Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới kéo theo hậu quả tăng nguy cơ tiếp xúc với tin giả cho người dùng mạng. Việc tiếp cận với tin giả có tác động tới công chúng trên nhiều mặt khác nhau và có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, cho cả người tiếp nhận và người phát tán.
Trên phương diện xã hội, tin giả (fake news) có thể làm rạn nứt các mối quan hệ; gây ra phiền toái, phân biệt đối xử, cô lập... cho những người liên quan. Cao hơn, mỗi điều sai sự thật được lan truyền trên mạng xã hội có thể làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự cho cá nhân, tổ chức và tổn thương sức khỏe tinh thần của nạn nhân.
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc, người phát tán tin giả có thể bị phạt hành chính hoặc khởi tối hình sự dựa trên quy định của pháp luật. Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông có đưa ra một số mức phạt cụ thể theo pháp luật như sau:
Nếu tung tin giả, sai sự thật; xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức, cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận hoặc quảng cáo sai sự thật, hàng giả, cá nhân sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng; tổ chức, doanh nghiệp bị phạt 10-20 triệu đồng và bắt buộc gỡ bỏ thông tin.
Nếu đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật như xuyên tạc, tin giả..., cá nhân sẽ bị phạt 7,5-10 triệu đồng; tổ chức doanh nghiệp bị phạt 15-20 triệu đồng và buộc gỡ bỏ quảng cáo.
Đối với các nhà cung cấp dịch vụ, đối tượng chủ động cung cấp đường dẫn đến trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng có nội dung vì phạm pháp luật bị phạt 30 - 50 triệu đồng.
Trong trường hợp chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu không, xuyên tạc, thông tin bịa đặt, gây hoang mang, nhà cung cấp dịch vụ chịu phạt tiền 50 - 70 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; tước quyền sử dụng Giấy phép từ 3 đến 6 tháng.
Nếu vi phạm nghiêm trọng, cá nhân, tổ chức có thể bị xử lý hình sự theo các tội sau:
Tội làm nhục người khách phạt tù ba tháng đến hai năm. Người vi phạm có thể chịu hình thức xử phạt bổ sung là nộp 10-30 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề 1-5 năm.
Nếu bị tuyên tội vu khống, người vi phạm sẽ bị phạt tù 1-3 năm cùng hình thử xử phạt bổ sung gồm: 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề 1-5 năm.
Với tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, người vi phạm phải chịu phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.
Trường hợp phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội bị phạt từ từ hai năm.
Nếu làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người vi phạm có thể bị phạt tù 5-12 năm.
Trong hai năm bùng phát Covid-19, cơ quan chính quyền đã xử phạt hành chính rất nhiều trường hợp phát tán tin giả, gây hoang mang dư luận. Ngoài ra, nhiều trường hợp phát tán thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, tổ chức cũng bị tuyên phạt theo nhiều mức khác nhau.
Ví dụ như vào giữa năm nay, vụ án Nguyễn Lê Tấn Tài (19 tuổi, quản trị viên fanpage UEH Confession) bị phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ vì phát tán thông tin bịa đặt, sai sự thật về việc "nữ sinh bị xâm hại khi học quân sự".
Nhật Lệ