"Hôm nay, ngày 5/3, từ 10h theo giờ Moskva (14h giờ Hà Nội), phía Nga tuyên bố ngừng bắn và mở hành lang nhân đạo để dân thường rời khỏi Mariupol và Volnovakha", Bộ Quốc phòng Nga thông báo. Thành phố Mariupol ở phía đông nam và thành phố Volnovakha thuộc tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine.
Hãng tin Ria Novosti của Nga dẫn lời giới chức Mariupol cho biết cư dân có thể rời thành phố từ 12-17h hôm nay theo giờ Moskva (16-21h giờ Hà Nội).
Hội đồng thành phố Mariupol cho biết lực lượng Nga chưa thực thi lệnh ngừng bắn trên toàn bộ hành lang sơ tán. "Chúng tôi đang đàm phán với phía Nga để xác nhận ngừng bắn dọc tuyến đường", cơ quan này ra thông cáo cho hay.
Anton Herashchenko, cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cho biết sẽ có thêm thỏa thuận với Nga để người dân sơ tán khỏi các vùng chiến sự. Bộ Ngoại giao Belarus thông báo Ngoại trưởng Vladimir Makei đã thảo luận với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov về kế hoạch lập hành lang nhân đạo để người nước ngoài rời khỏi Ukraine.
Phái đoàn Nga và Ukraine hôm 3/3 đàm phán lần hai tại Belarus. Hai bên nhất trí lập hành lang nhân đạo sơ tán dân thường tại các khu vực bị bao vây, nhưng không đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Thị trưởng Mariupol Vadym Boychenko hôm 4/3 cho biết thành phố đang bị lực lượng Nga bao vây, đồng thời kêu gọi hỗ trợ quân sự và tạo hành lang nhân đạo để sơ tán một số trong 400.000 dân sau 5 ngày bị lực lượng Nga bao vây và liên tục oanh kích.
"Đơn giản là chúng tôi đang bị hủy diệt", Boychenko nói trên truyền hình, cáo buộc lực lượng Nga pháo kích vào các khu dân cư và bệnh viện. "Họ muốn xóa sổ Mariupol và cư dân thành phố. "Chúng tôi đang tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề nhân đạo và mọi cách có thể để đưa Mariupol khỏi vòng vây".
Đại sứ Mỹ tại LHQ cho biết binh sĩ Nga đang áp sát nhà máy điện hạt nhân lớn thứ hai của Ukraine, sau khi kiểm soát cơ sở ở Zaporizhzhya.
"Họ đang cách nhà máy điện hạt nhân lớn thứ hai của Ukraine khoảng 32 km và đang rút ngắn khoảng cách. Mối đe dọa này vẫn tiếp diễn", đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield phát biểu tại phiên họp của Liên Hợp Quốc hôm 4/3.
Bà Thomas-Greenfield không nêu tên nhà máy, nhưng theo Energoatom, cơ quan giám sát các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, cơ sở hạt nhân lớn thứ hai nước này về công suất phát điện là Yuzhnoukrainsk ở tỉnh Mykolaiv, miền nam đất nước.
"Tổng thống Nga phải ngăn chặn thảm họa nhân đạo này bằng cách chấm dứt cuộc chiến và ngừng các cuộc tấn công", đại sứ Mỹ nói thêm. "Cộng đồng quốc tế phải nhất trí yêu cầu các lực lượng Nga dừng tấn công".
Bà Thomas-Greenfield cũng cho rằng thế giới trong rạng sáng 4/3 đã tránh được một thảm họa hạt nhân "trong đường tơ kẽ tóc" sau khi một đám cháy bùng lên tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya lớn nhất Ukraine, nằm ở đông nam nước này. Hỏa hoạn bùng phát tại một tòa nhà ở cơ sở này sau khi lực lượng Nga bắn đạn vạch đường vào nhà máy.
Lực lượng cứu hỏa đã nỗ lực dập tắt đám cháy sau khoảng 4 giờ và đảm bảo an toàn vận hành cho các lò phản ứng hạt nhân tại Zaporizhzhya. Quân Nga sau đó tiến vào kiểm soát nhà máy Zaporizhzhya.
Vitaliy Kim, người đứng đầu chính quyền thành phố Mykolaiv, cho biết lực lượng Ukraine và Nga đang duy trì thế trận giằng co xung quanh thành phố sau một ngày giao tranh quyết liệt.
"Chúng tôi không bắn nữa. Họ cũng thế", ông thông báo trên Telegram, thêm rằng lực lượng Nga đã rời sân bay quân sự nhưng vẫn ở "ngay gần thành phố". "Tôi không thể gọi đó là chiến thắng bởi đối phương không bị đánh bật, họ mới rút lui một phần".
Quân đội Nga tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine không nhằm mục đích chiếm đóng lãnh thổ, mà để "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng. Lực lượng Nga cũng bác bỏ cáo buộc nhắm vào dân thường trong các đợt tấn công.
Một phó chỉ huy đơn vị quân đội Azov, thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, cho biết quân đội Ukraine đang giữ được thế trận trước nỗ lực tiến công của Nga vào Mariupol, nhưng cần sự hỗ trợ đáng kể.
"Đây là thành phố cuối cùng ngăn tạo hành lang trên bộ dọc miền duyên hải đông nam đến Crimea. Không thể để mất Mariupol", chỉ huy này đăng trên Telegram.
Nga và Ukraine hôm 3/3 đạt thỏa thuận mở hành lang nhân đạo để dân thường sơ tán, bước đột phá rõ ràng đầu tiên sau hai vòng đàm phán. Một số người dân Mariupol đã chạy đến trung tâm thành phố để thoát khỏi trận pháo kích ở ngoại ô, doanh nhân 30 tuổi Ivan Yermolayev cho hay. Yermolayev đang trú ẩn trong tầng hầm nhỏ của ngôi nhà trong thành phố và xếp hàng lấy nước ở một cái giếng.
"Họ đang ở cùng con cái tại khu vực trung tâm thì nghe tin chiến tranh đến gần. "Nhiều người đã khóc lóc, sợ hãi, vô định và hoảng loạn", Yermolayev nói.
Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2 và chiến sự đã bước sang ngày thứ 10. Lực lượng Nga đã kiểm soát được thành phố lớn Kherson ở miền nam Ukraine và đang bao vây, pháo kích một loạt đô thị, trong đó có thủ đô Kiev và Kharkov, thành phố lớn thứ hai của nước này. Moskva khẳng định chỉ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quân sự.
Phái đoàn hai nước lên kế hoạch tổ chức đàm phán vòng ba vào cuối tuần này nhằm tìm giải pháp cho chiến sự. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước đó khẳng định Moskva sẵn sàng đàm phán, nhưng vẫn sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự khi các cuộc hội đàm diễn ra, bởi Nga không thể cho phép "cơ sở hạ tầng quân sự" tiếp tục tồn tại ở Ukraine như một mối đe dọa với Nga.
Quốc hội Ukraine hôm 3/3 thông qua nghị quyết kêu gọi Liên Hợp Quốc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới nước này để "bảo vệ dân thường". Ukraine từng nhiều lần nêu đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vào khu vực miền đông ly khai của nước này, song không được chấp thuận.
- Người di tản Ukraine lo lắng về tương lai bất định
- Ông Putin kêu gọi các nước láng giềng không leo thang căng thẳng
- Nổ liên tiếp ở Kiev29
- 4 trục tiến quân của Nga tại Ukraine
Huyền Lê (Theo Reuters)