-
9h50
Tọa đàm Leader Talks, diễn ra từ 10h ngày 24/5, có chủ đề "Metaverse - xu hướng hay trào lưu nhất thời". Hai diễn giả tham gia chương trình là ông Đặng Khánh Hưng - Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab và ông Trần Dinh - CEO AlphaTrue, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Blockchain Việt Nam.
Tọa đàm Leader Talks nằm trong chuỗi sự kiện của Hội thảo CTO Summit 2022 và chương trình bình chọn Lãnh đạo công nghệ trẻ do VnExpress tổ chức.
-
10h08
Nhìn lại một năm metaverse
- Theo các diễn giả, các làn sóng công nghệ mới như blockchain, NFT, metaverse... đang tác động như thế nào đến nền kinh tế toàn cầu và các doanh nghiệp trong một năm qua?
Ông Trần Dinh, thành viên BCH Hiệp hội Blockchain Việt Nam: Theo một thống kê hồi cuối 2021, tiềm năng metaverse có thể đạt 12.500 tỷ USD trong tương lai. Đây là miếng bánh to, doanh nghiệp nào cũng có phần. Khi công nghệ mới ra đời, công ty nào tiếp thu được thì sẽ có lợi thế. Thị trường quá tiềm năng nên các công ty đều muốn đóng góp vào để sở hữu một phần thị phần.
Ông Đặng Khánh Hưng, Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab: Rõ ràng là tác động là rất lớn. Tôi có thể đưa ra một vài con số để tham khảo, không chỉ riêng metaverse mà về blockchain nói chung. Một con số nhiều người nhìn thấy nhất là vốn hóa thị trường tiền mã hóa. Tháng 3/2020, làn sóng Covid-19 đầu tiên, vốn hóa của thị trường theo số liệu trên Coinmarketcap là khoảng 250-280 tỷ USD. Đến tháng 11/2021, vốn hóa đã lên 2.500 tỷ, tức quy mô đã tăng khoảng 10 lần. Việc tăng lên này là do vốn hóa của các ngành khác đổ vào.
Hàng nghìn tỷ USD đổ vào thị trường tiền mã hóa trong hơn một năm, khiến tài sản mã hóa như Bitcoin trở thành một trong những tài sản có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu. Trong khi các công ty công nghệ như Apple, Google mất hàng chục năm để nghiên cứu phát triển sản phẩm và có hàng tỷ người dùng mới đạt được giá trị này.
Đương nhiên phải thừa nhận sự trưởng thành của một ngành nghề không chỉ được quy định bằng giá trị thị trường, nhưng đó là điểm dễ nhất để thấy. Con số đó thể hiện sự "nóng bỏng" của ngành này.
Các tập đoàn tài chính truyền thống, hay quốc gia cũng mua các tài sản mã hóa và bổ sung vào danh mục của họ. Những thứ từ underground nay đã trở thành mainstream, trở thành sản phẩm được công nhận bởi các tổ chức, quốc gia. Ngoài ra, các tập đoàn lớn, có tác động đến nền kinh tế thế giới cũng tham gia ngành này, cho thấy sức ảnh hưởng của chúng.
-
10h15
- Tuy nhiên, mức độ quan tâm của người dùng lại đang giảm dần. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là gì?
Ông Đặng Khánh Hưng: Tôi nghĩ metaverse hay blockchain, bản chất vẫn là công nghệ. Dòng tiền chảy vào công nghệ chỉ là yếu tố "đính kèm". Theo dõi sự phát triển công nghệ từ trước đến nay, có thể thấy khi cộng đồng biết đến công nghệ ở thời kỳ phôi thai, thường họ cực kỳ hào hứng. Ví dụ Internet từng có bong bóng dotcom, khi dòng tiền đổ vào Internet rất lớn. Dòng tiền sau đó thoái trào, nhưng bản thân công nghệ Internet lại ngày càng phát triển, có những sản phẩm tốt hơn và thực sự phục vụ cuộc sống. Ví dụ, cổ phiếu Amazon cũng từng lên cao, xuống thấp, rồi mới lại lên cao. Sự hào hứng của những người xem Internet, đọc báo chỉ là một phần, một dấu chỉ. Thời điểm đầu, nó sẽ lên rất cao vì tò mò cái mới.
