"Triều Tiên phải tìm đường trở lại bàn đàm phán. Chiến dịch gây áp lực phải và sẽ tiếp tục đến khi đạt được mục tiêu phi hạt nhân hoá", AFP dẫn lại lời ông Tillerson nói trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 15/12.
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng Triều Tiên phải chấm dứt cách hành xử đe doạ trước khi các đàm phán bắt đầu.
Phát biểu của ông Tillerson tại cuộc họp khác với đề xuất hồi đầu tuần là đàm phán vô điều kiện nhằm chấm dứt căng thẳng với Bình Nhưỡng. Dường như Ngoại trưởng Mỹ thay đổi quan điểm dưới áp lực từ Nhà Trắng.
Trước đó, ông Tillerson nhấn mạnh Mỹ đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao mở cho đàm phán với Triều Tiên để chấm dứt chương trình hạt nhân. Lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ đề xuất "đàm phán không cần điều kiện tiên quyết". Tuy nhiên, Nhà Trắng đã phản bác, cho biết không có sự thay đổi trong chính sách, khẳng định không thương lượng nếu Triều Tiên không cải thiện cách hành xử của mình.
Điều này cũng làm rộ lên tin tức về sự rạn nứt trong quan hệ giữa Ngoại trưởng và Tổng thống Trump. Trả lời các phóng viên sau cuộc họp, ông Tillerson nói Mỹ không từ bỏ việc đàm phán nếu Triều Tiên muốn xúc tiến.
"Triều Tiên biết cánh cửa ở đâu. Họ biết chỗ đi qua cánh cửa đó nếu họ muốn đàm phán", ông nói.
Cũng trong phiên họp của Hội đồng, ông Tillerson cho biết Mỹ vẫn mở kênh liên lạc với Triều Tiên. Ông khẳng định Mỹ "không tìm kiếm và không muốn chiến tranh với Triều Tiên", hy vọng ngoại giao sẽ giúp tìm ra giải pháp. Washington sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để tự vệ trước những lời đe dọa của Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Mỹ đã thúc giục Nga và Trung Quốc làm nhiều hơn, so với nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ) về các biện pháp trừng phạt. Ông kêu gọi hai nước áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương với Triều Tiên, trong đó có biện pháp cắt nguồn cung dầu từ Trung Quốc đến Triều Tiên.
Trong khi đó, ông Ja Song-nam, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ, tái khẳng định quan điểm cứng rắn của Bình Nhưỡng, cho hay vũ khí hạt nhân là cần thiết để nước này phòng vệ.
Phó đại sứ Trung Quốc tại LHQ Wu Haitao thể hiện sự lo lắng, cho hay cuộc khủng hoảng hiện nay "khó làm người ta lạc quan". Tuy nhiên ông cho rằng hy vọng về hoà bình vẫn còn, lựa chọn dùng vũ lực là không thể chấp nhận được.
Khánh Lynh