ sư Điện và Điện Tử (IEEE), PGS Ngô Quốc Hiển, Đại học Queen’s Belfast, được ghi nhận nhờ những đóng góp cho sự phát triển công nghệ massive MIMO, là hệ thống lõi của 5G. Anh là nhà khoa học Việt đầu tiên nhận giải thưởng Early Achievement Award.
PGS Ngô Quốc Hiển là một trong những nhà khoa học đầu tiên làm về công nghệ massive MIMO, góp phần đưa công nghệ này từ nghiên cứu lý thuyết vào hệ thống 5G thực tế. Massive MIMO có trạm gốc trang bị hàng trăm đến hàng nghìn ăng-ten để phục vụ cùng lúc hàng ngàn thiết bị di động. Hiện massive MIMO trở thành hệ thống lõi của 5G và được dự đoán sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho mạng 6G.
Anh theo đuổi hướng nghiên cứu về viễn thông, gồm các ứng dụng lý thuyết truyền thông và thông tin, xử lý tín hiệu và tối ưu hóa vào việc thiết kế hệ thống truyền thông không dây. Nghiên cứu nhằm phát triển các giải pháp/hệ thống mới với chi phí thấp, thân thiện môi trường, và đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của hệ thống truyền thông không dây tương lai. Hiện nghiên cứu chính của anh xoay quanh massive MIMO, massive MIMO không tế bào, và bảo mật lớp vật lý trong truyền thông không dây.
IEEE CTTC Early Achievement Award được trao cho một hoặc hai nhà khoa học trẻ mỗi năm bởi Viện Kỹ Sư Điện và Điện Tử (IEEE) - Hiệp hội chuyên gia kỹ thuật lớn nhất thế giới với hơn 400.000 thành viên tại hơn 160 quốc gia trên thế giới. Đây là giải thưởng vinh danh nhà khoa học trẻ (trong vòng 10 năm sau tiến sĩ) thuộc Ủy Ban Kỹ Thuật Lý Thuyết Truyền Thông, có đóng góp nổi bật trong nghiên cứu và hoạt động phát triển lĩnh vực lý thuyết truyền thông, thông tin (như làm phản biện khoa học, biên tập tạp chí khoa học, tổ chức hội nghị).
Các nhà khoa học sẽ được đề cử bởi 4 nhà khoa học đầu ngành, sau đó Hội đồng giải thưởng sẽ xét duyệt. Năm nay, giải thưởng sẽ được trao tại Hội thảo Lý thuyết truyền thông thường niên của Ủy ban, tại Canada vào tháng 5/2024.
Ngô Quốc Hiển, 39 tuổi, tốt nghiệp chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Đại học Bách Khoa TP HCM năm 2007. Anh nhận bằng thạc sĩ Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc năm 2010 và tiến sĩ tại trường Đại học Linköping, Thụy Điển năm 2015. Hiện anh đồng lãnh đạo nhóm nghiên cứu về các kỹ thuật lớp vật lý cho 6G, đặc biệt là massive MIMO không tế bào tại Đại Học Queen’s Belfast, Anh.
Anh từng nhận nhiều giải thưởng lớn trong lĩnh vực và có hơn 150 công trình nghiên cứu khoa học với hơn 17.000 trích dẫn, và một cuốn sách về massive MIMO do nhà xuất bản Cambridge phát hành. PGS Hiển hiện là thành viên ban biên tập cho 5 tạp chí khoa học quốc tế, trong đó có 2 tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông của hiệp hội IEEE.
Chia sẻ với VnExpress, PGS Ngô Quốc Hiển nói rất vinh dự khi nhận được giải thưởng này. "Các cố gắng và nỗ lực của tôi và nhóm đã được ghi nhận. Đây là động lực lớn để tôi và nhóm nghiên cứu của mình tiếp tục với hướng nghiên cứu đang theo đuổi", anh nói và cho biết thêm đang hợp tác với các nhà khoa học trong nước nghiên cứu về 6G và đẩy mạnh hơn trong tương lai, đặc biệt là những nghiên cứu đa ngành.
Như Quỳnh