Dưới đây là những thách thức chính đối với sự phục hồi của ngành du lịch Đông Nam Á, theo đánh giá từ các chuyên gia trên Asia media centre.
Tình hình mở cửa thoải mái đón khách liệu có kéo dài?
Câu hỏi được các chuyên gia đặt ra là sau khi đón khách quốc tế, liệu chính phủ các nước sẽ mở cửa một cách tự do hơn, hay sẽ đóng biên một lần nữa?
Đây là điều không ai dám chắc chắn, vì tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Tính đến hết 27/2, 10 quốc gia ASEAN lần đầu ghi nhận hai triệu ca nhiễm Covid-19 (những người đang mắc bệnh), đặc biệt cao ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Karen Yue, cây viết chuyên về mảng du lịch, cho biết: "Tôi nghĩ chúng ta cần phải tỉnh táo khi lên kế hoạch đi du lịch. Chính phủ các nước châu Á sẽ duy trì sự linh hoạt trong việc hạn chế đi lại, và sẽ thay đổi nếu rủi ro mới xuất hiện".
Chưa chắc người dân đổ xô đi du lịch
Bất chấp những lời đồn đoán về việc "du lịch trả thù" do du khách bị giữ chân ở nhà trong thời gian quá lâu, các chuyên gia tin rằng, số lượngngười đi du lịch sẽ nhiều hơn nhưng không phải là tình trạng quá tải trước đây. Nó chỉ "vừa đủ".
Lý do là mọi người bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, dẫn đến thu nhập suy giảm. Và tâm lý hào hứng khi du lịch nước ngoài như trước đây có thể đã thay đổi. Mọi người còn có một nỗi sợ về dịch bệnh và rủi ro sức khỏe khi đi chơi.
Các rào cản khi nhập cảnh cũng là một vấn đề. Phần lớn các nước đã bỏ quy định cách ly, nhưng vẫn còn nhiều thủ tục, giấy tờ cần khách cung cấp. "Một người bạn làm trong ngành khách sạn Singapore nói với tôi rằng hiện tại thủ tục để đi du lịch vẫn còn quá nhiều rắc rối. Nhiều người nói rằng đi chơi mà căng thẳng thì thà ở nhà còn hơn", Gary Bowerman, cây viết chuyên về du lịch sống tại Malaysia, nói.
Sự vắng mặt của Trung Quốc
Du lịch các nước đang đối mặt với một thực tế, và cũng là khó khăn: khách Trung Quốc chưa trở lại. Đây là thị trường được coi như "mỏ vàng" đối với nhiều quốc gia, vì lượng khách này đi nhiều và chi tiêu mạnh tay. Năm 2019, 10 quốc gia ASEAN đón 32,3 triệu khách Trung Quốc, chiếm hơn 22% tổng lượng khách trong khu vực. Trong đó, Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề vì Trung Quốc đóng góp gần 11 triệu lượt khách năm 2019.
Hiện tại, người Trung Quốc vẫn chưa thể đi du lịch nước ngoài, đồng nghĩa với việc thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng đang mất thị trường du lịch số một. Các nước đang tìm kiếm nguồn du lịch khác để thay thế, nhưng đây vẫn là một câu chuyện dài và chưa có gì chắc chắn.
Các hãng bay đối mặt áp lực chi phí
Khi mọi người quay lại du lịch, họ vẫn sẽ duy trì thói quen trước đây: tìm kiếm các chuyến bay giá rẻ. Nhưng các hãng bay đã không thể sinh lời trong hai năm qua. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), giá nhiên liệu ở châu Á Thái Bình Dương đã tăng 8,1% vào tháng trước và tăng 62,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu tăng mạnh gần đây do chiến sự càng khiến việc định giá vé trở nên khó khăn hơn.
Sự cạnh tranh đến từ châu Âu
So với châu Á, các quốc gia châu Âu đang nới lỏng nhiều chính sách hơn. Điều này có thể khiến các chuyến du ngoạn mùa hè đến châu Âu hấp dẫn hơn.
Năm 2019, Hàn Quốc là nguồn khách lớn thứ ba đến Đông Nam Á, nhưng mùa hè năm 2022, các chuyên gia lo ngại mọi chuyện sẽ lặp lại giống năm ngoái. "Hè 2021, người Hàn Quốc đã thực hiện các chuyến đi đường dài đến Pháp, CH Czech, Thụy Sĩ, Italy và Tây Ban Nha. Họ chọn châu Âu vì không có bất kỳ hạn chế nào khi nhập cảnh, đi lại", tiến sĩ Jaeyeon Choe, một chuyên gia nghiên cứu du lịch tại Đại học Swansea, xứ Wales, cho biết.
Người Singapore có thể tiếp bước người Hàn, khi chính phủ nước này ký nhiều thỏa thuận về các hành lang du lịch với nhiều nước châu Âu. Việc đặt phòng đến lục địa này của người Singapore dự kiến tăng mạnh trong mùa hè.
Anh Minh (Theo Asia media centre)