Liễn là một tờ giấy đỏ trên đó viết câu đối hoặc câu chúc thể hiện mong ước của gia chủ cho một năm mới như Nghinh xuân đón phúc, Năm mới đại cát, Toàn gia bình an... Xưa kia, liễn của ông viết bằng chữ Hán, dần dần xuất hiện cả những liễn bằng tiếng Việt theo kiểu thư pháp nếu khách yêu cầu.
Ông Huỳnh Trí Cầu, 69 tuổi, là người gốc Quảng Đông, Trung Quốc, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, hiện là giáo viên của một trung tâm Hoa ngữ. Hơn 50 năm nay, cứ dịp Tết đến là ông có thêm nghề tay trái viết liễn phục vụ người dân trang trí nhà cửa.
"Ngày nhỏ, tôi theo cha ra đây viết chữ, đến năm 15 tuổi đã có thể 'bán chữ' cùng cha. Từ đó đến nay, chưa có Tết nào tôi nghỉ bởi vì mê viết chữ và mong chữ của mình đem đến niềm vui, sự hy vọng cho mọi người trong dịp năm mới", ông Cầu chia sẻ.
Ban đầu, khách hàng của ông Cầu phần lớn là người gốc Hoa nên những bức liễn đỏ được viết chữ bằng mực đen truyền thống. Vài năm nay, ông chuyển sang loại mực nhũ vàng bởi trông rực rỡ, bắt mắt phù hợp với không khí Tết, nhiều người ưa chuộng.
Những tờ liễn có nhiều kích thước, hình dạng khác nhau, tùy thuộc nơi treo (dán) của khách. "Treo ở hai bên cửa chính thì liễn hình chữ nhật, dài gần mét. Dán ở két sắt thì dùng giấy vuông. Ngoài ra có thể viết theo khổ giấy ngang..." ông Cầu nói.
Tùy kích thước và chất lượng giấy, mỗi bức liễn có giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Thời điểm cận Tết, khi nhiều người dọn dẹp nhà cửa thì nhu cầu treo liễn gia tăng. Lúc này, ngoài việc viết chữ ở vỉa hè từ sáng đến chiều, ông còn tranh thủ viết thêm ở nhà vào buổi tối để kịp giao cho khách.
Sáng 24/1, bà Đàm Viên, 61 tuổi, người gốc Hoa ở Bình Dương lên chợ Thiếc ở đường Trần Quý sắm Tết. Bà cho biết, từ khi lớn lên bà đã thấy cha mình có lệ treo liễn trước cửa nhà dịp năm mới. Vốn là dân làm ăn buôn bán, mọi năm bà thường nhờ một người quen viết liễn. Năm nay, người đó đã qua đời nên bà Viên chưa biết nhờ ai.
Trước khi biết đến ông Cầu, bà đã mua một vài bức liễn viết sẵn để treo trong nhà. Tuy nhiên, với bức liễn lớn treo trước cửa ra vào, bà vẫn mong tìm được người viết tay. Theo bà, những nét chữ viết tay sẽ mềm mại, chân thật và có hồn hơn mẫu in sẵn.
"Gia đình tôi quan niệm, những câu chúc trên bức liễn sẽ mang lại may mắn cho gia đình mình và những vị khách tới nhà chơi trong dịp Tết. Khi mình yêu cầu chữ, người viết sẽ thay mình gửi gắm những ước nguyện trong năm mới. Người nào viết liễn giúp gia đình làm ăn thuận lợi thì sẽ theo người đó để nhờ viết hoài", bà Viên nói.
Trong lúc đi mua hàng, bà được các tiểu thương chỉ đến ông Cầu. Ban đầu, bà chỉ định viết hai câu đối với kích thước dài 90 cm để treo trước cửa chính. Nhưng sau khi trò chuyện và tận mắt nhìn thấy những nét chữ của ông, bà đã đặt ông viết thêm 4 bức nữa để treo nhiều nơi trong nhà.
Ông Cầu cho biết, mỗi ngày mình có khoảng vài chục vị khách như bà Viên đến đặt chữ. Dù mặt hàng liễn in chữ sẵn được bán nhiều ở khu vực chợ Thiếc nhưng ông Cầu vẫn có hàng trăm khách hàng tìm đến trong tháng cuối năm.
"Niềm vui của tôi là được viết chữ, nhưng sẽ vui hơn nếu mỗi năm tôi được khách yêu cầu viết một câu nào đó mới lạ mà không phải là câu có sẵn. Năm nay, vì dịch bệnh gây ra nhiều mất mát nên ngoài những câu chúc về làm ăn, bình an, may mắn thì câu chúc sức khỏe là nhiều hơn cả", ông Cầu chia sẻ.
Diệp Phan