"Nga có nơi để chuyển hướng những sản phẩm năng lượng chất lượng cao và có sức cạnh tranh của mình. Đã đến lúc Mỹ nhận ra nỗ lực viển vông nhằm áp đặt ý chí của họ và dùng các lệnh trừng phạt để buộc Nga từ bỏ lợi ích quốc gia", đại sứ quán Nga tại Washington hôm 8/3 ra tuyên bố cho hay.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga để phản ứng trước chiến dịch quân sự tại Ukraine. Đại sứ quán Nga không nêu rõ Moskva sẽ chuyển hướng xuất khẩu năng lượng tới những nước nào sau lệnh cấm dầu của Mỹ.
Các nguồn tin giấu tên cho biết Tổng thống Mỹ đã thảo luận với những đồng minh châu Âu về biện pháp "cô lập" nền kinh tế của Nga. Tuy nhiên, các nước châu Âu, vốn phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ và khí đốt Nga, sẽ không tham gia biện pháp cấm vận này.
Mỹ nhập khẩu trung bình 20,4 triệu thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ Nga mỗi tháng trong năm 2021, chiếm 8% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu dạng lỏng vào nước này. Lệnh cấm có thể khiến lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 8/3 cũng ký sắc lệnh hạn chế hoặc cấm nhập khẩu và xuất khẩu một số sản phẩm và nguyên liệu thô do chính phủ quy định nhằm đảm bảo an ninh Nga. Sắc lệnh về "các biện pháp kinh tế đặc biệt" này sẽ có hiệu lực đến ngày 31/12.
Chính phủ Nga trong vòng hai tuần sẽ công bố danh sách các mặt hàng xuất nhập khẩu chịu sự điều chỉnh của sắc lệnh. Những hạn chế này không bao gồm sản phẩm hoặc nguyên liệu thô được công dân vận chuyển cho nhu cầu cá nhân.
Trước đó, Nga đã áp đặt các biện pháp kinh tế đặc biệt để đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, cũng như các biện pháp kinh tế tạm thời nhằm đảm bảo ổn định tài chính của Nga.
Anh và EU ngày 8/3 cũng nêu các kế hoạch để giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Anh nói rằng họ sẽ "giảm dần nhập khẩu dầu và chế phẩm từ dầu mỏ của Nga trước cuối năm nay", còn EU công bố mục tiêu giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay và hướng đến "độc lập hoàn toàn với nguồn khí đốt, dầu và than của Nga trước năm 2030".
Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2, với mục tiêu "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" Ukraine. Mỹ và châu Âu đã áp nhiều biện pháp cấm vận với Nga như loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT và đóng cửa không phận với máy bay Nga.
Điện Kremlin hôm 5/3 chỉ trích phương Tây hành xử như "kẻ cướp" khi cắt các mối quan hệ kinh tế và khẳng định sẽ có "các biện pháp phản ứng thích hợp". Nga nhiều lần nhấn mạnh nền kinh tế sẽ thích ứng với tình hình mới và lệnh trừng phạt không khiến họ thay đổi lập trường về Ukraine.
Hôm 7/3, Điện Kremlin cho biết chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ lập tức kết thúc nếu Ukraine ngừng các hành động quân sự, thay đổi hiến pháp để đảm bảo tính trung lập, thừa nhận Crimea thuộc Nga, đồng thời công nhận độc lập cho các "nước cộng hòa Donetsk và Lugansk" ở miền đông.
Huyền Lê (Theo TASS)