-
Tôi có con, cháu cũng tầm tuổi của Nguyễn Thị Oanh. Bốn ngày sau khi trở về từ SEA Games 32, cháu đã được nghỉ ngơi, ăn uống những món yêu thích chưa?
(Bùi Thị Chín, 69 tuổi, Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội.)Nguyễn Thị Oanh:
Cảm ơn câu hỏi, cũng là sự quan tâm dành cho Oanh! Trở về nước sau SEA Games 32, cháu khá bận rộn, phải cân đối giữa tập luyện, giao lưu và thời gian cho bản thân nữa. Cháu đã tự thưởng những món ăn yêu thích cùng bạn bè, gia đình...
Cháu rất biết ơn, hạnh phúc vì nhận được sự quan tâm của nhiều người. Đây có lẽ là điều chưa từng có.
-
Ở SEA Games 30 và 31, Nguyễn Thị Oanh tham gia ba nội dung 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Vì sao lần này ban huấn luyện còn đăng ký thêm 10.000m?
(Thanh Tùng, 42 tuổi, Xóm Nguộn - Tân Thanh - Bắc Giang)Trần Văn Sỹ:
Oanh vốn có nhiều tố chất. Hồi trước, tôi chọn Oanh thi 3.000m vượt chướng ngại vật. Nhưng sau một năm tập luyện ở đội trẻ, tôi nhận ra Oanh có khả năng chạy cả nội dung 5.000m, 10.000m và 1.500m. Trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 32, Oanh đã dự Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc và một số giải chạy trong nước ở cự ly 21km. Điều đó cho thấy Oanh có nền tảng thể lực tốt. Hơn nữa, tôi muốn đưa Oanh, cũng như các VĐV khác, lên tầm châu Á, chứ không giới hạn trong khu vực Đông Nam Á.
Vì thế, cuối năm ngoái, Oanh đã thi đấu cả bốn nội dung giống tại SEA Games lần này, khi dự Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc. Em thâu tóm HC vàng cả bốn cự ly, đặc biệt còn lập kỷ lục quốc gia ở nội dung 10.000m với 33 phút 13 giây 23. Vì thế, tôi cùng các lãnh đạo bộ môn làm kế hoạch, báo cáo việc đăng ký Oanh thi bốn nội dung tại SEA Games 32. Chúng tôi tin tưởng vào khả năng của Oanh, chứ không phải đăng ký mơ hồ, cho vui.
-
Nhưng có ý kiến cho rằng Oanh có thể bỏ bớt một cự ly để đạt thành tích tốt hơn. Ví dụ nội dung 10.000m, Hồng Lệ hoàn toàn có thể giành HC vàng. Cả hai đều là học trò, ông cảm thấy thế nào khi xếp họ thi chung một nội dung và cùng có cơ hội cạnh tranh huy chương?
(Ngọc Quý, 44 tuổi, Hạ Long, Quảng Ninh)Trần Văn Sỹ:
Tôi cũng thấy đây là vấn đề nhạy cảm. Chúng tôi có cả Phạm Thị Huệ lẫn Hồng Lệ đều có thể cạnh tranh nội dung 10.000m. Nhưng theo tiêu chí tuyển chọn đi SEA Games, VĐV phải dự giải Đại hội TDTT toàn quốc, để từ đó lấy ra một trong hai người nhất - nhì cho nội dung đó. Huệ không dự Đại hội TDTT toàn quốc. Lệ là ĐKVĐ nội dung này ở SEA Games trước và đã chứng minh năng lực nhiều lần. Nhưng từ phía ban huấn luyện, chúng tôi phải tính toán để đảm bảo thật chắc chắn đoàn có thành tích, tính toán theo kiểu "lọt sàng xuống nia". Bởi, vào thi đấu không ai nói hay được, vì có nhiều biến số về thời tiết, chấn thương hoặc bất trắc nào đó khác... nên sẽ tốt hơn nếu có cả Oanh lẫn Lệ thi đấu để đảm bảo có HC vàng.
Thực tế, từ Philippines năm 2019 hoặc 2022 ở Việt Nam, Oanh đủ khả năng thi đấu cả bốn nội dung, chứ không phải đợi đến Campuchia lần này. Và như tôi đã nói ở phần trước, tôi muốn đẩy Oanh tới ngưỡng giới hạn để khai phá bản thân, vượt lên những tầm cao mới, hướng đến những mục tiêu cao hơn như giải vô địch châu Á hay ASIAD trong năm nay.
