"Thành công trong chiến lược gây áp lực sẽ phụ thuộc nhiều vào sự đóng góp của các đối tác quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh và nhận thấy có tiến bộ rõ ràng", Yonhap dẫn lời quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ về vấn đề châu Á - Thái Bình Dương Susan Thornton nói ngày 28/9.
Bà Thornton đưa ra bình luận trên trong buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Washington đánh giá Bắc Kinh đang thay đổi quan điểm về đồng minh thân cận, đồng thời tăng cường nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc đã ủng hộ hai nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 6 và hai lần phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản. Bắc Kinh cũng yêu cầu các công ty hoặc công ty liên doanh của Bình Nhưỡng tại nước này đóng cửa trong vòng 120 ngày.
Trung Quốc trước đó thông báo sẽ giới hạn nguồn cung các sản phẩm từ lọc dầu cho Triều Tiên từ ngày 1/10. Bắc Kinh cũng sẽ cấm nhập khẩu hàng dệt may từ Triều Tiên, một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của Bình Nhưỡng.
Việc Trung Quốc thực hiện nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an được cho là sẽ ảnh hưởng đáng kể đến Triều Tiên. Bắc Kinh là đồng minh và đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng, chiếm đến 90% kim ngạch thương mại của Triều Tiên.
"Chúng tôi đang tìm cách thay đổi góc nhìn của Trung Quốc đối với Triều Tiên, từ việc coi nước này là đồng minh thành một nguy cơ tại châu Á. Tôi cho rằng Ngoại trưởng Rex Tillerson đã đạt nhiều bước tiến trong khía cạnh này", bà Thornton khẳng định.
Tử Quỳnh