PGS.TS Phạm Trương Hoàng, Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) chia sẻ những lợi ích, nguy cơ và điều cần chuẩn bị để mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3.
- Sẽ thế nào nếu du lịch Việt Nam không mở cửa sớm?
- Có thể nhìn nhận điều này từ hai góc độ. Về mặt tích cực, du khách cho rằng Việt Nam cẩn thận, cố gắng tối đa để kiểm soát dịch bệnh.
Nhưng mặt khác, chúng ta phải đặt trong bối cảnh nhiều nước đã mở còn Việt Nam chưa là khác thường, ảnh hưởng không tốt tới vị thế ngành du lịch. Bởi du khách đến từ nước đã quen chung sống với dịch, họ không cần thiết phải đến một nơi "zero Covid". Ngoài ra, nếu không mở cửa, du khách cho rằng Việt Nam chưa thể kiểm soát dịch bệnh, chưa tự tin hoặc hệ thống dịch vụ chưa sẵn sàng.
Tôi cho rằng hiện tại thì đón khách quốc tế cũng như mở cho khách nội địa. Điều này không làm tăng nguy cơ, càng không có tên gọi nào là "virus quốc tế" trong khi thị trường khách này mang tới doanh thu cao, không thể không đón.
- Nhìn các quốc gia đã mở cửa, ông cho rằng chúng ta học được những gì?
- Thử nghiệm tốt nhất của chúng ta chính là đợt Tết vừa qua, các địa phương, hàng không đã có sự mở cửa mạnh mẽ, hầu như không còn hạn chế di chuyển, thu hút hơn 6 triệu lượt khách, 3 triệu lượt lưu trú. Tới nay đã trải qua 2 tuần, chúng ta chưa ghi nhận sự cố nào quá lớn về mất an toàn dịch bệnh. Phải chăng cũng nên coi khách quốc tế giống như khách nội địa. Tuy nhiên chúng ta không thể kiểm soát họ đến từ vùng dịch nào như phân cấp của Việt Nam, nên là chỉ có xét nghiệm nCoV trước chuyến đi.
Thái Lan đã mở cửa từ 1/2, yêu cầu khách chỉ cần có chứng nhận tiêm đủ vaccine hoặc khỏi bệnh, kèm theo là xét nghiệm âm tính nCoV có thể du lịch tự do trong đất nước, lưu trú trong khách sạn. Ngày thứ năm trong hành trình, họ có xét nghiệm ở nơi đang lưu trú, nếu có ý định ở lại Thái tiếp. Theo tôi đây cũng là giải pháp chúng ta có thể học hỏi để vừa đảm bảo an toàn, vừa tạo sự thoải mái cho du khách.
- Vậy du lịch Việt Nam cần làm gì để cạnh tranh trong khu vực?
- Để hút khách trở lại thì cần tạo được sự chắc chắn, bên cạnh an toàn. "Chắc chắn" nghĩa là cần đảm bảo chuyến đi của họ chắc chắn diễn ra. Để làm được, cần có ba yếu tố giải pháp, kịch bản và công cụ. Giải pháp là ngành du lịch công bố lộ trình cụ thể về thời điểm mở cửa, quảng bá về du lịch an toàn. Kịch bản là cách ta ứng phó với tình huống dịch bệnh, tránh để mở ra rồi lại đóng vào. Chúng ta có một thuận lợi là Bộ Y tế đã có hướng dẫn ứng phó với số ca nhiễm tăng cao, bây giờ cần áp dụng với du lịch. Cuối cùng "Công cụ" chính là bộ chứng nhận do cơ quan nhà nước cấp, để khẳng định doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng... đủ điều kiện đón khách.
Tâm lý của du khách luôn chọn nơi dễ dàng trước. Chúng ta có thể đặt lên bàn cân khi cả hai quốc gia cùng mở cửa. Một bên giảm giá cho du khách tới 50% song điều kiện hoãn hủy hạn chế; bên còn lại có khuyến mãi kèm theo các phương án để chuyến đi của họ ít rủi ro hơn thì ghi điểm. Du khách không thích mất thời gian, càng không muốn bị kẹt dù có tiền, nên dù Việt Nam là điểm đến yêu thích, họ vẫn ưu tiên chọn nơi thuận lợi hơn để giải quyết sự tù túng sau nhiều năm ở nhà.
Tôi ví dụ, từ thời điểm đặt tour đến khi khách thực hiện chuyến đi, điểm đến có thể đổi từ vùng xanh sang vàng, cam, đỏ. Thay vì yêu cầu khách dời lịch, hủy chuyến đi, doanh nghiệp có thể đưa sẵn các phương án A, B, C, trong đó gồm cả thay đổi địa điểm. Sự linh hoạt rất cần thiết để thu hút khách du lịch.
