Mỹ và Anh ngày nay đều là đội mạnh. Họ sẽ chạm trán lúc 2h sáng 26/11 giờ Hà Nội trong khuôn khổ lượt trận thứ hai bảng B.
Nhưng ở lần chạm trán cách đây 72 năm, Mỹ bị xếp chiếu dưới, thậm chí bị xem như chú bé tí hon trước người khổng lồ Anh. Dù vậy, Mỹ gây sốc khi dẫn từ phút 37 nhờ Joe Gaetjens - người có công việc chính là nhân viên rửa bát đĩa ở New York. Gaetjens đánh đầu từ đường căng ngang từ đồng đội Walter Bahr để đưa bóng vào khung thành Anh trước sự bất lực của thủ môn Bert Williams.
Đó cũng là bàn thắng duy nhất trong cả trận đồng thời giúp Mỹ tạo nên cơn địa nhất mạnh nhất qua 21 kỳ đầu của World Cup, theo công ty dữ liệu thể thao Gracenote. Qua cơ sở dữ liệu riêng, doanh nghiệp này tính toán rằng Mỹ lúc đó chỉ có 9,5% cơ hội thắng trước khi vào trận đấu Anh.
Danh xưng "trận thắng sốc nhất" đó vừa có chủ mới tại Qatar 2022, thuộc về Saudi Arabia. Đội này, này với 8,7% cơ hội theo tính toán của Gracenote, bất ngờ thắng Argentina 2-1 hôm 22/11.
Nhưng nếu xét bối cảnh xưa, chiến thắng của Mỹ cách đây 72 năm đáng nhớ hơn. Cả đội Mỹ sang Brazil dự World Cup 1950 lúc ấy đều còn diện bán chuyên, trong khi nền bóng đá chuyên nghiệp của họ chưa hoàn thiện. Đội hình đánh bại Anh có thủ môn Frank Borghi - người làm việc chính là đào huyệt trong dịch vụ tang lễ, phụ bếp Gaetjens, có cả một người từng là bưu tá.
Do bóng đá ở Mỹ lúc ấy còn non trẻ, LĐBĐ Mỹ đã phải chọn lực lượng trên toàn quốc mà theo mô tả của nhà báo kỳ cựu Geoffrey Douglas là "đoàn quân ô hợp". Trong đó, chỉ bốn tuyển thủ từng sát cánh bên nhau ở các giải tại St. Louis, còn lại chưa từng gặp mặt nhau.
Để vào được VCK World Cup 1950, Mỹ đá vòng loại nhóm có cả Mexico và Cuba, trong đó chọn hai đội cao điểm nhất. Mexico toàn thắng, còn Mỹ cũng đi tiếp nhờ hạ Cuba 5-2.
Với Mỹ, chuyến sang Brazil không có nhiều hy vọng. "Họ cứ đi chơi. Rảnh thì tham gia, và không thực sự hiểu World Cup là gì", Geoffrey Douglas kể lại trên CNN ngày 24/11.
Trong khi đó, tuyển Anh toàn ngôi sao đương thời, tính cả Stanley Matthews, Tom Finney và Stan Mortensen, và tham vọng vô địch sau khi bỏ liên tục ba kỳ World Cup gần nhất. Theo Douglas, Anh bỏ cuộc chơi vì nghĩ họ "đã là nhà vô địch và không cần chứng tỏ đẳng cấp ở World Cup".
Hơn nữa, Mỹ yếu thế hẳn trong các trận giao hữu với Anh, dễ dàng thua dù đối phương tung đội hình dự bị.
Nhưng cuộc chạm trán chính thức vào ngày 29/6/1950 trước hơn 10.000 khán giả ở sân Estádio Independência là "cú knock-out danh tiếng" mà kèo dưới dành cho kèo trên.
Anh để dành át chủ bài Stanley Matthews và những quân giỏi nhất cho trận gặp Tây Ban Nha vào ngày 2/7. Với đội hình không mạnh nhất, đội xứ sương mù vẫn kiểm soát thế trận với tâm trạng thoải mái, thậm chí đùa cợt trong phần đầu hiệp một.
Nhưng sau bàn thua bất ngờ vào phút thứ 37, họ lập tức hoang mang, vẫn chơi ép sân nhưng không hiệu quả. Sang hiệp hai, Anh, trong cơn bẽ mặt, dần vỡ đội hình và không thể bắn thủng mành lưới của chuyên gia đào huyệt Borghi, rồi chấp nhận bại trận.
Qua phỏng vấn những người trong cuộc về sau, Douglas đúc kết suy nghĩ chung của đội Mỹ trong trận thắng lịch sử đó là "kết quả tuyệt vời đấy, nhưng chúng ta cần tập trung cho giải quê nhà, chẳng hạn như trận gặp đội Ford Motors. Chuyện đó mới thực sự quan trọng".
Thắng lợi bất ngờ và đáng tự hào như thế, nhưng báo giới Mỹ lúc ấy ngó lơ vì nghĩ không đáng đưa tin. Thậm chí, chỉ phóng viên Dent McSkimmings của tờ St. Louis Post-Dispatch tháp tùng đội nhà sang Brazil.
VCK World Cup 1950 chỉ có 13 đội chia thành bốn bảng đấu vòng tròn ở giai đoạn một, sau đó bốn đội nhất bảng tiếp tục đấu vòng tròn để xác định nhà vô địch. Anh và Mỹ đều bị loại trong bảng đấu của họ ở giai đoạn một. Chung cuộc, Uruguay lên ngôi vô địch khi thắng chủ nhà Brazil 2-1 trong ngày bế mạc 16/7.
Khi tuyển Mỹ trở về, chỉ có gia đình ra đón họ. Mãi đến năm 1976, cả đội mới được ghi vào Đền Danh vọng bóng đá Mỹ.
Quốc Huy