Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam chia sẻ về tình hình chung vì sao tỉ lệ người tham gia bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam còn thấp và những lời khuyên giúp cho người dân quan tâm đảm bảo quyền lợi của các hợp đồng bảo hiểm.
- Lý do người Việt Nam vẫn chưa mặn mà với bảo hiểm nhân thọ?
- Theo tôi người Việt Nam chưa thật sự quan tâm và tham gia bảo hiểm nhân thọ có thể đến từ cả yếu tố chủ quan và lý do khách quan do bối cảnh xã hội tác động. Một số nguyên nhân nổi bật có thể kể đến như sau:
Chưa hiểu rõ giữa các dòng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, từ đó không chọn được sản phẩm nào thật sự phù hợp với nhu cầu. Người dân cảm thấy bảo hiểm nhân thọ xa xỉ, phí thường niên đắt đỏ, ưu tiên những chuyện cần thiết hơn theo truyền thống là xây nhà, tậu xe, tạo của cải...
Người Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ những quan điểm định kiến, sai lầm về bảo hiểm, như: bảo hiểm mua dễ, khó đòi, mua bảo hiểm bị lỗ hoặc chi trả quyền lợi không đúng như đã cam kết. Nhiều người chưa hiểu rõ về tính chất của các dòng sản phẩm bảo hiểm, từ đó không nắm rõ các quy định đi kèm, gây ra hiểu lầm về quyền lợi.
- Trên thị trường Việt Nam hiện có những dòng bảo hiểm nhân thọ nào?
- Có nhiều cách để phân loại sản phẩm bảo hiểm. Tôi thấy xếp theo tính chất, quyền lợi bảo hiểm tương ứng các dòng sản phẩm sẽ dễ hình dung hơn, bao gồm: Sản phẩm bảo hiểm bảo vệ thuần túy trước rủi ro như tai nạn, ốm đau, bệnh hiểm nghèo, tử vong... Sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp phù hợp với nhu cầu bảo vệ trước rủi ro và tiết kiệm, tích lũy cho tương lai. Sản phẩm bảo hiểm liên kết chung hoặc liên kết đơn vị phù hợp với nhu cầu bảo vệ và đầu tư với mức lãi suất cam kết hoặc không cam kết tùy theo khẩu vị rủi ro của khách hàng.
- Sau khi đóng phí, tiền phí của khách hàng được công ty Bảo hiểm nhân thọ phân bổ như thế nào? Cụ thể, với hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp có tham gia chia lãi (phục vụ nhu cầu bảo vệ và tiết kiệm) thì dòng tiền sẽ đi về đâu?
- Quy tắc chung của các dòng sản phẩm bảo hiểm là sau khi khách hàng đóng phí, phí bảo hiểm đầu tiên sẽ được dùng để trích lập dự phòng theo quy định của Bộ Tài chính, phí còn lại doanh nghiệp sẽ thực hiện các hoạt động đầu tư để phát triển doanh nghiệp và đảm bảo nguồn phí cho các quyền lợi bảo vệ hoặc tích lũy của khách hàng.
Đối với sản phẩm Bảo hiểm hỗn hợp có tham gia chia lãi, phí bảo hiểm sẽ tập trung vào Qũy chủ hợp đồng có tham gia chia lãi. Công ty bảo hiểm mang quỹ này đi đầu tư. Để đảm bảo an toàn cho khoản phí của khách hàng, công ty sẽ đầu tư vào các tài sản có thu nhập cố định như: trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn và cổ phiếu. Kết quả hoạt động của quỹ đầu tư sẽ được tổng kết hằng năm, trừ đi các chi phí vận hành hoạt động và các quyền lợi bảo hiểm phát sinh trong năm, số tiền còn lại sẽ được phân bổ, chia lợi nhuận cho khách hàng từ hoạt động đầu tư trên, là khoản bảo tức tích lũy hay lãi chia cuối hợp đồng.
- Vì sao có hiện tượng khách hàng ký hợp đồng sau 10,15,20 năm tham gia dòng bảo hiểm hỗn hợp đến kỳ đáo hạn lại nhận về số tiền không giống với trong bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm?
- Trước hết chúng ta phải hiểu rõ rằng quyền lợi bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp có tham gia chia lãi luôn bao gồm hai phần: Quyền lợi đảm bảo và quyền lợi không đảm bảo, và Bảng minh họa cũng luôn thể hiện rõ ràng về 2 phần quyền lợi này dành cho chủ sở hữu hợp đồng.
Đối với phần quyền lợi đảm bảo như bảo vệ tài chính trước rủi ro như tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn, bệnh hiểm nghèo... quyền lợi tiền mặt định kỳ hay giá trị hoàn lại đảm bảo. Các quyền lợi này hoàn toàn không phụ thuộc vào kết quả hoạt động của Quỹ chủ hợp đồng có tham gia chia lãi, và chắc chắn công ty Bảo hiểm nhân thọ phải thực hiện như cam kết trên hợp đồng với khách hàng.
Đối với phần quyền lợi không đảm bảo bao gồm Bảo tức hoặc Lãi chia cuối hợp đồng. Quyền lợi không đảm bảo này phụ thuộc vào kết quả hoạt động của Quỹ chủ hợp đồng có tham gia chia lãi. Tôi có thể giải thích lý do chính tác động đến lãi chia cuối hợp đồng thấp trong những năm gần đây là do lãi suất trái phiếu chính phủ giảm và các chi phí liên quan như chi phí trích lập dự phòng tăng theo quy định của Bộ Tài chính.
Cũng có những trường hợp khách hàng nhận quyền lợi đáo hạn hoặc quyền lợi khi sự kiện bảo hiểm xảy ra thấp hơn tổng phí đóng, là do khách hàng có điều kiện sức khỏe dưới chuẩn hoặc nghề nghiệp có tính rủi ro cao. Khi đó, phần chi phí được trích bảo vệ khách hàng trước rủi ro sẽ cao hơn so với người có sức khỏe tốt hay nghề nghiệp có ít rủi ro. Việc lựa chọn các định kỳ phí như tháng, quý, nửa năm cũng có thể làm cho tổng phí bảo hiểm khách hàng phải đóng cao hơn lựa chọn đóng phí theo định kỳ năm. Kết hợp với việc môi trường đầu tư không thuận lợi sẽ dẫn đến việc quyền lợi đáo hạn có thể thấp hơn tổng phí đóng.
- Người tham gia bảo hiểm cần làm gì để đảm bảo quyền lợi?
- Trước khi mua bảo hiểm, người mua cần hiểu rõ quyền lợi sản phẩm và nhu cầu thực tế, cân nhắc khoản phí phù hợp với khả năng tài chính và cung cấp thông tin trung thực cho đơn vị cung cấp bảo hiểm
Trong quá trình tham gia, người mua cần tìm hiểu và tận dụng các ứng dụng công nghệ mà đơn vị bảo hiểm cung cấp và thường xuyên theo dõi tình trạng hợp đồng. Khi đáo hạn hợp đồng, khách hàng nên yêu cầu tư vấn viên hoặc doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp đầy đủ thông tin và giải thích rõ ràng về quyền lợi đáo hạn.
Với những lợi ích như tôi đã nói, bảo hiểm nhân thọ góp phần bảo vệ tài chính và mang tới giá trị tinh thần là sự an tâm vui sống cho khách hàng cùng những người thân.
Nguyễn Lê