Thay vì đồng loạt báo lãi khủng như ba năm gần đây, kết quả kinh doanh của các nhà băng năm nay kém hơn đáng kể. 14/27 ngân hàng trên sàn chứng khoán có lợi nhuận 9 tháng giảm so với cùng kỳ. Khả năng hấp thụ vốn kém của doanh nghiệp dẫn tới tín dụng tăng thấp, trong khi nợ xấu vươn cao đã bào mòn lợi nhuận của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, màu xám không hẳn gam màu chung của toàn ngành, khi đà giảm chủ yếu ở nhóm ngân hàng top dưới. Các ngân hàng quốc doanh năm nay vẫn tăng trưởng ở mức hai con số.
Ba "ông lớn" ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank và BIDV cho biết họ đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch năm.
Vietcombank đạt mức lợi nhuận tăng hơn 10%, lên hơn 40.000 tỷ đồng, tiếp tục là ngân hàng đứng đầu về lợi nhuận toàn hệ thống.
VietinBank không tiết lộ con số cụ thể, nhưng cho biết lợi nhuận "hoàn thành vượt kế hoạch". Trước đó, ngân hàng này công bố kế hoạch lợi nhuận năm nay là 22.500 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2022.
Với BIDV, mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm nay đạt 27.400 tỷ đồng, tăng hơn 19%.
Động lực tăng trưởng chính của các nhà băng quốc doanh tới từ tăng trưởng tín dụng, biên lãi ròng (NIM) ổn định và dự phòng được kiểm soát.
Ở góc độ dự phòng, Vietcombank là ngân hàng làm tốt nhất. Giai đoạn 2019-2022, nhà băng này đẩy tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên hơn 300%, tức một đồng nợ xấu có ba đồng dự phòng - mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng.
Diễn biến này được giới phân tích đánh giá là một cách "giấu lãi" khéo léo. Một mặt giúp chuyển lợi nhuận ở những thời điểm tăng trưởng cao sang tương lai, đồng thời giúp ngân hàng giữ tăng trưởng ổn định.
Điều này đã phát huy tác dụng trong năm 2023, khi nợ xấu trở thành vấn đề của hệ thống. Quý III, chi phí dự phòng rủi ro của Vietcombank chỉ hơn 1.500 tỷ đồng, giảm gần 50% cùng kỳ, dù nợ xấu tăng mạnh. Lũy kế 9 tháng, chỉ tiêu này là hơn 6.000 tỷ, so với mức 7.800 tỷ của năm 2022. Kết quả này đến từ việc khai thác "của để dành" từ những năm trước, cũng đồng thời giúp lợi nhuận Vietcombank giữ đà tăng trưởng.
Hết năm 2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank giảm xuống 185% so với mức 270% cuối quý III, dù vậy vẫn là mức cao nhất hệ thống. Nợ xấu của ngân hàng cũng giữ dưới 1%.
Khác với Vietcombank, BIDV và VietinBank khai thác tiềm năng từ tín dụng và NIM, vốn chịu ảnh hưởng trong những năm chưa tăng được vốn.
Hết quý III, thu nhập lãi thuần của BIDV và VietinBank xấp xỉ năm trước. Các khoản thu từ lãi của hai nhà băng này tăng mạnh, đủ để bù đắp cho đà tăng chi phí lãi phải trả. Cùng với một số mảng kinh doanh khác, tổng thu nhập hoạt động của hai ngân hàng này cao hơn cùng kỳ. Diễn biến tích cực hơn nhiều ngân hàng tư nhân khác, khi áp lực chi phí vốn ảnh hưởng mạnh tới "nồi cơm chính" thu nhập lãi thuần.
Dư nợ tín dụng của VietinBank đến hết năm tăng gần 16%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành. Với BIDV, tín dụng ngân hàng này tăng gần 16,7%, trong khi huy động tăng hơn 16% - cao hơn đáng kể so với phần còn lại của hệ thống ngân hàng.
Theo SSI Research, BIDV dẫn đầu trong hệ thống về tổng tín dụng, với tỷ trọng cho vay bán lẻ trên doanh nghiệp là 44%/56% vào cuối quý III. Ngân hàng đã tích cực giải ngân cho vay mua nhà có chất lượng trong quý cuối năm thông qua các chương trình cho vay ưu đãi. "Điều này có thể giúp BID thu hút được nhiều khách hàng cá nhân có chất lượng tốt giúp NIM cải thiện trong trung hạn", SSI Research đánh giá trong báo cáo.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bài toán của các nhà băng quốc doanh là câu chuyện tăng vốn điều lệ.
Việc mở rộng tín dụng ở mức cao giúp những ngân hàng quốc doanh vượt qua một năm 2023 khó khăn, song cũng khiến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) bị ảnh hưởng. So với nhóm ngân hàng tư nhân, việc tăng vốn của nhóm quốc doanh bị hạn chế hơn, chủ yếu phải dựa vào phần lợi nhuận để lại.
Như Vietcombank, ngân hàng này được Phó thống đốc Phạm Quang Dũng đề nghị sớm trình phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối, nhằm nâng cao năng lực, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Ngoài ra, đển tránh pha loãng sở hữu Nhà nước, Vietcombank cũng được yêu cầu hạn chế phát hành riêng lẻ.
Minh Sơn