-
Tại SEA Games vừa qua có một sự cố được nhắc đến rất nhiều là việc ban tổ chức đổi lịch thi 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật lên cách nhau chỉ 30 phút. Suy nghĩ đầu tiên của Oanh và các thầy Sỹ lúc đó là gì?
(Ngô Sự, 40 tuổi, Trần Cao Vân - Đà Nẵng)Nguyễn Thị Oanh:
Tôi may mắn được thầy Sỹ huấn luyện. Bởi bên cạnh chuyên môn, thầy còn dạy chúng tôi nhiều kỹ năng mềm trong cuộc sống. Vì thế, khi gặp những tình huống khó khăn, tôi cũng nhận được sự chia sẻ.
Về sự cố kể trên, thật sự tôi khá sốc, nhưng không có nhiều thời gian để suy nghĩ. Sau khi trao đổi với thầy, tôi bình tĩnh hơn, tự nhủ phải chuẩn bị tinh thần tốt và đặt ra kế hoạch cụ thể để chinh phục mọi nội dung. Tôi xem như có thêm một thử thách tại SEA Games lần này và cố gắng vượt qua.
Trần Văn Sỹ:
Tôi rất bất ngờ, một kiểu bất ngờ gây khó chịu, nhưng phải nén lại. Chiều 8/5, trước khi thi đấu 5.000m, tôi nói với Oanh là phải bình tĩnh, tập trung giải quyết từng bước. Chúng tôi cũng không còn đường lùi. Theo luật, muốn hủy một nội dung thì phải thông báo vào 10h sáng hôm trước. Nhưng 14h hôm đó, tôi ngủ dậy mới nhận được thông tin. Tôi đã cùng các lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam có ý kiến, nhưng không thay đổi được tình hình.
Cũng may mắn là Oanh có cái đầu lạnh. Sau khi thi 5.000m rồi cả ngày hôm sau chúng tôi hạn chế ra ngoài, thậm chí chỉ ăn trưa xong lại về. Chúng tôi cũng cắt đứt mạng xã hội để tránh áp lực, vì kiểu gì mọi người cũng hỏi han, hoặc nói về những khó khăn, rủi ro khi thi đấu hai nội dung với lịch sát nhau như thế.
-
Khi không thể thay đổi lịch, hai thầy trò phải xử lý tình huống lúc vào thi đấu như thế nào?
(Trần Minh Nga, 46 tuổi, Huế)Nguyễn Thị Oanh:
Tôi cũng lo lắng lắm, cảm thấy áp lực vì suy nghĩ phải làm thế nào để phân bổ thời gian, sức lực cho hợp lý. May mắn là các thầy luôn hỗ trợ, từ khâu chuẩn bị giày, khăn lạnh đến điểm danh... để tôi chỉ việc tập trung cao nhất cho việc thi đấu. Trước phần 1.500m, tôi cùng thầy Sỹ thống nhất sẽ căn cứ vào tình huống thực tế trên đường chạy, cảm nhận sức khỏe của bản thân, đối thủ và điều kiện thời tiết để thi đấu theo chiến thuật phù hợp để còn vào thi tiếp 3.000m vượt chướng ngại vật. Như mọi người biết, 3.000m vượt chướng ngại vật không chỉ đơn thuần là chạy trên đường bằng, mà phải vượt qua các rào cạn và rào kèm hố nước, đòi hỏi sự tập trung cao độ, bên cạnh kỹ thuật chạy và điều tiết thể lực.
Với khoảng 16 phút giữa hai phần thi, thật sự tôi không có đủ thời gian để làm gì, vì trên sân, mọi thứ trôi đi rất nhanh. Tôi không kịp giãn cơ hay bổ sung năng lượng dù đã được dặn trước phải làm việc này. Tôi chỉ dùng khăn lạnh được các thầy chuẩn bị, rồi đi đến chỗ điểm danh tiếp theo với tốc độ nhanh nhất có thể, dán số đeo đùi rồi xếp hàng ra sân. Các VĐV của nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật đã xếp hàng từ trước, chỉ chờ tôi đến để ra sân. Bình thường, 20 phút có thể làm được nhiều việc. Nhưng hôm đó tôi không thể làm gì nhiều, ngoài việc chạy về đích.
