Bộ Tài chính Mỹ ngày 25/5 mô tả Ivan Aleksandrovich Maslov mang quốc tịch Nga, được lãnh đạo tập đoàn an ninh Wagner Yevgeny Prigozhin giao nhiệm vụ lãnh đạo các đơn vị ở Mali. Wagner bắt đầu hoạt động mạnh tại Mali từ năm ngoái để giúp chính quyền quân sự nước này giải quyết các vấn đề an ninh và tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong ngành khai khoáng sau khi Pháp rút quân khỏi đây.
Mỹ nói rằng Maslov hợp tác chặt chẽ với giới chức Mali để thiết lập sự hiện diện của Wagner tại Mali và nhiều nơi khác ở châu Phi. Maslov đã sắp xếp các cuộc gặp giữa Prigozhin và quan chức chính phủ một số nước châu Phi.
"Tập đoàn Wagner có thể đang cố gắng che đậy việc mua thiết bị quân sự để sử dụng ở Ukraine, trong đó có việc mua bán qua Mali và những quốc gia khác mà họ đặt bản doanh", Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố.
Cơ quan này nhận định Wagner có thể đang sử dụng tài liệu giả để che giấu mua bán, vận chuyển mìn, máy bay không người lái, radar và hệ thống phản pháo để sử dụng ở Ukraine. Mỹ cũng mô tả Mali là trung tâm giúp Nga bành trướng trong khu vực, cáo buộc Wagner tham gia vụ hành quyết hàng trăm người do quân đội Mali tiến hành năm ngoái.
Báo cáo hồi đầu tháng 5 của Liên Hợp Quốc không nhắc đến Wagner, nhưng có đoạn cho hay các tay súng nước ngoài tham gia hành quyết ít nhất 500 người trong chiến dịch chống phiến quân jihad ở vùng Moura, Mali, hồi tháng 3/2022. Một chuyên gia Liên Hợp Quốc hồi tháng 1 từng cáo buộc Wagner có liên quan.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 24/5 cũng đưa vào danh sách đen hai quan chức quân đội Mali là đại tá Moustaph Sangare và thiếu tá Lassine Togola với cáo buộc họ phải chịu trách nhiệm sự việc ở Moura.
Mali là quốc gia Tây Phi giáp với Algeria, Niger, Bờ Biển Ngà, Guinea và Senegal, có diện tích hơn 1,2 triệu km2 và dân số hơn 21 triệu người. Một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên nổi bật nhất của Mali là vàng, quốc gia này là nhà sản xuất vàng lớn thứ ba tại châu Phi.
Mali từng là thuộc địa của Pháp cho đến năm 1960. Năm 2013, Pháp điều hàng nghìn quân đến Mali và các nước lân cận để giúp họ chống phiến quân Hồi giáo. Quan hệ giữa Mali và lực lượng Pháp xấu đi sau cuộc đảo chính năm 2020 dẫn tới thành lập chính quyền quân sự tại quốc gia Tây Phi. Năm ngoái, Pháp rút quân khỏi Mali sau khi chính quyền quân sự không tiến hành bầu cử theo kế hoạch đã định trước.
Wagner được thành lập năm 2014 và có khoảng 8.000 nhân sự tính tới tháng 4/2022. Tình báo phương Tây coi các nhà thầu Wagner là "lính đánh thuê Nga", cho biết họ từng tham chiến tại nhiều điểm nóng tại châu Phi và Trung Đông.
Tập đoàn Wagner ngày càng tăng hiện diện tại châu Phi, triển khai lực lượng tham chiến tại Cộng hòa Trung Phi, Mali và Burkina Faso. Sự xuất hiện của các tay súng Wagner là một trong những nguyên nhân khiến quân đội Pháp phải rút lực lượng khỏi cả ba nước. Pierre Schill, tư lệnh lục quân Pháp, hồi tháng 3 nhận xét các tay súng Wagner là lực lượng đáng gờm, sẵn sàng trả giá đắt để hoàn thành mục tiêu.
Hồng Hạnh (Theo AFP)