Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, gần sáng mai không khí lạnh sẽ tràn đến vùng núi, sau đó là trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Do kết hợp với hội tụ gió trên độ cao 5.000 m, miền Bắc sẽ rét đậm, rét hại, trời âm u. Vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá. Hà Nội và một số tỉnh thành sẽ mưa giông trong 1-2 ngày đầu.
Bước vào kỳ nghỉ Tết Dương lịch, không khí lạnh suy yếu, trời chuyển nắng, miền Bắc thoát khỏi rét đậm, rét hại.
Trang Accuweather của Mỹ dự báo, Hà Nội ngày mai dao động 10-18 độ, hôm sau giảm tiếp còn 10-14 độ C. Ngày 31/12, nền nhiệt nhích lên 12-19 độ, hai ngày đầu năm mới là 12-21 độ C.
Điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sa Pa (Lào Cai) từ nay đến trước kỳ nghỉ Tết Dương lịch nhiệt độ liên tục giảm, thấp nhất xuống 5-7 độ C. Trong kỳ nghỉ, nền nhiệt tăng dần, đến 2/1/2023 là 5-12 độ C.
Miền Trung cũng chịu ảnh hưởng của không khí lạnh từ ngày mai. Thanh Hóa có thể rét đậm, nhiệt độ xuống thấp nhất 10-13 độ; khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế 13-16 độ C.
Cũng như miền Bắc, những ngày nghỉ Tết Dương lịch, nền nhiệt miền Trung tăng dần do không khí lạnh suy yếu. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế dao động 14-20 độ, từ Đà Nẵng đến Phú Yên 20-24 độ C.
Nam Bộ và Tây Nguyên đã bước sang mùa khô, những ngày tới phổ biến ít mưa, trời nắng. Tuy nhiên, do liên tục có không khí lạnh tăng cường nên Tây Nguyên về đêm và sáng dưới 17 độ, Nam Bộ 21-22 độ, cao nhất 29-32 độ C.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, gần sáng và ngày mai vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió mạnh dần lên cấp 6, sóng biển cao 3-5 m. Bắc Biển Đông (gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió cấp 6-7, sóng biển cao 4-6 m.
Từ ngày 29/12, vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận, giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, sóng biển cao 3-5 m.
Kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm nay kéo dài ba ngày, từ 31/12 đến 2/1/2023.