Trần Văn Sỹ:
Thông thường, khi chạy 1.500m, Oanh tăng tốc ngay khi xuất phát. Nhưng lần này, em chậm lại trong khoảng 300m để xem đối thủ thế nào, trước khi sử dụng kỹ thuật cá nhân để tăng tốc. Nếu đi chậm quá ở giai đoạn này, Oanh sẽ lỡ nhịp, kiểu như bước chạy không khớp với nhịp tim, hô hấp... Điều đó sẽ gây khó khăn cho nội dung hiện tại cũng như sự chuẩn bị cho nội dung tiếp theo.
Nhìn trên truyền hình, có người nói Oanh chạy như chơi. Nhưng không. Oanh phải nỗ lực đến 80-90% khả năng. Nếu chạy như chơi, khi chạy thật Oanh đã phá kỷ lục lâu năm của Trương Thanh Hằng rồi.
Theo lịch, hai nội dung xuất phát cách nhau 20 phút. Nhưng thực tế Oanh chỉ có 16 phút, vì mất bốn phút để thi đấu 1.500m. Nhờ sự hỗ trợ của các anh trong Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, chúng tôi xử lý được việc điểm danh lần đầu cho cả hai nội dung. Tôi dặn dò Oanh nhiều điều, nhưng nhấn mạnh ở hai chi tiết. Thứ nhất, sau khi về đích 1.500m, Oanh không được cầm cờ ăn mừng, mà phải tập trung ngay để điểm danh lần hai cho nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Sau đó rồi mới giãn cơ, dán số và tranh thủ nghỉ ngơi nếu còn thời gian. Thứ hai, sau khi kết thúc những việc đó, Oanh phải dùng ngay một chiếc khăn lạnh, vừa để lau mồ hôi, hạ nhiệt cơ thể, vừa để trầm tĩnh lại, giữ được cái đầu lạnh cho nội dung tiếp theo.
Sự việc như thế này chưa từng có tiền lệ, nên chúng tôi cũng chỉ dựa trên kinh nghiệm nhiều năm trong nghề để đưa ra phương án xử lý. Tôi cũng rút kinh nghiệm từ việc đi chạy giải VnExpress Marathon ở Quy Nhơn, khi thấy ban tổ chức lắp dàn phun nước lạnh để hạ nhiệt cho các runner trong tiết trời nắng nóng. Điều đó rất tuyệt vời.
-
Thi đấu hai nội dung sát nhau như vậy, Nguyễn Thị Oanh chuẩn bị thế nào về dinh dưỡng. Nó có khác biệt lớn gì không so với những lần trước?
(Ngô Khánh Chi, 41 tuổi, TP Thủ Đức)Trần Văn Sỹ:
Yếu tố dinh dưỡng với VĐV đỉnh cao rất quan trọng, phải trải qua quá trình dài. Bản thân Oanh là cử nhân đại học bằng giỏi, thạc sỹ bằng giỏi ở Đại học Thể dục Thể thao, nên biết áp dụng kiến thức vào tình huống thực tế. Oanh cũng trải qua nhiều cuộc thi đấu, biết xử lý để đạt trạng thái thể lực tốt nhất cho phần thi.
Trong ngày 9/5, về cơ bản, VĐV vẫn dùng sữa, chuối và chế độ ăn quen thuộc như mọi khi. Nhưng thi đấu liền hai nội dung như vậy là tình huống đặc biệt, và Oanh chỉ căn cứ vào nhu cầu của cơ thể để bổ sung dinh dưỡng với một chút sữa tươi có ướp lạnh vừa phải.
-
VĐV về thứ ba người Indonesia Odetta Elvina nói rằng "bị sập bẫy" của Oanh về Lệ trên đường chạy 10.000m, vì để cô ấy vượt lên dẫn đầu một đoạn dài trước khi tăng tốc để về đích. Oanh có thể nói rõ hơn về chiến thuật ở đoạn này được không?
(Lâm Quốc Kỳ, 54 tuổi, Pleiku - Gia Lai)Nguyễn Thị Oanh:
Tôi dựa vào nhiều yếu tố để lựa chọn chiến thuật hợp lý, từ thời tiết, sức khỏe thực tế... Hôm đó, chúng tôi không có chiến thuật gì nhiều. Tôi chỉ cố gắng hình dung trước một số tình huống để có thể ứng phó khi thi đấu.
Trên đường đua 1.000m có nhiều xáo trộn trong nhóm dẫn đầu, khi thì tôi, khi thì VĐV người Indonesia rồi Hồng Lệ. Nhưng, ai vào thi cũng hướng đến mục tiêu cao nhất và có chiến thuật riêng. Odekta Elvina cũng chạy theo chiến thuật của cô ấy, và chúng tôi không thể biết được. Đó là một cuộc cạnh tranh sòng phẳng và công bằng.
