Khi phát sinh yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm, chúng ta mới hiểu rõ hợp đồng bảo hiểm và nhận ra những hiểu lầm của bản thân xuất phát từ ngay thời điểm tìm hiểu. Sau đây là một số câu hỏi giúp khách hàng đặt ra với tư vấn viên khi bắt đầu tìm hiểu về bảo hiểm nhân thọ.
Bảo hiểm thường bảo vệ trước rủi ro gì?
Rủi ro tử vong là rủi ro lớn nhất và cũng là bản chất nguyên thủy của bảo hiểm nhân thọ. Khi rủi ro này xảy ra với người được bảo hiểm, gia đình sẽ nhận được một khoản tiền để bù đắp cho phần thu nhập của người được bảo hiểm không còn nữa, hỗ trợ gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tiếp theo, bảo hiểm nhân thọ sẽ bảo vệ khách hàng khỏi rủi ro bệnh hiểm nghèo. Người được bảo hiểm sẽ được nhận một khoản tiền để trang trải chi phí chữa bệnh khi được chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo. Kết hợp với bảo hiểm y tế, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo sẽ có thể giảm được gánh nặng chi phí điều trị cho người bệnh ở mức tương đối tốt.
Đối với rủi ro tai nạn, đây là 1 sản phẩm khá rẻ, mức bảo vệ cũng tương đối thấp nếu không phải tai nạn nghiêm trọng. Không phải là một rủi ro cần ưu tiên nhưng vì rẻ nên mọi người vẫn nên mua kèm. Bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ chi trả một số tiền cố định dựa trên số ngày người được bảo hiểm phải nằm viện điều trị.
Mua bảo hiểm nhân thọ cho ai?
Bảo hiểm nhân thọ cần được ưu tiên mua cho người trụ cột trong gia đình. Tuy nhiên, cũng có thể mở rộng ra các thành viên khác trong gia đình theo nguyên tắc sau:
- Rủi ro tử vong: Dành cho những ai đang đi làm kiếm tiền trong gia đình. Không nên mua cho con cái hay bố mẹ lớn tuổi không phải là lao động chính cho gia đình.
- Rủi ro bệnh hiểm nghèo: Ưu tiên cho người đang đi làm kiếm tiền trong gia đình. Sau đó nếu có điều kiện có thể mua thêm cho con cái.
- Rủi ro tai nạn: Có thể mua cho tất cả thành viên gia đình vì chi phí hợp lý.
- Trợ cấp nằm viện: Có thể mua cho tất cả thành viên, tùy theo nhu cầu của khách hàng.
Số tiền bảo hiểm là bao nhiêu?
Đối với người trụ cột, lao động chính trong gia đình, số tiền bảo hiểm đối với rủi ro tử vong nên gấp 2,5 -3,5 lần thu nhập năm của họ. Đối với rủi ro bệnh hiểm nghèo, số tiền bảo hiểm nên bằng 1 – 1,5 lần thu nhập hằng năm. Khách hàng có thể mua bảo hiểm bệnh hiểm nghèo với giá cao hơn một chút nếu đang còn trẻ (dưới 27 tuổi, không có bệnh nền nghiêm trọng).
Ngoài ra, số tiền bảo hiểm của bảo hiểm rủi ro tai nạn nên bằng 0,5 - 1 lần thu nhập năm của người được bảo hiểm, cân đối phù hợp với mức phí đóng. Nếu mua với số tiền bảo hiểm ít hơn, mức bảo vệ không tương xứng với phần thu nhập bị mất đi khi rủi ro tử vong xảy ra. Ngược lại, nếu mua với số tiền bảo hiểm lớn hơn, phí sẽ quá đắt, thu nhập nên để dành cho tích lũy, đầu tư tích sản thay vì bỏ quá nhiều vào bảo hiểm nhân thọ.
Điều trị bệnh hiểm nghèo thường là một quá trình kéo dài, trong thời gian điều trị, người được bảo hiểm cũng sẽ phải nghỉ làm, mất thu nhập. Mức 1 – 1,5 lần thu nhập là mức tương đối cân bằng giữa lợi ích và chi phí bỏ ra. Đối với rủi ro tai nạn, bạn nên cân đối theo mức phí đóng là chính.
Thời gian bảo vệ trong bao lâu?
Tối đa nên trong khoảng 20 đến 25 năm, tùy thuộc vào độ tuổi hiện tại của người được bảo hiểm. Người được bảo hiểm càng trẻ, cần được bảo hiểm trong thời gian dài hơn.
Tóm lại, khách hàng nên mua bảo hiểm tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh vĩnh với số tiền bảo hiểm gấp 2,5 – 3,5; bảo hiểm bệnh hiểm nghèo với số tiền gấp 1 – 1,5; bảo hiểm tai nạn có số tiền gấp 0,5 – 1 lần thu nhập năm. Đối với người ở độ tuổi 30, phí bảo hiểm nên trong khoảng 4 - 6% thu nhập năm; 40 tuổi là 5,5-7,5% thu nhập năm và những người 50 tuổi nên xem xét nên mua hay không.