Những thông số như lượng tìm kiếm giảm, trending giảm... chỉ là thể hiện thị hiếu của cộng đồng, chứ không phải là thể hiện sự phát triển của công nghệ đó. Đó cũng là giai đoạn mà những người làm công nghệ có thể thực sự tập trung để xây dựng những sản phẩm có ích cho cộng đồng.
-
10h19
- Định nghĩa về metaverse khá mơ hồ, như giải pháp mô phỏng thế giới thật sử dụng VR/AR được gọi là metaverse, nhưng nhiều dự án game blockchain cũng nhận là metaverse. Vậy đâu mới là metaverse thực sự?
Ông Trần Dinh: Đầu tiên chúng ta cần hiểu metaverse là gì. Meta nghĩa là toàn diện, vượt qua, còn verse là vũ trụ. Metaverse là mong muốn tạo ra một vũ trụ ảo chưa từng có trước đây.
Công ty làm metaverse có thể là phần cứng và phần mềm. Phần cứng như công ty Meta làm ra cánh tay robot để con người có thể tương tác như ngoài đời thật hoặc những công ty làm kính thực tế ảo. Song song với những công ty phần cứng là các công ty phần mềm xây dựng thế giới ảo bằng cách sử dụng những công nghệ mới như blockchain, AI, 3D.... Đây sẽ là những công ty sẽ quyết định metaverse có thể thành công hay không. Trong thế giới này, các bên cần đầu tư lớn, cần nhiều sự phối hợp khác nhau. Ở giai đoạn này, nhiều công ty trong nước lẫn quốc tế đều gắn metaverse với dự án của mình để thu hút, tuy nhiên hiếm có công ty nào có thể xây dựng một metaverse của riêng mình.
-
10h24
- Người dùng và doanh nghiệp hiện đã được lợi hay gặp vấn đề gì từ metaverse chưa?
Ông Đặng Khánh Hưng: Chúng ta cần thừa nhận nó là một cái mới, đang phát triển. Ví dụ Meta (Facebook) cũng đưa ra lộ trình vài năm, trong đó những năm đầu tiên là phát triển sản phẩm, thử nghiệm, dùng thử, tinh chỉnh rồi mới đưa ra sản phẩm cuối cùng.
Hiện những trải nghiệm của người dùng cuối về metaverse còn rất hạn chế, không nhiều thứ như chúng ta kỳ vọng, không được như quảng cáo đưa ra. Nhưng quảng cáo đó thực chất là cho tương lai, cho 8-10 năm nữa.
Một vài ví dụ metaverse có thể thấy như Meta tung ra một chiếc kính hợp tác với Ray-Ban với camera gắn vào kính. Trải nghiệm đó đã khác biệt so với việc phải cầm điện thoại quay video đó. Đó là ví dụ nhỏ về thứ người dùng có thể trải nghiệm ở hiện tại liên quan đến metaverse, nhưng vẫn còn rất ít. Chúng ta nên có tầm nhìn 5-8 năm nữa, khi đó sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn.
-
10h31
- Công nghệ truyền thống đang bị tác động như thế nào trước làn sóng metaverse thời gian qua?
Ông Trần Dinh: Quan điểm của tôi hơi khác với anh Hưng ở trên. Tôi cho rằng chúng ta đang ở trong thế giới metaverse rồi. Đó là những thế giới game với những nhân vật ảo, có tương tác, giao dịch với nhau.
Meta đã định hình metaverse trong tương lai và có nhiều đầu tư nghiêm túc, rõ ràng cho công nghệ mới. Chúng ta thấy trong vòng 10 năm, Meta đã đầu tư 21 tỷ USD để chuẩn bị server trên toàn thế giới. Họ cũng đầu tư hàng tỷ USD vào Oculus - công làm kính thực tế ảo và tại Việt Nam cũng khá nhiều người sở hữu kính này. Ngoài ra, nhiều công ty khác từ lĩnh vực game đến thời trang đều đã tham gia vào vũ trụ ảo, nó cho thấy công nghệ này đang ngày một phổ biến và được nhiều công ty từ khởi nghiệp đến truyền thống ủng hộ.
