Trong thông báo đưa ra ngày 23/4, lãnh đạo Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power cho hay Đội Hỗ trợ Phản ứng Thảm họa sẽ hoạt động ở Kenya trong giai đoạn đầu, thêm rằng các chuyên gia đang phối hợp với cộng đồng quốc tế và đối tác nhằm xác định những nhu cầu cần ưu tiên cho Sudan cũng như tìm phương án hỗ trợ nhân đạo một cách an toàn.
"Mỹ đang huy động các nguồn lực để tăng cường hỗ trợ cho người dân Sudan bị mắc kẹt giữa các phe tham chiến", Power nói. "Giao tranh giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, khiến hàng nghìn người bị thương và một lần nữa làm tiêu tan khát vọng dân chủ của người dân Sudan. Những người dân bị mắc kẹt không thể tiếp cận các loại thuốc cần thiết và đối mặt với nguy cơ thiếu điện, nước, lương thực kéo dài".
"Tất cả những đau khổ này tạo nên một tình huống vốn đã rất thảm khốc. 1/3 dân số Sudan, gần 16 triệu người, cần hỗ trợ nhân đạo để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người trước cả khi bạo lực bùng phát", bà cho biết thêm.
Power lặp lại lời kêu gọi các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn trong lễ ăn chay Eid al-Fitr của người Hồi giáo, chấm dứt giao tranh và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, trong đó có việc tạo điều kiện tiếp cận an toàn và không bị cản trở cho các nhân viên y tế và nhân đạo.
Mỹ hôm 22/4 sơ tán nhân viên ngoại giao và đóng cửa đại sứ quán ở thủ đô Khartoum, Sudan, do lo ngại về rủi ro an ninh.
Sudan nằm ở khu vực đông bắc châu Phi, giáp với Ai Cập, có dân số gần 48 triệu người. Giao tranh nổ ra ngày 15/4 giữa quân đội Sudan dưới quyền tướng Abdel Fattah al-Burhan và RSF của tướng Mohamed Hamdan Dagalo, sau nhiều tuần căng thẳng vì kế hoạch sáp nhập RSF vào quân đội chính quy. Tướng Burhan cáo buộc RSF đảo chính, song phe đối lập chỉ trích quân đội là bên nổ súng trước.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)