Trong một căn hộ nhỏ lộn xộn ở Thượng Hải, Li Lin, 23 tuổi, chuẩn bị đi ngủ sau một ngày dài chiến đấu với quái vật trong game Genshin Impact. Lin dành phần lớn thời gian trong ngày để hoàn thành nhiệm vụ, nhận phần thưởng trong game, không phải vì sở thích mà để kiếm sống.
Những người cày game thuê như Lin ở Trung Quốc được gọi là "Dailian". Họ được trả tiền để chơi thay người không có thời gian làm nhiệm vụ. Người chơi tin tưởng giao tài khoản quý giá cho "Dailian" để nâng cấp vật phẩm, mở khóa phần thưởng bằng các nhiệm vụ.
"Tôi làm việc tự do, không bị ràng buộc với bất kỳ công ty nào. Tôi có thể nghỉ bất cứ khi nào muốn", Lin nói. Với chàng trai 23 tuổi, việc này mang lại cuộc sống ổn định, tự do, có thể biến sở thích thành kế sinh nhai. Ngoài những người cày game thuê toàn thời gian như Lin, nhiều người khác chỉ dùng thời gian rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập.
Sách trắng về game năm 2021 do Tencent phát hành ước tính có khoảng 49,8 triệu tài khoản "Dailian" tại Trung Quốc. Trên Taobao, nếu gõ từ khóa "Dailian", người dùng nhận được hơn 30.000 kết quả. Giá trung bình của dịch vụ là 10-100 nhân dân tệ (35-350 nghìn đồng) cho mỗi nhiệm vụ hoặc cấp độ đạt được.
The World of Chinese dẫn nghiên cứu của giáo sư Hồ Phong Bân tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho thấy hầu hết người chơi game ở độ tuổi 20. Nhiều người bị thu hút bởi cơ hội kiếm tiền từ trò chơi điện tử. Một trong những lý do là ở vùng nông thôn, thành phố nhỏ, mức lương lao động truyền thống thường thấp và ít cơ hội đổi đời.
Tuy nhiên, nghề này cũng có mặt trái. "Dailian" phải làm nhiều giờ, trong điều kiện căng thẳng và sự kỳ thị từ game thủ, cũng như cái nhìn thiếu thiện cảm của xã hội về "con nghiện game".
"Bạn không quyết định giờ làm của mình, mà là khách hàng. Đôi khi bạn phải thức trắng đêm", Lin nói. Có lúc anh không ngủ trong 34 giờ liên tục để hoàn thành nhiệm vụ cho khách.
Thị trường này cũng có chênh lệch về thu nhập. Một số có thể kiếm 20.000 nhân dân tệ (70 triệu đồng) mỗi tháng, nhưng phần lớn phải chật vật với mức thấp hơn nhiều. Lin cho biết hiếm khi thu nhập một tháng của anh vượt quá 10.000 nhân dân tệ (35 triệu đồng). Để so sánh, thu nhập trung bình tháng của người mới tốt nghiệp đại học Trung Quốc là hơn 6.000 nhân dân tệ (21 triệu đồng) năm 2023, theo công ty tư vấn Mycos.
Lin cho biết cày game không đòi hỏi kỹ năng hay chiến thuật. Tất cả việc họ phải làm là chạy, thu thập vật phẩm, mở khóa bản đồ và hoàn thành nhiệm vụ. Hầu hết trong danh sách 100 khách hàng của anh là sinh viên, nhân viên văn phòng không đủ thời gian để hoàn thành nhiệm vụ. Ví dụ, Li Ziming, 26 tuổi ở Thâm Quyến, đã chi 2.000 nhân dân tệ (70 triệu đồng) cho dịch vụ chơi thuê năm qua. Người này giải thích một phần do đam mê với game đã giảm, một phần quá mệt mỏi với các nhiệm vụ, nhưng lại không muốn bỏ tài khoản.
Tuy nhiên, một số bên cung cấp dịch vụ cày game thường thuê trẻ nhỏ, đang đi học vì những người này sẵn sàng làm việc giá rẻ và nghĩ đơn giản là đang chơi. Tháng 7 năm ngoái, Legal Daily phản ánh tình trạng các studio tuyển dụng thanh thiếu niên chưa đủ tuổi để cày game, phải làm từ 15h đến 3h hôm sau.
Một mặt trái khác của nghề cày game thuê là liên tục bị người chơi chân chính phản đối. Họ cho rằng việc bỏ tiền ra thuê người khác khiến game trở nên "rác" hơn. Các trận đấu, đua top không còn mang nhiều cảm xúc khi bị chi phối bởi tiền.
'Chơi game' có phải nghề tương lai cũng là câu hỏi của nhiều độc giả VnExpress. Nhằm giúp phụ huynh và bạn trẻ có góc nhìn đa chiều về ngành nghề và nắm bắt xu hướng việc làm không chỉ ở ngành game, VnExpress sản xuất chuỗi podcast "Nghề tương lai". Mỗi số sẽ khai thác một ngành nghề được dự đoán phát triển mạnh mẽ trong tương lai như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thiết kế game, phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin...
Khương Nha