Quyết định của HLV Roberto Mancini tung thủ môn Salvatore Sirigu vào sân phút cuối trận thắng Xứ Wales không đơn thuần để cho vui. Và ông cũng không làm thế chỉ để cầu thủ dự bị cũng được nếm trải không khí ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu.
Theo The Athletic, nó liên quan đến khía cạnh cá nhân rất nhạy cảm, ít được chia sẻ. Trong suốt sự nghiệp quốc tế, Sirigu chỉ là thủ môn thứ hai hoặc thứ ba của Italy. Số một luôn là Gianluigi Buffon. Sirigu thường xuyên phải chứng kiến cảnh Buffon bắt chính, còn anh được gọi lên chỉ để tập cùng và dự phòng. Cách Mancini dùng Sirigu là để bù đắp cho thủ thành này, và cũng là bù đắp cho chính ông, bởi khi còn là cầu thủ, Mancini từng dự World Cup 1990 trên sân nhà nhưng không được thi đấu phút nào. Ông không muốn học trò phải trải qua cảm giác tương tự.
Trận thắng Xứ Wales giúp Italy chỉ còn một trong tổng số 26 cầu thủ chưa ra sân phút nào ở Euro lần này, đó là thủ thành số ba Alex Meret. Nhưng Meret còn trẻ, mới khoác áo đội tuyển hai lần, và hẳn Mancini cũng đã tâm sự với anh điều này, rằng Meret còn nhiều thời gian và cơ hội hơn, so với một Sirigu đã sắp giải nghệ.
Nhưng dùng hết số người đang có cũng là để mọi cầu thủ có cảm giác thi đấu trước khi bước vào vòng knock-out chắc chắn cam go hơn. Cầu thủ đá chính, nhờ thế, cũng được nghỉ ngơi nhiều hơn, cho các trận đấu có thể kéo dài thêm hai hiệp phụ.
Ở World Cup 2018, HLV của Anh Gareth Southgate trải qua cảm giác tương tự, khi đội của ông đã giành vé đi tiếp trước lượt đấu cuối cùng gặp Bỉ. Vì thế, khi gặp Bỉ, Southgate thay tám vị trí trong đội hình xuất phát. Nhưng ông vẫn bị chỉ trích. Người Anh rất coi trọng chuyện này khi cho rằng việc thay gần hết đội hình đá chính là biểu hiện của sự thiếu nỗ lực.
Southgate bảo vệ quyết định của bản thân. Ông kết luận rằng đó là việc phải làm, khi nó giúp đội bóng có sự hài hòa của mọi vị trí, các cầu thủ cảm thấy được đóng góp nhiều hơn và họ có điều kiện bắt nhịp tốt hơn nếu vào sân ở các vòng sau. Anh lọt vào bán kết ở giải đấu này.
Quản trị một đội bóng đá giải quốc tế trong giai đoạn này phức tạp hơn ngày xưa, khi Covid-19 luôn chực chờ, đe dọa. Cứ mỗi cầu thủ không may mắc bệnh sẽ kéo theo ảnh hưởng cho toàn đội, khả năng cao một vài vị trí quan trọng phải về nước và một số người phải cách ly.
Bồ Đào Nha đang nếm khó khăn đó, khi hậu vệ phải Cancelo dương tính với Covid-19, dẫn đến việc HLV Fernando Santos phải bổ sung Diogo Dalot và xếp Semedo đá chính trước Đức. Thảm bại 2-4 trong ngày Semedo bị Robin Gosens hủy hoại khiến người Bồ Đào Nha nhớ Cancelo hơn bao giờ hết.
Xếp một đội hình thi đấu cũng không đơn thuần dựa trên chuyên môn. Nó còn nằm ở khía cạnh tâm lý, khi sẽ dư ra ba cầu thủ không được chọn vào danh sách thi đấu. Hãy hình dung: Ba người ưu tú ở cấp CLB hào hứng lên tranh tài cùng đội tuyển phải ngồi ngoài như những người thừa trong khi đồng đội của họ đang đá ngoài kia. Việc này giải thích vì sao một số HLV phản đối ý tưởng tăng số cầu thủ mang theo từ 23 lên 26, cũng là lý do HLV Luis Enrique chỉ chọn 24 người dù UEFA cho phép gọi 26.
Loại bỏ một thủ môn số 3, người lẻ loi giữa 22 cầu thủ trong danh sách thi đấu, vẫn dễ hơn việc để ngoài sân một Jadon Sancho đáng giá 100 triệu bảng - ngôi sao hàng đầu của Dortmund và có thể tranh tài Champions League trong màu áo Man Utd mùa tới.
