Để đáp trả cuộc tập kích hạ sát thủ lĩnh Hassan Nasrallah của Hezbollah, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tối 1/10 phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào các mục tiêu của Israel. Còi báo động vang khắp Israel và các hệ thống phòng không đã được kích hoạt để chống đỡ những loạt tên lửa lao tới.
Không ít người Iran cảm thấy vui mừng sau đòn tập kích vào Israel. Họ mang theo cờ của Hezbollah và ảnh chân dung thủ lĩnh Nasrallah kéo xuống các con phố để ăn mừng, bày tỏ tình đoàn kết với nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn ở Lebanon.
Hedyeh Gholizadeh, 29 tuổi, cho biết cô thấy "tự hào" trước hành động đáp trả của IRGC. "Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả, bất kể chúng là gì. Chúng tôi sẵn sàng trả giá và không sợ hãi", cô nói.
Tuy nhiên, nhiều người dân Iran khác không khỏi lo lắng về những gì sắp tới, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Iran đã phạm "sai lầm lớn" và sẽ phải trả giá, báo hiệu đòn đáp trả khốc liệt của Tel Aviv.
"Tôi đã bảo gia đình rời Tehran nếu có thể", một người dân Iran giấu tên nói, thêm rằng Israel có thể tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran, nhưng không thể loại trừ khả năng tập kích vào trung tâm đầu não ở Tehran.
Một số người Iran lo ngại đất nước sẽ bị kéo vào cuộc chiến tranh toàn diện sau những đòn ăn miếng trả miếng với Israel.
"Tôi thực sự lo lắng bởi nếu Israel muốn thực hiện hành động trả đũa, nó sẽ dẫn tới nguy cơ chiến tranh leo thang. Mọi người đều lo lắng về điều đó", Mansour Firouzabadi, y tá 45 tuổi ở Tehran, nói.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết đất nước ông đã kiềm chế để không đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại thủ đô Tehran hồi tháng 7, do lo ngại điều đó có thể làm chệch hướng nỗ lực đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza.
Ông nhấn mạnh sau các "hành động hung hăng" từ Israel trong hai tháng qua, cuộc tập kích đêm 1/10 là một phần trong "quyền tự vệ" của Iran. Giới lãnh đạo Iran cũng nhấn mạnh hành động tập kích của họ sẽ kết thúc trừ khi Israel "đáp trả hoặc có hành động ác ý".
Ali Vaez, thành viên Nhóm Khủng hoảng Toàn cầu ở Brussels, cho rằng dù Tehran phát tín hiệu rằng mọi thứ đã khép lại sau đòn tập kích tên lửa, mọi thứ diễn ra trên thực tế không hoàn toàn do họ quyết định. Vaez nói diễn biến chiến sự ở Trung Đông sẽ phụ thuộc rất lớn vào phản ứng tiếp theo từ Israel và Mỹ.
Dù nhiều người dân Iran lo lắng về nguy cơ xung đột leo thang, không phải ai cũng sẵn sàng rời đi.
"Chúng tôi chưa từng rời đi khi xảy ra cuộc chiến giữa Iran và Iraq", cư dân Tehran nói, đề cập tới cuộc xung đột kéo dài 8 năm giữa hai quốc gia vào những năm 1980.
Một cư dân khác cũng dự đoán Israel sẽ nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Iran trước. "Chúng tôi sẽ xem xét những gì xảy ra sau đó. Dù sao thì chúng tôi cũng chẳng biết phải đi đâu", người này nói.
Thùy Lâm (Theo AFP, CNN, IRNA)