Trong lúc nhiều cộng đồng khắp thế giới đang tự hỏi nên chuẩn bị gì sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, một ngôi làng trên đảo Sardinia ở Italy đã nhìn ra cơ hội.
Giống nhiều nơi khác ở nông thôn Italy, làng Ollolai lâu nay cố gắng thu hút người ngoài địa phương chuyển vào làng sinh sống sau nhiều thập kỷ suy giảm dân số, bằng cách bán những ngôi nhà đổ nát với giá chỉ một euro, tương đương hơn một USD.
Sau ngày bầu cử Mỹ 5/11, chính quyền Ollolai đã ra mắt trang web dành cho người Mỹ muốn di cư, mời chào nhiều ngôi nhà giá rẻ với hy vọng những cử tri bất bình với kết quả bầu cử sẽ rời Mỹ sang Italy sinh sống.
"Bạn có mệt mỏi với chính trị toàn cầu không? Bạn có muốn theo đuổi lối sống cân bằng hơn trong lúc vẫn đi tìm cơ hội mới?", phần giới thiệu trên trang web có đoạn. "Đã tới lúc bắt đầu xây dựng nơi trú ẩn của bạn ở châu Âu tại thiên đường tuyệt vời Sardinia".
Thị trưởng Francesco Columb ngày 19/11 cho hay trang web được thiết kế nhằm thu hút cử tri Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống. Ông bày tỏ tình yêu với nước Mỹ và tin rằng người dân Mỹ là những người tuyệt vời nhất để hồi sinh cộng đồng Ollolai.
"Chúng tôi thực sự mong muốn và sẽ tập trung thu hút người Mỹ", ông nói. "Tất nhiên, chúng tôi không cấm người dân nước khác mua nhà, nhưng người Mỹ sẽ được phê duyệt nhanh hơn. Chúng tôi đang cược vào việc họ sẽ giúp hồi sinh ngôi làng, họ là lá bài tẩy".
Columbu cho hay làng đang cung cấp ba loại nhà, một là nhà miễn phí tạm thời cho "dân du mục kỹ thuật số" (người không làm việc tại nơi cố định), nhà một euro cần cải tạo và nhà sẵn sàng dọn vào ở với giá lên đến 105.000 USD.
Ông đã thành lập một tổ chuyên trách hướng dẫn người muốn tìm hiểu và mua nhà, từ tổ chức tham quan tới tìm nhà thầu, đơn vị thi công và cấp phép thủ tục. Ảnh và kế hoạch chi tiết về các ngôi nhà bỏ trống sẽ sớm được tải lên trang web.
Trong thế kỷ qua, dân số Ollolai giảm từ 2.250 xuống 1.300 và mỗi năm có rất ít trẻ chào đời. Nhiều gia đình đã rời làng trong thời kỳ kinh tế khó khăn để đi tìm việc và tìm cuộc sống tốt hơn. Trong vài năm gần đây, dân số trong làng chỉ còn chưa tới 1.150 người.
Hồng Hạnh (Theo CNN)