Sáng chế do Đỗ Trọng Minh Đức, du học sinh lớp 11 trường Montverde Academy (Mỹ) và Trần Nguyễn Khánh An, học sinh trường Chu Văn An (Hà Nội), thực hiện trên đề tài được nhà sáng chế Nguyễn Đình Nam giao, gửi dự thi đầu tháng 8.
Cuộc thi năm nay thu hút 600 sáng chế đến từ 60 quốc gia. Các giải chính do ban giám khảo đa quốc gia chấm gồm giải vô địch, á quân, top 10, top 20, giải phụ nữ, giải trẻ, giải thiết kế công nghệ, giải trình bày. Vihelm được hội đồng giải thưởng lựa chọn trao giải top 10 về thiết kế công nghệ.
Chiếc mũ bảo hộ này gồm máy lọc không khí cấp khí sạch vào mũ bảo vệ đường hô hấp (gọi là PAPR - Powered air-purifying respirator). Mũ được thiết kế với kết cấu đơn giản, có gắn với găng tay để giúp cho các hoạt động như gãi ngứa trên mặt, lau mồ hôi, hắt hơi, lau chùi mũ... được đảm bảo thoải mái, an toàn, cách ly được virus. Thiết kế có khoang chứa thức ăn và nước bên trong, giúp người dùng có thể thể ăn uống an toàn khi phải làm việc trong môi trường có thể có virus.
Khi đội mũ bảo hộ, không khí sẽ được bơm liên tục qua một màng lọc khiến các tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn, bụi mịn không thể lây xuyên qua. Với hệ thống quạt làm thoáng khí được thiết kế, mũ sẽ mát mẻ và không bị đọng hơi nước bên trong. Theo đó sẽ không làm ảnh hưởng tới tầm nhìn của người sử dụng.
Theo nhà sáng chế Nguyễn Đình Nam, trong số các tác giả tham dự có nhiều giáo sư tiến sỹ từ các trường đại học lớn, chủ tịch, CEO của các doanh nghiệp nổi tiếng từ các nước phát triển, cho thấy mức độ cạnh tranh rất lớn.
iCAN là cuộc thi được tổ chức hàng năm bắt đầu từ 2016, bởi TISIAS – tổ chức có trụ sở ở Canada, có mục tiêu hỗ trợ sinh viên, nhà phát minh, nhà đổi mới, doanh nhân và nhà nghiên cứu trên toàn cầu để thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo và các dự án đổi mới, đưa ra các cơ hội kinh doanh khả thi, hỗ trợ tăng trưởng công nghiệp.
Thông qua cuộc thi mở ra cơ hội hợp tác và liên kết đối với các nhà sáng chế cùng trao đổi ý tưởng với các tổ chức hợp tác trên toàn thế giới.
Bảo Chi