Sau ngày diễn ra trận đấu, các HLV thường tìm giải pháp cho các cầu thủ không được sử dụng đốt cháy năng lượng và giải tỏa tâm trạng tiêu cực bằng những bài tập nặng hơn so với số cầu thủ đá chính. Việc này đảm bảo đội hình giữ được sự cân bằng, triệt tiêu năng lượng tiêu cực có thể xuất hiện, hoặc cảm giác không vui, so bì giữa các thành viên về việc vì sao người này, người kia được đá chính, còn tôi thì ngồi đây.
Nhưng câu chuyện của Sirigu là hết sức phổ biến. Lấy ví dụ về Robbie Fowler của Anh. Năm 21 tuổi, anh dự Euro 1996 với tư cách người ghi hơn 30 bàn trong hai mùa liên tiếp trước đó cho Liverpool. Anh chỉ vào sân 13 phút trong trận gặp Hà Lan khi kết quả đã an bài, thêm 11 phút nữa trong hiệp phụ trận tứ kết hòa 0-0 với Tây Ban Nha trước khi đá phạt đền.
Fowler có thể rất thoải mái lúc đó, vì anh còn trẻ. Anh nghĩ rằng còn nhiều cơ hội trước mắt để cống hiến cho ĐTQG. Nhưng sau cùng, lần ra sân tiếp theo của anh tại một giải đấu lớn chỉ đến sau đó sáu năm, tại World Cup 2002, khi anh chơi hiệp hai trận Anh - Đan Mạch, khi "Tam Sư" đã dẫn 3-0. Và đấy cũng là lần khoác áo ĐTQG cuối cùng trong 26 lần của cả cuộc đời Fowler.
Câu chuyện của Fowler là lời cảnh báo cho tất cả số cầu thủ nghĩ rằng họ còn nhiều cơ hội khác, và cho thấy sức cạnh tranh trong nội bộ mọi đội bóng sẽ không có dấu hiệu hạ nhiệt.
HLV phải rất nhạy cảm với suy nghĩ từng học trò, vì thậm chí chuyện ông giao tiếp với ai nhiều nhất, thay ai quá sớm hay quá muộn cũng phản ánh niềm tin mà ông đặt vào họ. Thay người quá sớm có thể khiến cầu thủ mất tự tin, nhưng trì hoãn quyết định đến cuối cùng đôi khi chỉ chứng minh sự do dự của bản thân HLV đó, hoặc ông ta không tin vào các giải pháp khác đang ngồi phía sau.
Southgate chỉ dùng hai trong số năm quyền thay người trong trận Anh hòa Scotland 0-0. Các quyết định nhân sự nhạy cảm của ông, như xếp hậu vệ phải Kieran Trippier chơi hậu vệ trái gặp Croatia trong khi bỏ rơi hai người đá cánh trái chuyên nghiệp trên ghế dự bị cần được giải thích rõ ràng.
Theo cựu hậu vệ Rio Ferdinand, một trong những thủ thuật quan trọng của Sir Alex Ferguson tại Man Utd là lên kế hoạch dùng người từ trước, giải thích rõ cho các cầu thủ ít được thi đấu và xếp họ đá chính ở một số trận khác nhằm tạo động lực cho họ cũng như triệt tiêu cảm xúc tiêu cực trong phòng thay đồ.
Nhưng cấp quốc gia tất nhiên khó làm điều đó hơn, vì ở các giải lớn, thể thức thi đấu không cho phép HLV tính xa quá hai trận. Không biết liệu sau hai tuần nữa, Anh có còn dự giải hay không. Các chấn thương hay thẻ phạt có thể ập đến với bất cứ cầu thủ nào.
Tuy nhiên, nếu suy nghĩ một cách thấu đáo và nhạy cảm trong bối cảnh từng trận đấu, vẫn có thể làm được điều này để thật sự tạo ra một đội tuyển đoàn kết và nhận được sự ủng hộ tối đa.
Cách làm của Mancini với Sirigu nhận được sự đồng tình rất lớn tại Italy, không chỉ vì đội tuyển đang thắng như chẻ tre và trận gặp Xứ Wales chỉ mang ý nghĩa thủ tục. Nó được tôn trọng bởi Mancini đã nhạy cảm nghĩ cho học trò, cũng như một lần nữa chứng minh sự đoàn kết trong tập thể Italy dự Euro 2021.
Người Italy đang rất tự hào với đội tuyển của Mancini sau ba trận vòng bảng. Họ cho rằng Italy bây giờ đoàn kết không khác gì một CLB. Corriere dello Sport gọi vui đây là "Mancio Football Club", tức "CLB bóng đá Mancini", vì họ quá ngạc nhiên với tính gắn kết của tập thể này dưới bàn tay nhào nặn của cựu HLV Man City.
Đỗ Hiếu (theo The Athletic)