Long 19 tuổi, sinh viên năm nhất một trường đại học lớn ở TP HCM, được bố mẹ đưa đến Công an phường Bến Nghé (quận 1) trình báo, cuối tháng 1.
Long cho biết, sáng 24/1 cậu đang ở nhà tại quận 1 thì liên tiếp nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các số lạ. Một trong số đó là người đàn ông xưng đại úy cảnh sát "đang điều tra mở rộng đường dây lừa đảo công nghệ cao vừa bị triệt phá mà báo chí đã đưa tin".
"Chúng tôi phát hiện tài khoản ngân hàng của anh đã nhận tiền của nạn nhân", người này nói bằng giọng nghiêm nghị, cho rằng nam sinh và một số người khác có hành vi giúp sức nhóm tội phạm để hưởng tiền công. Anh ta sau đó đọc vanh vách địa chỉ cư ngụ của Long, số CCCD, 2 tài khoản ngân hàng, thậm chí cả thông tin cậu đang đứng tên xe SH và sở hữu căn nhà ở quận 1 (do bố mẹ vừa sang tên vài tháng trước)...

Giao dịch chuyển tiền của nam sinh. Ảnh: Quốc Thắng
Thấy người này biết các thông tin cá nhân của mình và bố mẹ, Long tưởng là cảnh sát thật. Cậu khẳng định không liên quan đến băng nhóm tội phạm thì anh ta yêu cầu vào chat Zoom. Qua màn hình, nam sinh thấy nhiều người mặc áo cảnh sát, ngồi quanh bàn và "đại úy" giới thiệu đó là các điều tra viên "đang họp chuyên án". Tiếp đó, Long được anh ta cho xem quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh kê biên tài sản...
Lúc này Long hoảng loạn, tiếp tục giải thích không liên quan, không giúp sức, nhận tiền của ai. "Đại úy" liền hạ giọng như thông cảm, bảo: "Nhà em giàu thế thì chắc không cần phải nhận vài triệu đồng của nhóm kia, nhưng em phải chứng minh cho cơ quan chức năng thấy mình có tài sản", đồng thời hứa sẽ hỗ trợ cậu hết sức nhưng phải làm theo hướng dẫn. Anh ta yêu cầu Long phải giữ bí mật với người nhà, không được ngắt cuộc gọi, phải ngồi yên trong phòng... nếu không sẽ không hỗ trợ và bắt ngay lập tức.
Hắn yêu cầu nam sinh phải chuyển tiền vào tài khoản Công ty TNHH Tinh Anh ARE mở tại Vietcombank, một đơn vị tài chính trung gian, để chứng minh mình có tiền và không cần hưởng tiền của nhóm tội phạm. Số tiền này sẽ được công an chuyển lại cho Long sau khi được xác minh là "sạch", đồng thời sẽ hủy lệnh kê biên tài sản.
Sợ không làm theo thì bản thân và cha mẹ sẽ bị bắt, Long chuyển toàn bộ 50 triệu đồng có trong tài khoản (tiền đóng học phí vừa xin bố mẹ) cho Công ty TNHH Tinh Anh ARE. Gã "đại úy" nói chưa đủ để chứng minh, buộc nam sinh chuyển thêm. Long phải vay mượn người thân để chuyển thêm nhiều lần, tổng cộng gần 70 triệu đồng.

Ngân hàng trích lục các đợt chuyển tiền vào tài khoản Công ty Tinh Anh ARE. Ảnh: Quốc Thắng
Gã cảnh sát vẫn nói không đủ, đe dọa nếu không chuyển tiền thêm sẽ không hỗ trợ nữa và ra lệnh bắt ngay, đồng thời gợi ý nam sinh có thể vay qua app, cầm xe SH để lấy tiền. Suốt quá trình trao đổi, "cán bộ điều tra" luôn yêu cầu Long giữ cuộc gọi, không tiết lộ câu chuyện với ai, dù là bố mẹ.
Liên tục bị thúc giục, Long mở cửa phòng ra ngoài đề nghị mẹ chuyển 350 triệu đồng vào tài khoản của mình "để chứng minh tài chính với nhà trường, tham gia chương trình sinh viên". Mẹ Long nói không có tiền, nhắc nhở con "coi chừng đây là thủ đoạn lừa đảo" thì cậu lảng tránh, vào phòng đóng cửa.
Tiếp tục bị "đại úy" hăm dọa, Long đợi bố mẹ ra ngoài, mang chiếc SH (quà sinh nhật bố mẹ tặng vài tháng trước) ra tiệm cầm đồ lấy 70 triệu đồng, chuyển hết vào tài khoản Công ty Tinh Anh ARE; tổng cộng hơn 140 triệu đồng. Tuy nhiên, gã cảnh sát bảo phải "tìm cách cầm cố căn nhà đang đứng tên" thì mới có thể chứng minh trong sạch.
Lúc này, không thấy con ở nhà cộng với thái độ kì lạ sáng nay, bố mẹ Long liên tưởng đến những vụ lừa đảo sinh viên vừa diễn ra. Họ gọi điện, biết con đang ở gần căn nhà mà cậu đứng tên nên vội càng chạy đến. Thấy con đầy vẻ lo lắng, hai vợ chồng gặng hỏi, thì cậu kể lại mọi chuyện. Lúc này, "đại úy" chặn liên lạc với nam sinh.
Trình bày với công an, bố của Long cũng hoang mang vì không hiểu nhóm lừa đảo đã lấy thông tin cá nhân con trai mình ở đâu để có thể đọc đúng CCCD, địa chỉ, và biết nam sinh sở hữu chiếc xe SH. Ngay sau đó, ông cũng dắt con trai đến Ngân hàng Vietcombank báo cáo về tài khoản Công ty TNHH Tinh Anh ARE đã nhận tiền của Long.
"Vừa rà soát thông tin về công ty, nhân viên ngân hàng cho biết số tài khoản này đã nhận rất nhiều khoản tiền nghi vấn. Phía ngân hàng đồng ý phong tỏa tạm thời, chờ cơ quan điều tra gửi công văn qua sẽ phối hợp xử lý", bố Long kể.
Công an phường Bến Nghé cho biết đã gửi hồ sơ vụ việc cho Công an quận 1 điều tra. Tuy nhiên, đã gần nửa tháng qua phía Công an quận 1 chưa làm việc với gia đình nạn nhân.
"Chúng tôi mong cơ quan điều tra sớm vào cuộc làm rõ pháp nhân Công ty TNHH Tinh Anh ARE, bởi rất có thể ngân hàng đã phong tỏa tạm thời tài khoản công ty này, và số tiền con tôi bị lừa vẫn có thể lấy lại được", bố của Long nói.

