"Đất nước chúng tôi sẵn sàng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, nhưng chúng tôi cũng mong được các đối tác thương mại hỗ trợ, bao gồm trên các nền tảng quốc tế", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đăng trên Telegram hôm 19/5. "Chẳng có logic gì khi một mặt họ áp đặt biện pháp trừng phạt điên rồ chống Nga, mặt khác yêu cầu chúng tôi cung cấp thực phẩm".
Bình luận của ông Medvedev được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc quân đội Nga đang giữ "nguồn cung cấp lương thực" cho hàng triệu người làm con tin.
"Hãy ngừng phong tỏa các cảng ở Biển Đen, ngừng đe dọa từ chối xuất khẩu lương thực và phân bón đối với những nước chỉ trích hành động của các ông. Nguồn cung lương thực cho hàng triệu người Ukraine và hàng triệu người trên thế giới đã bị quân đội Nga bắt làm con tin theo đúng nghĩa đen", ông Blinken nói trong cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ do Mỹ chủ trì hôm 18/5.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia phản bác rằng Moskva đang bị đổ lỗi cho toàn bộ tai ương của thế giới. Theo ông, thế giới từ lâu đã hứng chịu cuộc khủng hoảng lương thực do vòng xoáy lạm phát, khó khăn về hậu cần và đầu cơ trên các thị trường phương Tây.
Ông cho rằng các cảng của Ukraine bị chính Ukraine phong tỏa và Kiev không muốn hợp tác với các công ty vận tải biển để giải phóng hàng chục tàu vận tải nước ngoài đang bị chặn ở cảng. Ông cũng tố cáo các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga khiến tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn thế giới thêm trầm trọng.
Ông Medvedev, tổng thống Nga từ năm 2008 đến 2012, nói rằng các nước nhập khẩu lúa mì và sản phẩm lương thực của Nga sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không có nguồn cung từ Nga.
"Các cánh đồng ở châu Âu và những nơi khác sẽ chỉ toàn cỏ dại nếu không có phân bón của chúng tôi. Chúng tôi có mọi cơ hội để đảm bảo các quốc gia khác có lương thực và khủng hoảng lương thực không xảy ra, chỉ cần đừng can thiệp vào công việc của chúng tôi", ông nhấn mạnh.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hôm 18/5 cảnh báo chiến sự tại Ukraine có thể gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu trong những tháng tới và kéo dài nhiều năm. Nhiều nước sẽ đối mặt nạn đói trong nhiều năm nếu xuất khẩu lương thực của Ukraine không được khôi phục về mức trước chiến sự.
Theo ông, giải pháp hữu hiệu cho khủng hoảng lương thực là đưa Ukraine trở lại vào chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, cũng như khôi phục nguồn cung phân bón của Nga và Belarus với thị trường thế giới.
Xung đột đã làm tê liệt hệ thống cảng biển của Ukraine, nơi từng xuất khẩu lượng lớn dầu hướng dương cũng như các loại ngũ cốc như ngô và lúa mì. Tình trạng này làm giảm nguồn cung và khiến giá các mặt hàng thay thế tăng cao. Theo LHQ, giá lương thực toàn cầu tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nga và Ukraine cung cấp khoảng 30% nhu cầu lúa mì toàn cầu. Ukraine từng được cho là "vựa bánh mì của thế giới" với 4,5 triệu tấn nông sản xuất khẩu mỗi tháng qua các cảng biển.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của Ukraine lao dốc khi chiến sự bùng phát, khiến giá thực phẩm leo thang. Giá lương thực tăng thêm sau khi Ấn Độ tuyên bố ngừng xuất khẩu lúa mì ngày 14/5.
LHQ ước tính khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc đang mắc kẹt ở Ukraine từ vụ thu hoạch trước. Nếu được thông quan, số lương thực này có thể giảm bớt áp lực lên thị trường lương thực toàn cầu.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết sẽ tính đến khả năng mở cửa tiếp cận các cảng Biển Đen của Ukraine nếu việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Nga cũng được xem xét. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhắc lại quan điểm cuộc khủng hoảng lương thực là hệ quả từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, cùng những nguyên nhân khác.
Theo bà Zakharova, Nga đang tiếp tục cung cấp lương thực theo các thỏa thuận thương mại và như một phần của hỗ trợ nhân đạo.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters, Guardian)