Tuy nhiên, đúng là hiện chưa có nhiều sản phẩm thực thụ để người dùng trải nghiệm, hoặc chỉ có một số nhỏ người dùng được trải nghiệm nên họ không còn thấy thú vị. Nhiều công ty đã tăng cường đầu tư vào các công ty giải trí để tăng cường trải nghiệm trong metaverse. ví dụ Microsoft đầu tư 65 tỷ USD để đầu tư vào công ty game. Họ phải rất tự tin, nhìn thấy tiềm năng của thị trường nên mới đầu tư lớn như vậy.
-
10h36
Hướng phát triển metaverse tại Việt Nam so với thế giới
- Bloomberg ước tính giá trị thị trường metaverse sẽ đạt giá trị 800 tỷ USD vào năm 2024. Các diễn giả đánh giá tốc độ gia nhập cuộc đua trong kỷ nguyên thế giới ảo của các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?
Ông Đặng Khánh Hưng: Nhìn về việc phát triển công nghệ từ trước đến nay, Việt Nam đáng buồn là hơi đi sau so với những người tiên phong trên thế giới. Nhưng với blockchain, metaverse, khoảng cách của chúng ta so với những người tiên phong, nói khiêm tốn thì đã thu nhỏ lại, còn nói một cách tự hào thì đã không còn nữa.
Game metaverse, blockchain nổi bật nhất 2021 là Axie Infinity, do đội ngũ người Việt phát triển. Khi đến với blockchain, metaverse, sự hòa nhập của người Việt trong khung thị trường, sản phẩm này rất nhanh. Chúng ta tự tin bắt kịp với sự tiên phong của thế giới.
Trong một năm qua, ở Việt Nam, thị trường game, metaverse có hằng hà sa số các dự án. Có những dự án tầm lớn, vòng Seed đã gọi được vài triệu USD. Có những dự án tập hợp những người làm vì đam mê, chưa có sự chuyên nghiệp nhưng họ cũng đi vào, dấn thân để tìm hiểu. Ví dụ một dự án game metaverse như Sipher INU, những con người đằng sau đó không phải có 5 -10 năm trong giới công nghệ, mà là những người hoàn toàn từ ngành khác chuyển sang.
Đúc kết lại, tôi tin về công nghệ blockchain, xa hơn là metaverse, người làm công nghệ ở Việt Nam có thể tự tin nói rằng khoảng cách của họ với những người tiên phong đã rất nhỏ, thậm chí ngang hàng.
Ông Trần Dinh: Theo tôi, con số 800 tỷ USD chưa phản ánh hết tiềm năng của thị trường. Ở Việt Nam, tôi tin metaverse vẫn có hai phần là phần cứng và phần mềm. Về phần cứng, Việt Nam khó có thể đối trọng lại các cường quốc công nghệ như Mỹ, Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta có lợi thế lớn về xây dựng phần mềm với nguồn nhân sự dồi dào. Một trong những minh chứng là làn sóng GameFi đã nở rộ, có những game dẫn dắt cả thị trường.
Nhiều công ty game đã bắt đầu nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm. Tuy nhiên, metaverse có rất nhiều lĩnh vực như AI, đồ hoạ, xây dựng avatar.... Các công ty đang làm rất tốt những thứ như đồ hoạ, thanh toán, AI đây là những lợi thế rất lớn của Việt Nam, chúng ta cần chuẩn bị sẵn hàng trang để bước vào vũ trụ ảo.
-
10h43
- Với tỷ lệ dân số tiếp cận Internet cao, Việt Nam có những lợi thế, tiềm năng nào trong làn sóng công nghệ metaverse?
Ông Trần Dinh: Ngoài tỷ lệ dân số tiếp cận Internet cao, Việt Nam còn nằm trong top 10 quốc gia sở hữu tài sản số lớn nhất thế giới nhờ dân số trẻ, nguồn nhân sự dồi dào, lợi thế cạnh tranh, xu hướng GameFi đã cho thấy điều đó. Nhiều công ty đã có sẵn nền tảng để xây dựng metaverse như AI, nhận diện khuôn mặt, NFT... Đây là lợi thế để các doanh nghiệp có thể tiếp cận với người chơi, tiếp tục dẫn đầu trong tương lai.
-
10h45
- Với những cơ hội kể trên, liệu vũ trụ ảo có gặp khó khăn và thách thức cản trở quá trình phát triển tại Việt Nam hay không?
Ông Đặng Khánh Hưng: Khó khăn về nội tại với những người làm metaverse gặp phải tất nhiên là có. Họ là những người dẫn đầu, nên phải khai phá, dấn thân, như câu nói "trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì mới thành đường".. Một cái mới là một con đường mới, và bạn phải dấn thân mà thôi.
