Avihai Brodtz dựng trại ngoài Bộ Quốc phòng Israel ở Tel Aviv, dự định ở đó tới khi vợ con, những người đang bị Hamas bắt cóc làm con tin, trở về. Hàng trăm người đã tham gia cùng Brodtz, cho rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm về thảm kịch.
Lực lượng Hamas xông vào các khu dân cư ở miền nam Israel ngày 7/10, giết hơn 1.300 người và bắt khoảng 150-200 người làm con tin.
Nhiều người tham gia biểu tình đã giơ biểu ngữ có tên và ảnh những người đang mất tích hoặc bị bắt cóc sau vụ tấn công. Một số người vẫy cờ Israel, còn người khác giơ biểu ngữ cho rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải chịu trách nhiệm cho việc Israel không thể ngăn chặn Hamas và kêu gọi ông từ chức. Đám đông cũng dán ảnh người bị bắt cóc lên tường ngoài của tòa nhà Bộ Quốc phòng.
Brodtz sống sót sau vụ đột kích của Hamas vào khu định cư Kfar Aza, nhưng vợ anh là Hagar và ba con bị bắt cóc. Anh bắt đầu buổi cầu nguyện bên ngoài trụ sở Bộ Quốc phòng sáng 14/10 và cam kết không rời đi tới khi những người bắt cóc được trả tự do.
"Tôi từng nhập ngũ, làm lính dự bị. Tôi yêu đất nước mình", Brodtz nói. "Tôi không tức giận với bất kỳ ai, chỉ đơn giản muốn thay đổi chính sách. Điều đầu tiên cần làm là trả tự do cho phụ nữ và trẻ em. Tôi nghĩ cả phía Israel và Hamas đều nhận định đây là điều đầu tiên cần làm".
Brodtz ngạc nhiên khi quyết định cắm trại trước Bộ Quốc phòng được mọi người ủng hộ. "Tôi ôm theo chó cưng, em trai chở tôi đến đây. Nếu có thể khóc, tôi sẽ khóc ngay, nhưng bây giờ tôi vẫn chưa hiểu hết chuyện gì đã diễn ra", anh nói.
Monica Levy, 62 tuổi, cư dân Tel Aviv có họ hàng là Mapal Adam, 25 tuổi, nằm trong số 260 người thiệt mạng trong lễ hội âm nhạc Supernova. "Tôi muốn Benjamin Netanyahu và các đồng minh hãy từ chức, bởi họ đã bỏ rơi người dân ở miền nam, không quan tâm đến mạng sống của họ mà chỉ quan tâm đến những vấn đề chính trị nhỏ nhặt".
"Ông ấy chỉ muốn cứu bản thân và sẵn sàng hy sinh chúng tôi", Levy nói.
Cuộc biểu tình lớn dần, làm nảy sinh một số va chạm giữa người biểu tình và cảnh sát. "Thả con tin ngay lập tức", "Không còn niềm tin, hãy từ chức", là hai trong số nhiều khẩu hiệu biểu tình. Đôi khi có giọng hét lên "Thật xấu hổ", câu nói phổ biến trong các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng phản đối kế hoạch cải tổ tư pháp hồi đầu năm.
Michal và Avner Caspi cho hay có người nhà là Alon Ohel, 22 tuổi, đã bảo vệ những người tham gia lễ hội âm nhạc trước khi bị Hamas bắt làm con tin. Avner yêu cầu chính phủ làm hết sức để đưa Ohel trở về.
Michael e ngại IDF đang ném bom Gaza dù chưa biết rõ vị trí của con tin. Có thể nhiều người đang bị nhốt trong mạng lưới đường hầm rộng lớn của Hamas.
Gal Hirsch, tướng quân đội đã nghỉ hưu, được ông Netanyahu bổ nhiệm làm điều phối viên về con tin và người mất tích. Hirsch ngày 13/10 tuyên bố thành lập đội 200 sĩ quan dự bị để giữ liên lạc với gia đình có người mất tích. Nhóm đang được thiếu tướng Meir Kalifi lãnh đạo.
Ông Hirsch cho hay thành viên nhóm sẽ tới hỗ trợ từng gia đình. Ông đã gặp đại diện các gia đình ở Tel Aviv tối 13/10 để giải thích công việc, bao gồm các hoạt động của nhóm đàm phán và tư pháp. Cuộc họp có 500 người tham gia. Thân nhân của người bị bắt cóc và mất tích yêu cầu mở hành lang nhân đạo để vận chuyển thuốc men và tạo điều kiện cho bác sĩ tới thăm khám con tin.
Có mặt trong nhóm biểu tình trước trụ sở Bộ Quốc phòng Israel, Goldblum, ngoài 70 tuổi, nói rằng gia đình ông không có ai là nạn nhân trong vụ tấn công ngày 7/10, nhưng ông đến vì đồng cảm sâu sắc với hoàn cảnh của các gia đình.
"Không ai trong gia đình tôi bị bắt cóc, nhưng tôi rất lo lắng cho các con tin", ông nói.
Hồng Hạnh (Theo Time of Israel)