-
Đoạt bốn HC vàng là một thành tựu lớn. Nhưng là người theo sát Nguyễn Thị Oanh nhiều năm qua, HLV Trần Văn Sỹ đánh giá thế nào về các thông số thời gian của học trò ở bốn phần thi so với khả năng mọi khi?
(Lê Hoàng, 42 tuổi, Sầm Sơn - Thanh Hóa)Trần Văn Sỹ:
Oanh là VĐV điền kinh đầu tiên ở Việt Nam, và có lẽ là Đông Nam Á, đoạt bốn HC vàng cá nhân ở SEA Games. Thi đấu bốn nội dung khác hẳn với hai hay ba nội dung. Hơn nữa, thời tiết ở SEA Games cũng khắc nghiệt, bên cạnh lịch đấu dày đặc rồi thay đổi bất ngờ.
Bối cảnh đó cộng thêm nhiệm vụ đoạt HC vàng cho điền kinh và thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 khiến thành tích của Oanh chưa sát với khả năng thực tế ở từng cự ly. Nhưng tôi phải nhắc lại rằng mục tiêu của chúng ta trong hoàn cảnh này là đoạt HC vàng, chứ chưa thể hướng tới các kỷ lục SEA Games vốn rất cao.
Thông thường trong thể thao, đặc biệt là điền kinh, người ta sẽ hỏi giành HC vàng với thành tích bao nhiêu? Ví dụ như Nguyễn Văn Lai, HC vàng ở cự ly 5.000m tại SEA Games 31 tại Việt Nam mà cần trên 16 phút 30. Tôi vẫn nói vui là nếu như thế thì VĐV phong trào ở các giải của VnExpress Marathon cũng làm được.
Nhưng chạy solo khác với việc chạy cùng đối thủ mạnh, chạy ở SEA Games sẽ khác khi ra sân chơi lớn hơn. Sắp tới, Oanh sẽ thi đấu ở giải vô địch châu Á rồi ASIAD, tôi tin em sẽ đạt thành tích tốt hơn tại SEA Games vừa rồi. Người hâm mộ luôn đòi hỏi thành tích phải đi đôi với thứ hạng, muốn VĐV đoạt HC vàng nhưng phải có thành tích cao. Tôi thì nghĩ rằng chúng ta chỉ nên chờ đợi Oanh có thành tích tốt hơn ở các sân chơi sắp tới, nơi có đẳng cấp cao hơn.
-
HLV Trần Văn Sỹ giúp điền kinh Việt Nam giành 22 HC vàng qua bảy kỳ SEA Games, trong đó Oanh đoạt 12, Nguyễn Văn Lai giành 5 và một số VĐV nổi tiếng khác nữa. Xin ông chia sẻ rõ hơn về quá trình này?
(trunguk007)Từ 2011, tôi được lãnh đạo Tổng cục TDTT bố trí làm HLV đội tuyển. SEA Games đầu tiên ở Malaysia lần thứ 26. Tôi rất vui khi được trở lại làm nghề, đúng với công việc yêu thích từ bé.
Tôi xác định với các VĐV rằng "yêu nghề, nghề không phụ". Và đến giờ phút này, câu nói đó đã chứng minh được tính chính xác. Tôi dẫn dắt Oanh từ 2013, giành HC bạc ở cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật. Hai năm sau Oanh bị viêm cầu thận nhẹ, phải đến 2017 mới quay trở lại. Nhưng đến lúc này, Oanh đã giành 12 HC vàng.
Còn Nguyễn Văn Lai, đó là VĐV Việt Nam đầu tiên giành 5.000m và 10.000m. Hiện, cậu ấy vẫn giữ kỷ lục chạy dưới 30 phút cự ly 10.000m. Hy vọng Việt Nam có nhiều Nguyễn Văn Lai, và thậm chí có thể chạy dưới 29 phút. Ngoài ra, tôi còn dẫn dắt Phạm Thị Hồng Lệ, Phạm Thị Huệ, Nguyễn Trung Cường, Lê Tiến Long, Đỗ Quốc Luật... đều là những VĐV thành danh.
