Theo kế hoạch tổ chức sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao giai đoạn 2023-2025 của UBND TP Hà Nội, đầu xuân Quý Mão, thành phố sẽ tổ chức lễ hội gò Đống Đa vào ngày 26/1 (mùng 5 Tết) tại phường Quang Trung, quận Đống Đa.
Lễ hội tuổi đời hơn 200 năm, kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ và ghi nhớ những người lính hy sinh trong trận đánh. Lễ rước (đám rước thần mừng chiến thắng) từ đình làng Khương Thượng ra đến gò Đống Đa. Sau nghi thức truyền thống là trò chơi múa lân, múa rồng, đấu vật, cờ người, chọi gà.
Từ ngày 27/1 đến 8/2 (ngày 6 đến 18 tháng giêng) là lễ hội đền Cổ Loa tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh. Lễ hội tổ chức tại thành Nội thuộc xã Cổ Loa, gồm nhiều di tích đền, đình, am, điểm, nơi thờ phụng vua An Dương Vương, Mỵ Châu, thần Kim Quy, tướng quân Cao Lỗ. Lễ hội được ghi danh là văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2021, gồm nghi thức tế lễ, trò chơi, trò diễn, hội về ẩm thực.
Lễ hội Chùa Hương từ 28/1 (mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch) tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Chùa Hương thờ Phật Bà Quan Âm Bồ Tát. Lễ hội chùa Hương ghi đậm dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng thờ phụng của người Bắc Bộ và tổng thể tôn giáo ở Việt Nam bao gồm Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo.
Lễ hội Gióng tại đền Sóc tổ chức từ ngày 27 đến 29/1 (ngày 6 đến 8 tháng giêng) tại đền Thượng, huyện Sóc Sơn. Nghi thức gồm lễ tế chính tại đền Thượng và lễ rước của 8 thôn, mỗi thôn một lễ vật lên đền Sóc.
Lễ vật thôn Vệ Linh là giò hoa tre; thôn Phù Mã rước ngựa; thôn Dược Thượng rước voi; thôn Đức Hậu là ngà voi; thôn Yên Sào là cỏ voi; thôn Yên Tàng rước tướng; thôn Xuân Dục rước quả cầu húc. Lễ vật mô phỏng theo truyền thuyết, được chuẩn bị trước nhiều tuần lễ.
Đoàn quân tham gia đánh giặc cùng Thánh Gióng có cả đàn voi chở lương thực đi theo và giỏ hoa tre tượng trưng cho gậy tre của Thánh Gióng sau khi đánh giặc. Hội Gióng ở đền Sóc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 11/2010.
Cuối cùng là Lễ hội đền Hai Bà Trưng diễn ra từ ngày 27/1 (6 tháng giêng) tại thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh. Lễ hội nhằm ghi nhớ quá trình chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa của hai vị anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị thời đầu Công nguyên. Lễ hội có các trò chơi dân gian như đánh đu, chọi gà, đấu vật, cờ tướng. Đền Hai Bà Trưng được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào 2013 và lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2018.
UBND TP Hà Nội yêu cầu tổ chức sự kiện, lễ hội văn hóa sáng tạo, có trọng tâm, phù hợp với điều kiện thực tế, mang lại hiệu ứng lan tỏa, góp phần tích cực bảo tồn, phát huy các giá trị.
Các đơn vị phải thu hút, phát huy nguồn lực xã hội hóa khi thực hiện; tuân thủ quy định tổ chức lễ hội, sự kiện, không để xảy ra sai sót, đảm bảo nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.