Vadym Denysenko, cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, hôm nay cảnh báo "tình huống khó khăn nhất" Ukraine đang đối mặt là ở phía đông của đất nước, khi giới chức quân đội Ukraine quan sát thấy lực lượng Nga đang tăng cường tại đây.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết những tiến bộ gần đây của lực lượng Nga ở khu vực Kharkov có thể khiến thành phố Sloviansk, miền đông Ukraine, trở thành mục tiêu tiếp theo.
"Tình hình bây giờ rất khó khăn theo hướng Sloviansk và Kramatorsk. Đây là những khu vực mấu chốt trong giai đoạn này của cuộc chiến. Tôi tin rằng trên thực tế, ít nhất kết quả của giai đoạn này sẽ phụ thuộc phần lớn giao tranh ở phía đông", Denysenko nói.
Sergiy Gaiday, thống đốc khu vực do chính phủ Ukraine kiểm soát ở Lugansk, cảnh báo người dân ở miền đông rằng họ có "cơ hội cuối cùng" để sơ tán trước nguy cơ "Nga mở cuộc tấn công lớn" tại đây. "Vài ngày này có thể là cơ hội cuối cùng để rời đi", Gaiday cho hay.
Tại cuộc họp với các ngoại trưởng NATO ở Brussels, Bỉ hôm nay, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi gửi vũ khí đến Kiev ngay bây giờ, nếu không "sẽ quá muộn".
"Hoặc giúp chúng tôi ngay bây giờ, tôi đang nói ngày chứ không phải tuần, hoặc sự giúp đỡ của các ngài sẽ đến quá muộn. Nhiều người sẽ chết, nhiều dân thường sẽ mất nhà cửa, nhiều ngôi làng sẽ bị phá hủy nếu sự trợ giúp này đến quá muộn", ông Kuleba nói.
Ngoại trưởng Ukraine cũng bày tỏ ông "không nghi ngờ gì" việc Ukraine sẽ có vũ khí cần thiết. "Vấn đề là thời gian. Chúng ta không bàn đến danh sách các loại vũ khí, mà thảo luận về thời gian", Kuleba nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết bản thảo thỏa thuận nhằm chấm dứt chiến sự mà Ukraine đưa ra hôm qua không bao gồm những điều kiện đã được thảo luận tại cuộc hội đàm ở Istanbul hôm 29/3. Theo Ngoại trưởng Nga, những vấn đề đã bị Ukraine thay đổi bao gồm Crimea, cam kết về tập trận chung của Ukraine với nước ngoài trên lãnh thổ nước này.
Ông cáo buộc những sai lệch này cho thấy "ý định thực sự" của Ukraine về đình trệ và phá hoại tiến trình hòa bình, đồng thời thể hiện Kiev không có khả năng tuân thủ các thỏa thuận và là bằng chứng "chế độ ở Kiev do Washington và đồng minh kiểm soát, những người đã thúc đẩy Tổng thống Zelensky tiếp tục hành động thù địch".
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Nga sẽ tiếp tục nỗ lực đàm phán hòa bình với chính phủ Ukraine, bất chấp điều ông gọi là "động thái khiêu khích" của Kiev.
Phản ứng trước cáo buộc của Ngoại trưởng Nga, Ukraine cho rằng Nga nên bớt "thái độ thù địch" nếu muốn nối lại đối thoại.
Tại thành phố Mariupol đang bị lực lượng Nga bao vây ở miền nam đất nước, thị trưởng Vadym Boichenko cho biết hơn 100.000 người vẫn cần sơ tán khẩn cấp. Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, ông mô tả tình hình ở thành phố cảng này là một thảm họa nhân đạo.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi quốc hội Hy Lạp sử dụng ảnh hưởng để giải cứu số dân còn lại ở Mariupol, nơi có đông đảo dân số Hy Lạp suốt nhiều thế kỷ.
Đoàn xe của Hội Chữ thập đỏ gồm 7 xe buýt và hàng chục ôtô vận chuyển người sơ tán, chủ yếu từ thành phố Mariupol, đã đến thành phố Zaporizhzhia. Hội Chữ thập đỏ không vào được Mariupol, nhưng đã tìm cách giúp đỡ người dân đến thành phố Berdiansk do Nga quản lý gần đó.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm nay đã bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền với 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Cuộc bỏ phiếu được tiến hành sau khi Mỹ và Ukraine cáo buộc lực lượng Nga giết hại hàng trăm dân thường ở Bucha, thị trấn phía tây bắc thủ đô Kiev. Nga bác bỏ cáo buộc, cho rằng Ukraine dàn dựng để "làm mất uy tín quân nhân Nga".
Liên Hợp Quốc cho biết 11,3 triệu người đã phải sơ tán, trong đó hơn 4,3 triệu người Ukraine rời khỏi đất nước từ khi Nga mở chiến dịch quân sự hôm 24/2, tăng thêm gần 41.000 người so với một ngày trước đó. Theo LHQ, đây là cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất châu Âu kể từ sau Thế chiến II.
Tổ chức Di cư Quốc tế của LHQ ước tính 7,1 triệu người đã rời bỏ nhà cửa nhưng vẫn ở Ukraine, hơn 210.000 người không phải là người Ukraine đang sinh sống, học tập hoặc làm việc tại nước này cũng đã rời đi. Trước khi Nga mở chiến dịch, Ukraine có dân số 37 triệu người ở các khu vực do chính phủ kiểm soát.
Sau gần một tháng rưỡi giao tranh, chiến sự ở Ukraine đã khiến ít nhất 1.611 dân thường thiệt mạng và 2.227 người bị thương, theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR). Cơ quan này cảnh báo con số thương vong thực tế có thể cao hơn.
Huyền Lê (Theo AFP, CNN, Guardian)