Theo Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 do PwC Việt Nam và VIOD thực hiện, 80% doanh nghiệp đã đặt ra cam kết hành động hoặc đang lên kế hoạch thực hành ESG trong 2 đến 4 năm tới.
Động lực để các doanh nghiệp làm điều này phần lớn xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng, người lao động và tác động từ các nhà đầu tư. Cụ thể, các yếu tố thúc đẩy doanh nghiệp triển khai ESG bao gồm: cải thiện hình ảnh thương hiệu và uy tín (82%); duy trì cạnh tranh trên thị trường (68%); thu hút và giữ chân nhân tài (42%); áp lực từ nhà đầu tư và cổ đông, Chính phủ (37-40%).
Do đó từ 2013, Ngân hàng ACB đã triển khai các hoạt động phát triển bền vững trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Chia sẻ về hành trình này, chủ tịch Trần Hùng Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB cho biết, cách đây 10 năm, ESG là một điều gì đó rất xa vời, ngay cả những nhân sự cấp cao của ACB cũng tỏ ra e ngại do nguồn lực để thực hiện kế hoạch phát triển bền vững không cân xứng với lợi nhuận nó đem lại
"Tuy nhiên, ESG là tầm nhìn 10 năm, 20 năm, 30 năm, thậm chí là 100 năm chứ không phải ngày một ngày hai. Đây là những nỗ lực của ACB để hướng tới thế hệ tương lai", chủ tịch Trần Hùng Huy nhấn mạnh.
Theo ông Trần Hùng Huy, nếu ESG là đích đến, trước tiên cần có hướng đi đúng, bởi mục tiêu ở mỗi thời điểm có thể thay đổi, nhưng hướng đi đúng sẽ giúp doanh nghiệp không rơi vào chiếc vòng luẩn quẩn của hàng trăm ngã rẽ khác nhau. Yếu tố G - Quản trị trong ESG chính là tiền đề để công ty đi đúng hướng
"Tiếp cận từ góc độ doanh nghiệp, quy trình xây dựng mô hình ESG sẽ theo thứ tự G-S-E, vai trò của lãnh đạo và hoạt động quản trị doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu", ông Hùng Huy nói.
Do đó, mới đây Ngân hàng ACB cũng phát hành Báo cáo phát triển bền vững 2022, trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam công bố báo cáo riêng về phát triển bền vững (ESG).
Để đạt được các mục tiêu ESG, ACB đã bắt đầu những thay đổi nhỏ trong nội bộ. Cụ thể ngân hàng thúc đẩy chuyển đổi số để giảm thiểu tối đa việc sử dụng giấy, thay thế ly nhựa một lần bằng ly giấy hoặc loại bỏ chai nhựa khi tiếp khách, sử dụng thảm tái chế từ lưới đánh cá trong chương trình trung hòa carbon hay phát động dọn 300 tấn rác nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập.
Bên cạnh đó, ACB cũng ký hợp đồng sử dụng dịch vụ GoGreen Plus của DHL nhằm giảm 100% lượng khí thải carbon khi chuyển phát nhanh quốc tế, thông qua việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Với Go Green Plus, ước tính ACB có thể cắt giảm đến 14 tấn khí thải CO2 trong vòng 12 tháng.
Lý do ACB lại lựa chọn ESG được chủ tịch Trần Hùng Huy lý giải, doanh nghiệp muốn trường tồn cần phải hiểu điểm mấu chốt là môi trường. ESG không phải cuộc chạy nước rút mà là cuộc đua đường dài. Để doanh nghiệp có "sức bền" với cuộc đua này, đầu tư vào con người cũng như xây dựng văn hóa doanh nghiệp là yếu tố không thể thiếu của ESG.
Ngân hàng ACB đã cung cấp các khóa học về môi trường, hướng dẫn phân loại rác thải để nâng cao nhận thức và thúc đẩy thay đổi hành vi của nhân viên đối với các vấn đề môi trường. ACB cũng triển khai các hoạt động dọn rác tại các địa phương.
Đặc biệt, ngân hàng thực hiện văn hóa bình đẳng giới khi số lượng lãnh đạo nữ ở ACB là 49%. Việc tạo một môi trường làm việc cởi mở, khuyến khích và trao quyền lãnh đạo cho phụ nữ ở nơi làm việc giúp ACB tạo tác động tích cực trong cộng đồng.
"Cam kết cụ thể và hành động thực tế chính là nền tảng để doanh nghiệp tạo ra những thay đổi đột phá và góp phần kiến tạo những giá trị hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững", đại diện ACB nhấn mạnh.
(Nguồn: ACB)