Cảnh báo sinh viên của Phòng Công tác Sinh viên Trường Đại Học khoa học tự nhiên.
Chiêu cũ nhưng nhiều sinh viên vẫn 'sập bẫy'
Tương tự, giữa tháng 1, nam sinh năm nhất Đại học RMIT nhận được email kèm theo lệnh bắt có mộc đỏ của "Bộ Công an", cáo buộc cậu liên quan đến đường dây lừa đảo. Những ngày sau đó có người liên tục gọi điện cho cậu xưng cán bộ điều tra, đọc đúng CCCD, tên tuổi, địa chỉ, đe dọa sẽ "dẫn độ ra Hà Nội thi hành án". Nam sinh lo sợ, từng bước bị tội phạm dẫn dụ vào kịch bản "chuyển tiền để chứng minh trong sạch".
Để có tiền chuyển cho chúng, cậu nói với mẹ là được chọn để tham gia chương trình giao lưu sinh viên quốc tế, nhờ gia đình chuyển tiền vào tài khoản của mình để phòng tài vụ nhà trường xem, chứng minh tài chính.
Tin lời, bố mẹ nam sinh đã chuyển vào tài khoản con nhiều lần, tổng cộng 1,1 tỷ đồng. Thấy thái độ con trai khác lạ, gia đình đã tìm hiểu thì biết cậu đã "sập bẫy" nhóm lừa đảo qua mạng bằng chiêu giả cảnh sát hăm dọa. Toàn bộ số tiền trên cậu đã chuyển hết cho chúng.
Theo một cán bộ điều tra Công an TP HCM, thủ đoạn lừa đảo giả cảnh sát, VKS, tòa án... đã rất cũ nhưng vẫn có nhiều người bị lừa. Nạn nhân chủ yếu là sinh viên và người già ít quan tâm đến đời sống xã hội. Công an và các cơ quan chức năng, trường học, thời gian qua đã dùng nhiều hình thức tuyên truyền, cảnh báo đến người dân.
Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP HCM từng nhận định, tình trạng lừa đảo qua mạng rất phức tạp nhưng chỉ 20% vụ án được phá. Bởi đặc trưng của loại án này là khi các tội phạm tương tác sẽ lôi kéo, dụ dỗ, mê hoặc khiến người dân không biết mình bị lừa nên không báo công an. Đến khi tài sản bị chiếm đoạt nạn nhân mới báo thì tiền đã bị tội phạm chuyển qua nhiều ngân hàng, đã ra khỏi tài khoản, chuyển thành tiền mặt.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong việc truy vết, đấu tranh thu hồi tài sản cho người dân vì tội phạm lừa đảo không chỉ ở trên địa bàn TP HCM mà còn ở nước ngoài, các tỉnh thành phía Bắc, khu vực miền Tây... Khi cảnh sát truy vết, tìm ra thì tiền đã hết, các đối tượng đã "cao chạy xa bay".
Để hạn chế loại tội phạm này, ngành công an đang triển khai, xây dựng app an ninh trật tự cài trên điện thoại của người dân. Ứng dụng này sẽ cung cấp thông tin cho người dùng, giúp họ nhận diện các hành vi, thủ đoạn của các loại tội phạm lợi dụng công nghệ thông tin để lừa đảo. Mục tiêu để người dân có ý thức đề phòng như không tương tác, không cung cấp thông tin, nhờ người thân giúp đỡ và báo công an ngay nếu nghi ngờ.
Quốc Thắng
* Tên nạn nhân được thay đổi