Nhưng, 22 HC vàng là con số thôi, là dấu mốc đưa ra để chúng ta phấn đấu, chứ không phải chỉ thầy trò chúng tôi làm ra. Đằng sau đó là sự hỗ trợ của rất nhiều cấp, ban ngành và nhiều người. Thậm chí, tôi còn giáo dục VĐV rằng những chiến thắng của họ có công lao của những người quét rác, thổi rác ở những sân vận động tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Nhổn. Họ nhưng chiếc dây đeo cho tấm huy chương của VĐV.
-
Một số fan điền kinh ví Oanh như Sifan Hassan của Hà Lan - chân chạy đầu tiên giành huy chương Olympic cả hai cự ly trung bình và dài (HC đồng 1500m, HC vàng 5000m và 10000m Olympic 2021).
(Cẩm Anh, 47 tuổi, Gia Lai)
Việc thiết lập vị thế độc tôn ở Đông Nam Á ở các cự ly này có ý nghĩa và áp lực thế nào với Oanh?Nguyễn Thị Oanh:
Có lẽ mọi người đã ưu ái và kỳ vọng khi so sánh tôi với siêu sao điền kinh Hà Lan. Bản thân tôi cũng xem đó là nguồn cảm hứng để hướng đến thành tích cao hơn.
Khi lần đầu tiên giành chiến thắng ở Đông Nam Á, tôi có cảm xúc rất đặc biệt, khó tả. Mọi người đều biết đấy, những gì đạt được sau cả quá trình chờ đợi, kìm nén luôn đem đến cho chúng ta cảm giác tuyệt vời. Còn khi đạt được vị thế số một Đông Nam Á, tôi cảm thấy tự tin hơn, nhờ đó tôi vượt qua được các thách thức trong cuộc sống. Tôi xem đó như động lực để cố gắng hơn.
-
Giữa rất nhiều VĐV, làm thế nào để HLV Trần Văn Sỹ tìm ra Nguyễn Thị Oanh? Và yếu tố nào để ông tin rằng đó là VĐV điền kinh tài năng?
(Nguyễn Khoa, Đồng Hới - Quảng Bình)Trần Văn Sỹ:
Năm 2012, Oanh thi giải trẻ quốc gia và đạt giải Ba. Lúc đó, tôi cũng đang đi tìm kiếm các VĐV tài năng nên đề xuất lãnh đạo và HLV trực tiếp của Oanh ở Bắc Giang để đưa cô ấy lên đội tuyển. Oanh có thể hình thấp, nhưng với cự ly trung bình - dài, thể hình không quan trọng nhất, mà là yếu tố tim mạch và ý chí trong tập luyện.
Năm 2014, Oanh có chút sự cố sức khỏe, nhưng đã sớm vượt qua. Tôi khâm phục ý chí của Oanh, vì dù thế nào em cũng luôn hoàn thành xuất sắc các giáo án tôi đã giao. Tôi ví Oanh như một cây xương rồng không gai trên sa mạc, rất kiên cường, biết trên biết dưới, luôn hài hòa, lại còn học giỏi nữa.Tôi nhớ có những lần Oanh vừa chạy vừa khóc, khóc vì thành tích không như ý, khóc vì chấn thương. Đời VĐV có nhiều khoảnh khắc rất buồn, mệt mỏi đằng sau vầng hào quang lắm. Nhưng Oanh luôn là VĐV có tinh thần kỷ luật rất cao, biết cách giữ gìn sức khỏe tốt nhất để có thể tập trung cho tập luyện - thi đấu. Sau này, khi về hưu, tôi sẽ viết sách về Oanh, cũng như các VĐV khác.
-
Vậy còn kỷ niệm về chiến thắng đầu tiên mà Oanh đạt được từ khi được thầy Sỹ dẫn dắt?
(Nguyễn Hoàng, 47 tuổi, Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội)Nguyễn Thị Oanh:
Thời mới lên tuyển, tôi bướng lắm. Thầy cũng quát mắng nhiều, nhưng vẫn kiên trì, hướng dẫn, giải thích để tôi nhận ra đâu là việc cần làm và đúng cho mình. Thầy trò vì thế có nhiều kỷ niệm vui buồn.
Tấm HC vàng đầu tiên của chúng tôi đến tại SEA Games 29 năm 2017, ở nội dung 1.500m. Khi đó, tôi cảm thấy cự ly này rất khắc nghiệt, trong khi bản thân chưa hội tụ đủ tố chất. Nhưng sau cùng, tôi đã về nhất và vỡ òa cảm xúc. Tôi nhắn tin ngay cho thầy và người thân để chia sẻ niềm hạnh phúc. Trước đó, tôi phải trải qua rất nhiều bài tập nặng ở những chuyến tập huấn kéo dài. Lúc giành HC vàng, tôi nhận ra rằng sự chuẩn bị tốt sẽ mang đến thành công.
