Trả lời CNN hôm 13/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói Mỹ tin rằng Trung Quốc biết trước Nga lên kế hoạch hành động quân sự ở Ukraine, dù Bắc Kinh có thể đã không hiểu hết mức độ của những gì được lên kế hoạch. Mỹ đang theo dõi sát sao để xem Trung Quốc hỗ trợ kinh tế hoặc vật chất cho Nga ở mức độ nào, và Bắc Kinh sẽ gánh hậu quả nếu điều đó xảy ra.
"Chúng tôi đang trao đổi trực tiếp, riêng tư với Bắc Kinh, rằng họ chắc chắn phải chịu hậu quả nếu giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt quy mô lớn", ông Sullivan nói. "Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó tiếp diễn, cũng không cho phép ai giúp Nga né lệnh trừng phạt kinh tế từ bất kỳ quốc gia nào, ở bất kỳ đâu trên thế giới".
Ông Sullivan sẽ gặp Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Rome, Italy hôm nay. Một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Biden cho biết giao tranh ở Ukraine cũng như tác động của nó đối với an ninh khu vực và toàn cầu sẽ là "chủ đề quan trọng" trong cuộc gặp, song không kết quả cụ thể nào được kỳ vọng.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 13/3 cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng các lệnh trừng phạt đã khiến Moskva không thể tiếp cận 300 tỷ USD trong tổng số 640 tỷ USD dự trữ ngoại hối và vàng.
"Chúng tôi có một phần dự trữ vàng và ngoại hối bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Chúng tôi thấy các nước phương Tây đang gây áp lực lên Trung Quốc để hạn chế thương mại giữa chúng tôi với Trung Quốc. Tất nhiên, họ gây áp lực để hạn chế chúng tôi tiếp cận những nguồn dự trữ đó", ông nói.
"Nhưng tôi nghĩ rằng quan hệ đối tác với Trung Quốc vẫn cho phép chúng tôi duy trì hợp tác, và không chỉ duy trì mà còn gia tăng trong môi trường mà các thị trường phương Tây đang đóng cửa với chúng tôi", Bộ trưởng Nga nói thêm.
Bình luận của Siluanov là tuyên bố rõ ràng nhất từ Moskva rằng họ sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc để giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt.
Hai tờ Financial Times và Washington Post của Mỹ hôm 13/3 đưa tin Nga đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thiết bị quân sự từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, Liu Pengyu, phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ, nói rằng ông "chưa từng nghe về thông tin này".
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt, loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, ngăn Moskva tiếp cận các công nghệ tiên tiến và đưa nhiều tài phiệt, quan chức Nga vào danh sách cấm vận. Mỹ áp lệnh cấm nhập khẩu dầu, kim cương, hải sản và vodka Nga. Nước này và các đồng minh cũng bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga, mở đường để tăng thuế áp với các mặt hàng của Nga.
Trong khi đó, Nga cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Một số sản phẩm trong ngành lâm nghiệp và đồ gỗ cũng bị cấm xuất khẩu đến "các quốc gia không thân thiện", gồm 48 quốc gia, trong đó có các nước EU và Mỹ. Nga là nước sở hữu 1/5 diện tích rừng của thế giới.
Nhiều lãnh đạo thế giới đang kêu gọi Trung Quốc lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và thúc đẩy hòa bình. Trung Quốc khẳng định tôn trọng chủ quyền của Ukraine, nhưng từ chối lên án Nga, đồng thời kêu gọi giải quyết vấn đề qua đàm phán. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuần trước khẳng định mối quan hệ với Nga "vững như bàn thạch" và "sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ bên thứ ba nào".
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nga sau Liên minh châu Âu. Xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc trị giá 79,3 tỷ USD vào năm 2021, trong đó dầu và khí đốt chiếm 56%, theo cơ quan hải quan Trung Quốc.
Huyền Lê (Theo Reuters)