"Châu Âu sẽ là mục tiêu của tên lửa Nga, nếu đất nước chúng tôi nằm trong tầm ngắm của tên lửa Mỹ ở châu Âu", Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, nói trên kênh truyền hình nhà nước Russia 1 ngày 13/7. "Chúng tôi có đủ khả năng ngăn chặn những tên lửa này, nhưng nạn nhân có thể là thủ đô của những quốc gia đó".
Ông Peskov cũng ám chỉ rằng cuộc đối đầu như vậy có thể hủy hoại toàn bộ châu Âu, như cách Chiến tranh Lạnh làm Liên Xô tan rã. "Châu Âu không còn sống trong thời kỳ tươi đẹp nhất. Nếu họ chọn con đường như vậy, lịch sử lặp lại là điều không thể tránh khỏi", ông nói.
Nhà Trắng ngày 10/7 thông báo tại hội nghị thượng đỉnh NATO rằng Washington sẽ triển khai vũ khí tầm xa, trong đó có tên lửa hành trình Tomahawk, ở Đức từ năm 2026. Mỹ cho biết đây là biện pháp để tăng tính răn đe và năng lực phòng thủ của châu Âu.
"Việc triển khai vũ khí hiện đại sẽ chứng minh cam kết của Mỹ đối với NATO và những đóng góp của chúng tôi vào khả năng răn đe tích hợp của châu Âu", Nhà Trắng cho hay.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ca ngợi quyết định của Mỹ, bất chấp chỉ trích từ các thành viên đảng Dân chủ Xã hội của ông. Quyết định này đánh dấu sự trở lại của tên lửa hành trình Mỹ ở Đức sau 20 năm. Bảo vệ kế hoạch này, ông Scholz nói rằng "đó chỉ là biện pháp mang tính răn đe, bảo vệ hòa bình và là quyết định cần thiết, quan trọng vào đúng thời điểm".
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói với đài truyền hình Deutschlandfunk rằng việc triển khai vũ khí của Mỹ giải quyết được "mức độ tụt hậu nghiêm trọng trong năng lực quân sự của Đức". Quân đội Đức hiện không có tên lửa tầm xa phóng từ mặt đất và chỉ có tên lửa hành trình phóng từ máy bay.
Trong khi đó, Điện Kremlin chỉ trích động thái này, cáo buộc Washington đang thúc đẩy Chiến tranh Lạnh mới và trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 12/7 cho biết Bộ trưởng Andrei Belousov đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin, thảo luận về giảm nguy cơ leo thang có thể xảy ra.
Đáp lại lời cảnh báo của Điện Kremlin, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington và NATO "không tìm kiếm xung đột quân sự với Nga, nhưng bất kỳ hành động nào trực tiếp chống lại đồng minh NATO đều sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ".
Mỹ từng triển khai tên lửa đạn đạo Pershing ở Tây Đức trong thập niên 1980, thời kỳ đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh, gây ra những cuộc biểu tình rộng khắp với sự tham gia hàng trăm nghìn người. Tên lửa Mỹ tiếp tục được triển khai trong suốt thời kỳ Đức thống nhất đất nước và đến những năm 1990. Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ đã giảm đáng kể số lượng tên lửa triển khai ở châu Âu, khi mối đe dọa từ Nga giảm.
Các nước NATO, dẫn đầu là Mỹ, đã tăng cường khả năng phòng thủ của liên minh ở châu Âu sau khi Nga bắt đầu chiến dịch ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022.
Thùy Lâm (Theo AFP)