"Tôi coi đây là vinh dự lớn nhất của mình", ông Donald Trump nói hồi tháng 4/2013 ở nhà thi đấu Madison Square Garden, New York, khi được đưa tên vào danh sách Sảnh Danh vọng (Hall of Fame) của Công ty Đấu vật Biểu diễn Thế giới (WWE).
Sau này, khi ông Trump gia nhập chính trường, người hâm mộ và các đô vật WWE đã có sự hiện diện đáng chú ý trong những lần ông tranh cử.
WWE là công ty hàng đầu trong lĩnh vực đấu vật biểu diễn. Các giải đấu, trận đấu vật của WWE không phải thể thao đối kháng thực thụ, mà mang tính biểu diễn, giải trí với cốt truyện, kịch bản chuẩn bị sẵn, dù không thiếu những ngón đòn có thể gây chấn thương nếu không được thực hiện đúng cách, theo diễn giải của Chủ tịch Vince McMahon năm 1989.
Theo tiến sĩ Shannon Bow O'Brien, chuyên gia về tổng thống tại Đại học Texas, nhiều người nghĩ ông Trump được công chúng biết đến chủ yếu qua chương trình truyền hình thực tế The Apprentice. Nhưng thực tế, đấu vật biểu diễn là lĩnh vực giúp ông Trump hiểu thêm về cách tương tác với công chúng.
"Các sự kiện WWE giúp ông Trump định hình cách nhìn nhận thế giới. Ông ấy cũng áp dụng chiến thuật của đô vật cho phong cách cá nhân, khi không bao giờ xin lỗi và thường kịch tính hóa các phát ngôn", bà O'Brien nhận xét.
Năm 1988 và 1989, cụm khách sạn, sòng bạc của ông Trump ở Atlantic City, bang New Jersey là nơi tổ chức WrestleMania, sự kiện được ví như SuperBowl của WWE.
Ông Trump tiếp tục góp mặt trong nhiều sự kiện WWE những năm sau đó. Đỉnh điểm là vào năm 2007, khi ông Trump đối đầu với chủ tịch WWE Vince McMahon trong "Trận chiến tỷ phú" tại WrestleMania 23. Hai người chọn ra đô vật đại diện mình để đấu với nhau, ai thua sẽ phải cạo tóc.
Đô vật của ông Trump chiến thắng, khiến ông Vince McMahon phải cạo đầu. Sự kiện này đã thu về doanh thu theo lượt xem cao nhất lịch sử WWE.
"Ông Trump thích sự ngưỡng mộ của đám đông trong môn đấu vật biểu diễn. Các sự kiện tranh cử của ông những năm qua trông rất giống các trận đấu vật, với âm nhạc, pháo hoa, đám đông vỗ tay, reo hò", bà O'Brien nêu so sánh.
Khi ông Trump chuẩn bị cho nhiệm kỳ hai tại Nhà Trắng, mối quan hệ giữa ông và WWE càng hiện hữu mạnh mẽ. Từ tháng 8, ông đã lập nhóm phụ trách quá trình chuyển giao quyền lực, chủ yếu dựa vào các đồng minh trong lĩnh vực tư nhân. Bà Linda McMahon, vợ ông Vince McMahon, là đồng chủ tịch nhóm này, phụ trách giám sát chính sách và chọn lọc nhân sự cho chính quyền sắp tới. Có nhiều đồn đoán rằng bà McMahon sẽ được ông Trump chọn làm lãnh đạo Bộ Thương mại.
Tổng thống đắc cử được nhiều đô vật WWE nổi tiếng ủng hộ trong các lần tranh cử như Terry Gene "Hulk Hogan", Theodore Marvin "DiBiase", Mark Calaway "The Undertaker", Glen Jacobs "Kane", Jacob Hager "Jack Swagger".
Glenn Jacobs đã trở thành lãnh đạo hạt Knox, bang Tennessee năm 2018 dưới thời ông Trump. Đô vật Jacob Hager đã kịch liệt chỉ trích ông bầu cũ sau khi bị yêu cầu bớt ủng hộ ông Trump. Sự cố vạ miệng đã khiến anh này bị loại khỏi một giải ở Connecticut.
Tại Đại hội đảng Cộng hòa (RNC) hồi tháng 7, Hulk Hogan đã xuất hiện với màn xé áo thương hiệu. Đô vật bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ sau vụ ông Trump bị ám sát hụt ở Butler, gọi cựu tổng thống là "người hùng".
"Trong chiến dịch tranh cử, nhiều người đã nghe về luận điểm giới tinh hoa ủng hộ đảng Dân chủ, còn người dân bình thường là đảng viên Cộng hòa. Điều này cũng được phản ánh trong môn đấu vật ở một mức độ nào đó", một cựu giám đốc WWE giấu tên cho biết. "Những huyền thoại của môn này, thậm chí cả huyền thoại thể hình Arnold Schwarzenegger đều ủng hộ bà Harris, nhưng phần lớn đô vật lại ủng hộ ông Trump".
"Các đô vật thích cách ông Trump xuất hiện với vẻ ngoài cao lớn, mạnh mẽ và lối nói chuyện như thể chuẩn bị đánh bại đối thủ", Heywood Gould, nhà biên kịch phim võ thuật Hollywood, nói. "Trong khi đó, người hâm mộ WWE không thể tưởng tượng cảnh 'gồng cơ bắp' cùng bà Harris".
Ông Trump không có mối quan hệ gần gũi với cộng đồng thể dục thể hình như với giới đấu vật. Tuy nhiên, nhiều người tập thể hình ủng hộ ông rất nhiệt tình. Một số tài khoản mạng xã hội đã thu hút được lượng người theo dõi lớn khi kết hợp hình ảnh về vóc dáng lực lưỡng với sự ủng hộ dành cho đảng Cộng hòa.
"Thể hình mạnh mẽ gợi suy tưởng về sự bất khả chiến bại theo thiên hướng cánh hữu, và đó là chủ nghĩa dân túy cánh hữu ông Trump theo đuổi", Alan Klein, giáo sư danh dự ngành nhân chủng học tại Đại học Northeastern ở Massachusetts, nhận định.
"Ông Trump đã khai thác mối quan hệ với các đô vật, người tập thể hình và văn hóa anh em tương trợ một cách hoàn hảo. Bà Harris hoàn toàn không thể tưởng tượng ra điều này. Phe Dân chủ chỉ cho rằng cuộc bầu cử xoay quanh các vấn đề, họ không nghĩ rằng vấn đề hình tượng quan trọng đến thế", bà Klein nói thêm.
Đức Trung (Theo Telegraph, Independent, Washington Post)