Sáng 20/12, gần 200 chuyên gia, lãnh đạo Bộ, ngành, các cấp, doanh nghiệp lẫn người dân hào hứng tham dự phiên thảo luận chủ đề "Chuyển đổi chuỗi lúa gạo ĐBSCL hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp", tại Nhà văn hóa Lao động Đồng Tháp. Chương trình thuộc khuôn khổ diễn đàn Mekong Startup 2022, kéo dài trong hai ngày 19, 20/12.
Báo cáo kinh tế thường niên cho thấy, điểm sáng nhất của ĐBSCL giai đoạn 2020-2021 là nông nghiệp. Vượt qua tác động bất lợi từ dịch bệnh trong năm 2021, nông nghiệp nơi đây vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Trong đó có đóng góp đáng kể của ngành lúa gạo.
Tuy nhiên, hiện cây lúa tại ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, giá phân bón, vật tư tăng cao; điều kiện thủy văn thổ nhưỡng, trình độ khoa học công nghệ cũng như yếu tố thị trường... là thách thức lớn khiến đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn.
Trước câu hỏi ấy, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI - trình bày tham luận với nội dung "Nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo chống biến đổi khí hậu, phát thải thấp và những bài toán đổi mới sáng tạo cần đặt ra".
Ông khẳng định nhu cầu lương thực thực phẩm đến năm 2050 tăng gấp đôi, xu thế tiêu dùng bền vững và ưu tiên của quốc gia về phát thải nhà kính trong nông nghiệp, với trọng tâm là sản xuất lúa gạo
Chuyên gia IRRI lần nữa khẳng định nhiều yếu tố cản trở sự phát triển của chuỗi lúa gạo Việt, điển hình là xâm nhập mặn, hạn hán; lượng giống sử dụng cao và lạm dụng hóa chất; quản lý nước cho lúa chưa tối ưu, hiệu quả; thất thoát sau thu hoạch cao; tập quán đốt rơm rạ ngay tại ruộng hay vùi rơm trên ruộng ngập nước...
Theo đó, bài học kinh nghiệm và tồn tại trong sản xuất lúa gạo gồm: hạn chế về canh tác tích hợp chính xác, thất thoát và dư thừa đầu vào; đầu tư công nghệ, máy móc thiếu đồng bộ và chưa phù hợp với quy mô, nhu cầu từng tiểu vùng. Nông dân hạn chế tiếp cận thông tin, công nghệ, thị trường đích (không qua thương lái), nhất là về lúa bền vững, carbon thấp, GAP. Cần liên kết mạnh và cụ thể hơn theo chiều ngang (hợp tác xã, mô hình trang trại), chiều dọc (sản xuất theo hợp đồng) và liên kết tư nhân (đóng góp, lợi ích cụ thể)...
Từ vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng đề xuất các đơn vị liên quan cần quy hoạch, nghiên cứu thị trường và chuỗi giá trị đồng bộ, đáp ứng biến đổi khí hậu và bền vững. Đồng thời phát triển, nhân rộng công nghệ sản xuất lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp
Xác định chiến lược phát triển chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng là yếu tố cơ bản giúp ngành lúa gạo "tăng phi mã". Cần vạch rõ thị trường chính là nội địa, xuất khẩu hay cả hai? Mô hình chuỗi giá trị cung cầu gạo là (trong nước hay quốc tế), cập nhật liên tục và tối ưu theo tình hình thực hiện trong và ngoài nước. Ngoài ra, nên định sẵn phân khúc thị trường gạo và nghiên cứu thị trường (ví dụ hồ sơ sản phẩm gạo cho các giống; giá gạo chất lượng cao; gạo đặc biệt cho tiểu đường, dinh dưỡng cao...)
Các đơn vị liên quan cũng cần trang bị công cụ hỗ trợ sản xuất, lập bản đồ rủi ro, kế hoạch thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu như CS-MAP, do CCAFS và Cục Trồng trọt phối hợp xây dựng, góp phần giảm thất thoát sản lượng lúa trên tích 600.000 ha. Tươi ngập khô xen kẽ (AWD) giảm phát thải đến 50%.
Chuyên gia cũng định hướng, đề xuất phát triển chuyển đổi sản xuất lúa gạo bèn vững, phát thải thấp:
Cụ thể, nhân rộng các mô hình tích hợp lúa hiện đại và phát thải thấp được thí điểm bởi IRRI với các công ty tư nhân, tổ chức nông dân.
Phát triển đồng bộ công nghệ, thiết bị nằm trong chuỗi giá trị phù hợp cho điều kiện sản xuất ở Việt Nam (đất, nước, cơ giới hóa, sau thu hoạch...).
Thiết lập và điều phối diễn đàn trao đổi kiến thức bao gồm các chuyên gia đầu ngành, tổ chức nông nghiệp quốc tế lẫn trong nước, liên minh học tập giữa các nước về sản xuất lúa gạo bền vững. Đồng thời cập nhật các khung chính sách quốc gia.
IRRI đã, đang thực hiện nhiều dự án kinh tế nông nghiệp tuần hoàn dựa trên phụ phẩm, nghiên cứu mô hình kinh doanh chứng chỉ carbon, các chương trình của OneCGIAR tại Việt Nam như Asian Mega Delta, Excellent in Argonomy... nhằm hướng đến mục tiêu biến đổi khí hậu và giảm phát thải.
Diễn đàn Mekong Startup 2022 có sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ với cố vấn nội dung của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và đơn vị truyền thông - báo VnExpress.
Với chủ đề "Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp", mục tiêu chính của chương trình là hướng đến giảm biến đổi khí hậu, hạn chế ảnh hưởng nặng nề từ quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp giữ vị trí trung tâm theo định hướng bền vững, hiện đại và đổi mới sáng tạo.
Vạn Phát (ảnh: Vinh Đào, Thanh Tùng)