-
Nguyễn Thị Oanh từng bị viêm cầu thận, đối mặt với nguy cơ phải giải nghệ sớm. Em đã phải đấu tranh như thế nào để vượt qua?
(Tri Thông, 41 tuổi, Vinh - Nghệ An)Trần Văn Sỹ:
Tôi xin phép ngắt lời. Sau tất cả, Oanh vẫn là người của điền kinh thì phải trở lại với điền kinh. Tôi rất khâm phục ý chí của Oanh những ngày đó. Sau khi hỏi ý kiến các bác sĩ, Oanh cũng cảm nhận rõ cơ thể và khát khao trở lại với nghiệp điền kinh. Đó là giai đoạn mà tôi gọi là "ở nhà trọ, ăn cơm sinh viên và tập luyện ở ĐTQG". Oanh vẫn ở nhà trọ ở Từ Sơn, Bắc Ninh, nơi em đang theo học Đại học TDTT, hàng tuần vài lần phóng xe máy sang Nhổn để tập điền kinh với thầy Sỹ. Giáo án tập của Oanh khi đó thì thầy trò thống nhất là không ép buộc, mà căn cứ vào cảm nhận cơ thể của Oanh, để tập từ nhẹ đến nặng, từ chậm đến nhanh, từ dễ đến khó, phức tạp, làm sao để VĐV trở lại với đỉnh cao. Và Oanh đã làm được.
Tôi biết trong lòng Oanh lúc đấy rất hoang mang, nặng nề, nhưng tôi chỉ muốn gọi đó là một sự cố nhẹ, động viên em bỏ qua, bước tiếp vì những điều lớn lao khác.
Nguyễn Thị Oanh:
Đây là nốt trầm trong sự nghiệp. Vì trải qua lâu nên bây giờ tôi mới bình tĩnh, chứ cách đây bốn hoặc năm năm, khi nhắc đến vẫn rất buồn.
Sau Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014 tại Nam Định, cơ thể tôi có dấu hiệu bất thường. Khi đi khám, ban huấn luyện phát hiện ra bệnh của tôi và chuyển đến bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội). Tôi may mắn gặp bác sĩ tốt và mau chóng bình phục. Tôi nằm viện khoảng 10 ngày đúng đợt Tết, hầu như mọi người đều về nên cảm thấy rất cô đơn. Khi đó, mẹ chăm sóc tôi ở bệnh viện. Loại thuốc mà tôi sử dụng ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp, gây loãng xương.
Tôi cũng có lúc suy sụp, nhưng nhờ sự chia sẻ, động viên của các thầy, bạn bè nên cũng đỡ buồn. Khi đó, tương lai vẫn còn mờ mịt, tôi không dám chia sẻ nhiều với mẹ. Tôi cố gắng tập trung điều trị, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm TDTTQG và bệnh viện Bưu Điện, tôi hồi phục và dần trở lại với điền kinh.
Những ngày đầu chạy lại, tôi gặp nhiều khó khăn vì trước đó tôi bị teo cơ do kiêng khem, ăn nhạt tuyệt đối để điều trị bệnh. Mỗi lần nhớ lại những ngày bản thân yếu đuối như vậy, tôi rất xúc động. Tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã ở bên tôi, giúp tôi vượt qua sự tự ti, không chỉ về ngoại hình mà còn thể trạng. Mặt tôi sưng phù. Thật sự tôi rất ám ảnh về thời kỳ bệnh tật khi đó.
-
Sau chiến công ở SEA Games, có tin đồn lương của Oanh chỉ là 7 triệu. Bạn nói gì về con số này, vì theo tôi hiểu, ngoài lương, các VĐV còn nhiều khoản phụ cấp tập luyện, thi đấu khác?
(Phương Phạm, 35 tuổi, Tây Hồ - Hà Nội)Trần Văn Sỹ:
Đề tài lương thưởng thì nói nhiều lắm, mãi không hết. Nhưng mọi mức đãi ngộ đều phải theo quy định của nhà nước. Oanh đã vào biên chế của Trung tâm thể thao Bắc Giang, ăn lương cơ bản theo hệ số lương. Bên cạnh đó, các địa phương có chính sách đãi ngộ cho mỗi VĐV khác nhau, ngoài ra, còn có các nhà tài trợ, mạnh thường quân.
