Tập đoàn Gazprom của Nga thông báo sẽ chỉ chuyển 37,2 triệu m3 khí đốt tới châu Âu qua ngả Ukraine trong ngày 31/12, so với 42,4 triệu m3 một ngày trước đó. Dòng khí đốt dự kiến giảm xuống 0 từ 1/1/2025 sau khi thỏa thuận trung chuyển kéo dài 5 năm hết hạn.
Theo đó, Nga sẽ dừng hoàn toàn hoạt động xuất khẩu khí đốt qua Ukraine sang châu Âu, nơi khí đốt sẽ tiếp tục chảy đến Slovakia, Áo, Hungary và Italy. Ukraine đã từ chối đàm phán thỏa thuận mới với Nga, do chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra.
Việc dừng trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine sẽ là đòn giáng mạnh đối với Moldova, nước nhận khoảng hai tỷ mét khối khí đốt mỗi năm bằng đường ống này.
Tập đoàn Gazprom hôm 28/12 cũng đã thông báo sẽ ngừng xuất khẩu khí đốt cho Moldova từ đầu năm sau, do nước này chưa thanh toán khoản nợ hơn 700 triệu USD, trong khi Chisinau nói chỉ nợ 8,6 triệu USD.
Slovakia, quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Thủ tướng Slovakia Robert Fico hôm 22/12 bất ngờ tới Moskva gặp Tổng thống Vladimir Putin để thảo luận về tương lai hoạt động cung cấp khí đốt của Nga.
Hungary sẽ tiếp tục nhận khí đốt Nga từ miền nam, thông qua đường ống TurkStream ở Biển Đen, dù nước này cũng muốn duy trì tuyến trung chuyển qua Ukraine.
Thỏa thuận trung chuyển kết thúc đồng nghĩa Kiev sẽ mất đi khoảng 800 triệu USD tiền phí từ Nga và Gazprom sẽ mất gần 5 tỷ USD tiền bán khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine.
Liên Xô và sau đó là Nga đã dành nửa thế kỷ để xây dựng thị phần lớn trên thị trường khí đốt châu Âu, đạt đỉnh ở mức 35%. Tuy nhiên, chiến sự Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022 gây tổn hại hoạt động kinh doanh của Gazprom, tập đoàn khí đốt do nhà nước kiểm soát. Tập đoàn đã lỗ ròng 7 tỷ USD vào năm 2023, mức lỗ hàng năm đầu tiên được ghi nhận kể từ 1999.
Na Uy, Mỹ và Qatar đã dần chiếm lĩnh thị trường khí đốt châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hồi tháng 11 nêu ý tưởng thay thế khí đốt Nga bằng cách nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ.
Huyền Lê (Theo Reuters, AP)