Giới chức và nhân viên y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nạn nhân tử vong trong động đất đã tăng lên 35.418 người. Tại Syria, số người chết là 5.814, đưa tổng số người chết ở hai nước lên 41.232.
"Rõ ràng số người chết sẽ tiếp tục tăng lên một cách bi thảm. Con số cuối cùng sẽ rất khủng khiếp", James Elder, phát ngôn viên cơ quan nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF, nhận định.
Một số ít người sống sót tiếp tục được đưa ra khỏi đống đổ nát của những tòa nhà bị sập sau hơn 200 giờ mắc kẹt, trong đó có cụ ông 77 tuổi ở tỉnh Adıyaman, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, điều trị cho người sống sót bị chôn vùi quá lâu cũng là một cuộc chiến.
"Thật kỳ diệu khi tìm thấy bệnh nhân vẫn còn sống dưới đống đổ nát", bác sĩ Yilmaz Aydin nói. "Nhưng những người sống sót có thể lâm vào tình trạng nguy kịch hơn. Phần lớn sẽ cần được điều trị để cứu lấy mạng sống".
Abir, 25 tuổi, ở Syria, đã sống sót sau 180 giờ bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. "Tim cô ấy ngừng đập hai lần nhưng chúng tôi đã giữ được mạng sống cho Abir", bác sĩ Nihat Mujdat Hokenek cho hay.
Nhiều người tuyệt vọng trước khả năng lực lượng cứu hộ không thể tìm thấy thi thể người thân. "Chúng tôi giờ đã đến mức chỉ tìm thấy thi thể thôi cũng đủ vui mừng rồi", một công chức ở thành phố Antakya, tỉnh Hatay, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, chia sẻ. Cô đã mất anh trai và chị dâu trong trận động đất. "Chúng tôi tuyệt vọng đến mức chỉ mong tìm thấy thi thể người thân".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thừa nhận phản ứng ban đầu với động đất mạnh 7,8 độ xảy ra sáng sớm 6/2 "không đủ nhanh" như chính phủ mong muốn, nhưng cho biết tình hình hiện đã được kiểm soát. "Chúng ta đang đối mặt một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất không chỉ ở đất nước chúng ta mà còn trong lịch sử nhân loại", ông Erdogan phát biểu trên truyền hình.
Quan chức Liên Hợp Quốc cho biết giai đoạn giải cứu sắp kết thúc, chuyển sang trọng tâm là nơi trú ẩn, thực phẩm và trường học cho người sống sót.
"Mọi người đang phải chịu đựng rất nhiều. Chúng tôi đã nộp đơn xin nhận lều, viện trợ hoặc thứ gì đó nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ thứ gì", Hassan Saimoua, người tị nạn đang ở cùng gia đình trong một sân chơi ở thành phố Gaziantep, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết.
Saimoua và những người Syria khác tìm đến Gaziantep để chạy trốn cuộc nội chiến ở quê nhà, nhưng động đất đã biến họ thành người vô gia cư. Họ dùng các tấm nhựa, chăn và bìa cứng để dựng lều tạm trong sân chơi.
"Nhu cầu rất lớn, tăng lên từng giờ. Khoảng 26 triệu người ở cả hai quốc gia cần hỗ trợ nhân đạo", Hans Henri P. Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu, cho hay. "Cũng có những lo ngại ngày càng tăng về các vấn đề sức khỏe mới nổi liên quan thời tiết lạnh, điều kiện vệ sinh và các bệnh truyền nhiễm".
Đoàn gồm 11 xe tải của Liên Hợp Quốc hôm 14/2 tiến vào Syria qua điểm biên giới Bab al-Salama mới được mở lại, sau khi Damascus đồng ý cho phép tổ chức thế giới sử dụng cửa khẩu này để viện trợ. Trước động đất, gần như tất cả viện trợ nhân đạo quan trọng cho hơn 4 triệu người ở khu vực do quân nổi dậy kiểm soát tại tây bắc Syria được chuyển đến qua chỉ một cửa khẩu.
Paul Dillon, phát ngôn viên Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp Quốc (IOM), nói rằng các xe tải chở đầy hỗ trợ nhân đạo thiết yếu, bao gồm lều bạt, đệm, chăn và thảm.
Các nhà hoạt động và đội cứu hộ địa phương chỉ trích Liên Hợp Quốc phản ứng chậm ở khu vực do quân nổi dậy kiểm soát, tương phản với lượng máy bay chở hàng viện trợ nhân đạo đến các sân bay do chính phủ kiểm soát.
Mỹ, quốc gia từ chối thiết lập quan hệ với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đã kêu gọi cả chính phủ và phiến quân hợp tác để tạo điều kiện thuận lợi cho viện trợ.
"Mọi người nên gác lại các chương trình nghị sự để phục vụ cho mục tiêu duy nhất là giải quyết tình trạng khẩn cấp nhân đạo. Cơn ác mộng nhân đạo đang diễn ra ở tây bắc Syria", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với phóng viên ở thủ đô Washington.
LHQ kêu gọi huy động 397 triệu USD để trang trải ba tháng cứu trợ cho nạn nhân ở Syria và cho biết cũng lập kế hoạch tương tự đối với Thổ Nhĩ Kỳ. "Hàng triệu người trên khắp khu vực đang phải vật lộn để sinh tồn, họ mất nhà cửa và chật vật trong nhiệt độ lạnh giá", Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)