Điều quan trọng nữa là đẩy mạnh truyền thông. Công bố thời điểm mở cửa và truyền thông về du lịch an toàn là cách tốt để tác động tới nhận thức du khách rằng Việt Nam tự tin chào đón họ trở lại. Tăng đầu tư vào kênh truyền thông quốc tế như CNN, BBC... hay giảm giá, khuyến mãi là công cụ để kích thích trong ngắn hạn.
- Ông dự đoán thế nào về lượng khách đến Việt Nam sau khi mở cửa toàn bộ?
- Khó có thể đông khách ngay vì thị trường khách quốc tế cần ít nhất vài tháng từ khi tiếp nhận thông tin đến khi quyết định chuyến đi. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), ngành du lịch đã có dấu hiệu phục hồi trong năm 2021, tăng 4% so với năm 2020. Tuy vậy lượng khách năm 2021 vẫn chỉ bằng 27% lượng khách năm 2019. Năm nay khi thế giới đã tiêm vaccine phổ biến thì con số này sẽ tăng cao hơn, hứa hẹn du lịch quốc tế sẽ khôi phục nhanh.
Việt Nam đặt mục tiêu năm nay đón 5 triệu lượt khách, năm 2026 sẽ đón 18 triệu lượt khách quốc tế, bằng với khi chưa có dịch bệnh. Tôi tin rằng điều này là khả thi. Chúng ta thậm chí còn có thể đạt con số này sớm hơn, vào năm 2024.
- Ông đánh giá thế nào về mức độ sẵn sàng của du lịch Việt Nam?
- Đặt trong bối cảnh lượng khách ban đầu là vài chục nghìn lượt người mỗi ngày, cơ sở vật chất, nhân lực của chúng ta có thể đáp ứng. Lượng khách tăng trong 6 tháng đến một năm là thời điểm để chúng ta ổn định nhân sự.
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều nhân sự đã rời khỏi ngành và điều cần nhất là có những đánh giá, báo cáo tổng thể về việc họ có trở lại hay không, hoặc có bao nhiêu nhân sự mới mỗi năm. Điều chúng ta lo ngại nhất là nhân sự ở cấp quản lý (manager) trở lên, họ có trình độ cao, dễ thích ứng với các ngành nghề khác và tới nay đã ổn định với lựa chọn mới.
Còn nếu lượng khách quá ít, vài nghìn người mỗi ngày, chúng ta có thể đứt gãy ở phân khúc cao cấp khi nhiều khu vui chơi, nhà hàng... lớn không mở cửa. Theo đánh giá của tôi, hiện các doanh nghiệp luôn biết cách tự biết thu hẹp quy mô và giàu kinh nghiệm trong khả năng thu hút, đào tạo nhân lực, sẵn sàng mở cửa.
- Chúng ta sẽ đón khách rộng rãi hay tập trung vào khách chi trả cao?
- Chiến lược du lịch Việt Nam đến năm 2030 đặt ba mục tiêu là chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Covid-19 cũng cho thấy nhu cầu về chất lượng tốt, trải nghiệm đa dạng, được chăm sóc cũng tăng cao hơn. Vì vậy, xu hướng dài hạn vẫn nên hướng tới sản phẩm giá trị cao. Song chất lượng phải đi kèm hiệu quả, giai đoạn đầu nên là các phân khúc khác nhau đều đón khách. Về lâu dài có thể khuyến khích phát triển phân khúc cao cấp (High-end) dựa trên tài nguyên đa dạng.
- Dịp Tết, hàng triệu khách du xuân song doanh nghiệp lữ hành đối mặt với tình trạng "khách đông nhưng không có khách", đối với thị trường quốc tế, doanh nghiệp nên làm gì?
- Khách đi du lịch đông nhưng họ tự đặt dịch vụ, không qua công ty lữ hành là thách thức rất lớn của doanh nghiệp những năm gần đây, đặc biệt khi các sản phẩm công nghệ được thiết kế dễ dàng hơn với du khách. Trong bối cảnh Covid-19, xu hướng này càng rõ rệt.
Tôi tin rằng doanh nghiệp luôn có lời giải cho riêng mình và một trong số đó là nâng cao giá trị gia tăng. Thứ nhất, thay đổi từ "liên kết các dịch vụ" thành cung cấp các dịch vụ. Thứ hai là yêu cầu luôn tìm tòi, đưa đến những sản phẩm khách không thể tự có. Thứ ba doanh nghiệp chứng minh cho du khách rằng họ sẽ ít gặp rủi ro khi đặt sản phẩm qua công ty du lịch, cụ thể là cập nhật thông tin về độ an toàn điểm đến nhanh chóng, đưa ra các phương án xử lý...
Mất vị thế của doanh nghiệp lữ hành không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà cả thế giới, khi nhiều doanh nghiệp lữ hành lớn đã phá sản. Vì vậy cơ cấu ngành du lịch không thể mãi duy trì theo phương thức truyền thống hiện nay.
Lan Hương