Quang Hải đi bóng trong sự đeo bám của các cầu thủ Thái Lan, trên sân Mỹ Đình tối 19/11. Ảnh: Đức Đồng. |
Thái Lan đã làm mọi cách để đạt được mục đích: Việt Nam sẽ tấn công họ. Đấy là cách duy nhất mà họ tin rằng sẽ đánh bại được đội chủ nhà. Có thể nói, đội bóng của Nishino đã đi đến gần trọn con đường. Họ chỉ thiếu bàn thắng.
Trong bóng đá, có khái niệm "Mind games", hiểu nôm na là "trận đấu tâm lý" - một thứ công việc để làm cho bạn luôn tập trung ở tình trạng tốt nhất. Đó là thứ vũ khí duy nhất để giúp một đội bóng yếu tạo nên bất ngờ trước đội bóng mạnh hơn nhiều lần. Còn với một trận đấu giữa hai đội bóng cân bằng, đó sẽ là sự chuẩn bị đầu tiên của HLV nếu muốn cầu thủ vận hành đúng đấu pháp đề ra, và đó là thành lũy sau cùng để trông cậy nếu lối chơi bị phá sản vì biến cố trên sân hay vì đối thủ có đấu pháp tốt hơn.
Thái Lan đã dày công chuẩn bị "trận chiến tâm lý" kể từ khi họ bất ngờ bị Malaysia đánh bại. Đá với Việt Nam trên sân khách, các yếu tố chiến thuật, con người dù là chuẩn bị tốt nhất, cũng không thể nắm chắc phần thắng. Thế nên, trong khi người hâm mộ và giới quan sát của Việt Nam đều chỉ bàn đến chuyện sẽ đánh bại Thái Lan ra sao, thì đối phương cố ý phô bày nỗi lo lắng, hoàn cảnh khó khăn hiện có để tự đặt mình vào trạng thái cửa dưới hoặc thế dựa chân tường. Mặt khác, họ nói về quá khứ, về các thất bại của Việt Nam. Họ hy vọng những vết thương ấy chưa lành và Việt Nam sẽ bị tổn thương mà đá một trận "chung kết bảng đấu" như ý đồ của họ.
Xét trong khuôn khổ trận đấu, Thái Lan đã có chiến thắng cho mình trong "trận đấu tâm lý" ấy. Những phép tính về con người của HLV Park Hang-seo đã có sai số lớn. Sự trầm tĩnh cần thiết, thường xuyên bị mất đi trước sự tinh tế và chất quái của cầu thủ Thái Lan. Nhưng sự thật, Thái Lan đã không thắng trận đấu. Đấy là lý do mà sau trận đấu, HLV Park Hang-seo nói rằng không để Thái Lan thắng là một nửa thành công. Nói một cách sòng phẳng, thắng "Mind games" nhưng không thắng trận đấu thì vô nghĩa.
Còn Việt Nam thì sao? Nếu trận đấu này diễn ra cách đây ba năm, Việt Nam sẽ thua, thậm chí thua đậm. Nhưng cái cách mà thủ thành Đặng Văn Lâm và đội trưởng Quế Ngọc Hải điều khiển hàng phòng ngự ở 15 phút cuối, cho thấy HLV Park Hang-seo đã chuẩn bị đến phương án cầm hòa sau khi không thể ghi bàn bằng cách đánh phủ đầu ở 15 phút đầu mỗi hiệp. Có lúng túng nhưng không hỗn loạn. Thế trận tuột khỏi tầm tay nhưng bản lĩnh được trui rèn sau hai năm đấu đỉnh cao giúp hàng phòng ngự Việt Nam vẫn không thể bị đánh bại. Chúng ta có một trận đấu không tốt, nhưng kết quả thì không tồi. Đó là lý do mà phần cuối trận đấu, chúng ta thể hiện rõ tư tưởng cầm hòa lấy một điểm.
Một điểm đó nhiều hay ít? Nếu xét về diễn biến trận đấu, vậy là quá tốt. Nếu xét cả cục diện của tám bảng đấu, cũng là rất nhiều. Các con số không biết nói dối. Sau lượt trận thứ năm, Việt Nam vẫn là đội có điểm số tốt thứ sáu tại vòng loại khu vực châu Á. Thậm chí có đến hai bảng đấu (D và H), đội nhất bảng mới có 9 điểm. Đây đều là những bảng có tính chất "tử thần" tương tự bảng G của Việt Nam. Thế nên, đừng vì thất vọng về việc "không thắng Thái Lan" trong một trận đấu cụ thể mà quên đi các lợi thế có được từ một điểm trong cuộc chiến giành vé dự World Cup. Nếu ở lượt đi, một điểm trên sân Thái Lan hầu như không có giá trị thì một điểm ở lượt về đã giúp cho Việt Nam tiến gần đến mục tiêu đề ra. Theo tình hình hiện nay, Qatar gần như sẽ là có một vé do đang đứng đầu bảng E, nhưng vì họ là chủ nhà World Cup 2022 nên cơ hội có thể mở thêm ra với các đội khác và số điểm cần thiết để đi tiếp vào vòng loại cuối cùng thay vì 16 điểm thì bây giờ sẽ ít hơn. Về lý thuyết, trong hoàn cảnh bất lợi nhất, thầy trò HLV Park Hang-seo chỉ cần kiếm được bốn trong số chín điểm tối đa ở ba trận còn lại.
Đó là một chi tiết quan trọng. Trận đấu cụ thể thì có "mind games", còn đua đường dài thì cũng cần toan tính với những biến số liên tục từ những kết quả liên quan. Có những trận đấu bắt buộc phải thắng (như trước đội yếu nhất bảng Indonesia), thì cũng có thời điểm chỉ cần một trận hòa để giữ ưu thế và đẩy đối phương vào hoàn cảnh căng thẳng liên tục. Malaysia, Thái Lan, UAE hiện nay đều ở trạng thái "phải thắng mọi trận đấu". Đó là thứ áp lực từ bên trong cực kỳ nguy hại.
Ngược lại, ở khía cạnh nào đó, trận hòa với Thái Lan là tích cực về mặt tâm lý cho đội bóng của ông Park. Trong bất kỳ cuộc đua nào, bạn luôn cần đối diện những đối thủ khó khăn, để qua đó hoàn thiện mình hơn. Một đội bóng trải qua vòng loại thứ hai dễ dàng, thì sẽ khó có tâm thế tốt nhất cho vòng loại cuối cùng. Ví dụ cụ thể nhất chính là Thái Lan, khi họ đứng đầu bảng ở vòng loại thứ hai World Cup 2018 nhưng đánh mất mình hoàn toàn ở lúc cần bản lĩnh nhất.
Việt Nam có những sai số về mặt con người trong trận đấu với Thái Lan, đó là sự thật. Chúng ta vẫn chưa thắng Thái Lan, chẳng có gì bàn cãi. Nhưng từ ngôi đầu bảng đến tấm vé dự vòng loại cuối cùng, đến trận chiến với 11 đội bóng mạnh nhất châu lục, là một cuộc hành trình thường có ít niềm vui. Đa số là các cuộc chiến khốc liệt trên sân, ngoài biên. Những gì chưa làm được ở trận đấu với Thái Lan không đáng tiếc. Thậm chí, nếu có nỗi sợ nào đó thoáng qua, nó cũng vô cùng đáng giá.
Một điểm ngay lúc này, thật sự quá nhiều cho tương lai.
Song Việt