Nhưng là VĐV, bạn phải xác định dù chế độ đãi ngộ thế nào cũng phải cố gắng hết mình. Hơn nữa, như ông bà ta vẫn nói "gái có công, chồng chẳng phụ". Các lãnh đạo ngành cũng luôn nói với các VĐV rằng cứ cố gắng, các chú các bác sẽ không để thiệt.
-
Chuyện hơi tế nhị, nhưng đến lúc này, Oanh đã nhận bao nhiên tiền thưởng sau những chiến công ở SEA Games vừa rồi?
(Quỳnh Đỗ, 41 tuổi, TP HCM)Nguyễn Thị Oanh:
Tại kỳ SEA Games vừa qua, tôi và các VĐV khác nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các nhà tài trợ. Tôi rất hạnh phúc vì nhận được những tình cảm đó. Tôi đã nhận được phần quà là chiếc ô-tô. Ngoài ra là một dự án nhà ở xã hội ở Bắc Giang và nhiều phần quà khác. Tôi tự nhủ, bản thân phải tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ chính, tập luyện và thi đấu đạt kết quả tốt rồi những nỗ lực sẽ được ghi nhận xứng đáng. Tôi cảm thấy mình may mắn, khi thành công của tôi được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Vừa rồi, một doanh nghiệp đã tặng cho Oanh một chiếc xe hơi. Tôi rất vui khi được ghi nhận bằng món quà giá trị lớn như vậy. Nó cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của tôi, giúp tôi đi lại thuận tiện hơn và cũng đảm bảo sức khỏe tốt hơn để tập luyện.
-
Ngoài chuyện tập luyện, lịch trình một ngày bình thường của Oanh thế nào? Sở thích cá nhân của bạn là gì?
(Thu Thảo, 29 tuổi, Bắc Ninh)Nguyễn Thị Oanh:
Mỗi ngày, tôi tập luyện hai buổi sáng - chiều, rồi dành thời gian hồi phục và nạp dinh dưỡng. Bên cạnh chế độ ăn uống của Trung tâm Nhổn, tôi cũng tìm hiểu xem có những loại thực phẩm, chất dinh dưỡng nào phù hợp với nhu cầu cá nhân để bổ sung. Ngoài ra, tôi thường tranh thủ thời gian rỗi cho những sở thích cá nhân và trò chuyện với bạn bè. Tất nhiên, tôi phải cân đối thời gian các ngày trong tuần để san sẻ thời gian, vì không thể làm tất cả những việc đó trong cùng một ngày.
Ngoài tập luyện - thi đấu, tôi cũng có những sở thích giống bao chị em phụ nữ khác như làm đẹp, shopping để giúp bản thân tự tin, vui vẻ yêu đời hơn. Tôi còn có đam mê đồ gia dụng, tôi có thể ngắm những món đồ này cả ngày không chán. Cho nên, khi nào mệt mỏi hay buồn chán, tôi thường đi xem đồ gia dụng mình yêu thích để suy nghĩ hình dung cho cuộc sống trong tương lai, sử dụng cho nấu nướng thế nào, chăm sóc gia đình ra sao.
-
Trong cuộc sống, Oanh chi tiêu nhiều nhất cho điều gì, và quản lý chi tiêu như thế nào?
(Truong Chi Cuong, 147 Nguyễn Thông - TP HCM)Tôi có sở thích mua sắm, nhưng tốn nhất cũng chỉ là mua quần áo, giày phục vụ tập luyện, chẳng hạn như các loại giày phù hợp với từng nội dung thi đấu, trang phục phù hợp với từng kiểu thời tiết. Tôi cảm thấy rất tự tin, năng động và cá tính khi diện những đôi giày, trang phục thể thao, cảm thấy được là chính mình.
Có nhiều người thân, bạn bè cũng khuyên tôi nên có kế hoạch tài chính, quản lý chi tiêu, vì việc này cần thiết. Nhưng hiện tại, tôi chưa có kế hoạch cụ thể gì đâu, mà chỉ cố gắng cân nhắc trước khi chi một khoản tiền nào đó, mua một món đồ gì đó, xem liệu có thật sự cần thiết hay không, có phù hợp hay không, phục vụ mình ra sao, công năng sử dụng thế nào. Việc này cũng giúp tôi không bị chi tiêu quá tay vào những thứ, những việc không cần thiết. Ngược lại những năm 2012, 2015..., tôi nhớ có những việc chi tiêu mà khi nhìn lại, tôi thấy nó vô cùng lãng phí và không xứng đáng, không phục vụ gì cho nhu cầu, công việc cuộc sống hàng ngày của mình. -
Mất gần hai năm để chữa trị, Oanh làm thể nào để có thể tập luyện trở lại và thi đấu?
(Hoàng Lâm Hồng, 45 tuổi, Thành Công - Hà Nội)Nguyễn Thị Oanh:
Khi sức khỏe đảm bảo để quay trở lại tập luyện, tôi nghĩ điều cần có nhất là sự kiên trì và bản lĩnh. Bên cạnh sự nghiêm khắc với bản thân, vai trò đồng hành của người thân cũng rất quan trọng. Sau khi khỏi bệnh, tôi nhận ra rằng mình chăm sóc bản thân tốt bao nhiêu, kỷ luật với bản thân nghiêm khắc bao nhiêu, thì kết quả công việc sẽ tốt bấy nhiêu.
-
Trong phần thi 10.000m chiều 12/5, Oanh chỉ tiếp nước một lần vì yếu tố chiến thuật. Vậy trong lúc tập luyện, Oanh có nhịn tiếp nước để tăng khả năng chịu đựng, hạn chế việc phải vào trạm tiếp nước không? Nếu có, Oanh tập luyện thế nào để nâng giới hạn chịu đựng của cơ thể?
(Văn Đông, 32 tuổi, Hội An)Nguyễn Thị Oanh:
Như thầy Sỹ nói, tôi phải chuẩn bị mọi thứ từ trong tập luyện. Có những bài tập giúp chúng tôi chống chọi lại sự khắc nghiệt thời tiết, cố gắng hạn chế việc vào trạm tiếp nước để tiết kiệm thời gian khi thi đấu. Mọi người có thể nghĩ không tiếp đủ nước sẽ gây sự cố, nhưng thật ra việc tập luyện sẽ giúp cơ thể làm quen với hoàn cảnh. Bản thân mỗi VĐV như tôi cũng phải lắng nghe cơ thể, biết nhu cầu nước của bản thân, giới hạn chịu đựng của bản thân để có cách tiếp nước phù hợp.
Trần Văn Sỹ:
Khi chạy một số giải thuộc hệ thống VnExpress Marathon, nhiều người cũng hỏi tôi về việc uống nước thế nào là đúng, là hiệu quả. Cũng có người lạm dụng nước, khi không thắng được cảm giác mệt mỏi sẽ tìm đến nước. Nhưng nói chung là tùy nhu cầu của bản thân, mỗi người sẽ có một nhu cầu bổ sung nước khác nhau trong lúc chạy. Còn trong thi đấu, tiếp nước là một chi tiết quan trọng trong chiến thuật, vì nhiều khi VĐV chủ động vào tiếp nước để đối thủ vượt lên còn mình lùi ra sau, núp gió chờ thời cơ tăng tốc khi gần về đích. Tôi lấy ví dụ như ở phần thi 10.000m của Oanh ở SEA Games vừa rồi, với 25 vòng ở điều kiện nhiệt độ 30-31 độ và oi bức, nếu Oanh vào tiếp nước tám lần thì không phù hợp.
-
ASIAD ở Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 9 là giải đấu quan trọng tiếp theo của thể thao Việt Nam trong năm 2023. Kế hoạch của Ban huấn luyện để chuẩn bị cho Nguyễn Thị Oanh hướng tới giải đấu đó như thế nào?
(Tài Trần, 41 tuổi, Hà Tĩnh)Trần Văn Sỹ:
Oanh từng giành HC đồng ASIAD 2018. Từ năm ngoái, chúng tôi đã lên kế hoạch cho năm nay, với SEA Games và ASIAD là trọng tâm. Oanh là VĐV trọng điểm, được đầu tư lớn cho ASIAD. Ở cự ly của Oanh thi đấu, có một VĐV nhập tịch của Bahrain rất mạnh, chúng tôi xem đó như một thách thức.
Sau SEA Games lần này, chúng tôi sẽ được tạo điều kiện đi tập huấn ở trong và ngoài nước. Ban huấn luyện sẽ tính toán để Oanh đạt điểm rơi phong độ tốt nhất cho ASIAD, và cố gắng đạt thành tích tốt hơn so với SEA Games vừa qua.