Thứ hai là yếu tố tâm lý thị trường, hay đầu cơ. Làn sóng đầu tư vào metaverse bùng nổ rồi đi xuống. Trong số những người đầu tư đấy, không chỉ có đầu tư, mà còn là đầu cơ, canh bạc, kiếm tiền nhanh. Đó là điều không thể phủ nhận. Chính việc đầu cơ đó trở thành sự khó khăn, ngăn trở các dự án, tổ chức muốn phát triển lâu dài, bởi sự cạnh tranh về nguồn lực, cạnh tranh phát triển đường dài. Ví dụ, tôi có thể dựng lên một sản phẩm, thu hút các lập trình viên về và tôi chỉ nuôi họ ba tháng và có thể trả lương rất cao, nhưng ba tháng sau cho họ nghỉ.
Rộng hơn, metaverse ảnh hưởng thế nào đến những ngành công nghệ khác. Tôi nghĩ chắc chắn là có khó khăn, nhưng nó không triệt tiêu nhau, mà đó là sự cạnh tranh. Sự cạnh tranh sẽ là động lực để các bên tự củng cố bản thân, trau dồi sản phẩm tốt lên. Ai không tốt lên sẽ tự bị loại bỏ. Đó là quy luật tiến hóa thôi, chứ bản thân làn sóng metaverse không triệt tiêu ai, Nó chỉ tạo nên những cuộc cạnh tranh mới. Các ngành khác sẽ phải tốt lên, nếu không sẽ bị đào thải.
-
10h47
- Rủi ro tiềm ẩn liên quan đến metaverse có thể kể đến như nguy cơ an ninh mạng, người dùng dễ dàng trở thành nạn nhân của deepfake hoặc avatar bị hack trong thế giới ảo. Các doanh nghiệp đã có kế hoạch giải quyết bài toán này như thế nào?
Ông Trần Dinh: An toàn trên không gian mạng là vấn đề tất cả người dùng Internet đều phải đối diện mỗi ngày. Đa số vấn đề an ninh khi có lỗ hổng bị khai thác rồi thì mới được sửa đổi. Nếu doanh nghiệp may mắn, tìm ra lỗ hổng từ hacker mũ trắng, còn nếu gặp hacker mũ đen thì chúng ta bị khai thác rất lâu.
Còn về deepfake, chúng ta đã gặp rất lâu, trước khi metaverse ra đời. Nhưng trong tương lai, chúng ta sẽ có nhiều phương án nhiều hơn để bảo vệ người dùng. Năm ngoái, thiệt hại từ các vụ hack đã lên đến hàng triệu USD, điều này khiến các công ty cảnh giác, đầu tư bảo mật nhiều hơn khi làm sản phẩm để thu hút người dùng.
Tuy nhiên, nhìn về tương lai tôi có một quan điểm khác. Khi metaverse phát triển, chúng ta sẽ được bảo vệ an toàn hơn trên không gian mạng. Khi hệ thống KYC phát triển, kết hợp với hệ thống blockchain, mỗi giao dịch đều được ghi nhận, không thể làm giả. Nên tôi nghĩ, nếu smart contract, NFT được phát triển trong tương lai, chúng ta sẽ được an toàn hơn. Nhưng trong tương lai, chính người dùng phải đầu tư, bảo vệ mình, trang bị kiến thức để mình được an toàn hơn.
Ông Đặng Khánh Hưng: Lời cảnh tỉnh vẫn là người dùng cuối nên thực sự cẩn trọng với công nghệ mình sử dụng. Cá nhân tôi làm nghiên cứu nên luôn cố gắng tìm ra cái mới. Khi tìm ra cái mới, câu hỏi đầu tiên là: Cái này chưa có, liệu có làm được không. Tiếp đến, câu hỏi thứ hai là: Làm được rồi thì có làm được nhanh, mạnh, khỏe hay không. Cuối cùng mới là: có làm được nhanh, mạnh, khỏe và vừa an toàn hay không. Ngay cả những nơi nghiên cứu công nghệ mới, họ luôn để tâm trí đến việc bảo mật ở mức cuối cùng. Người dùng còn ít ý thức về điều đó hơn nữa.
Ví dụ, tài sản số rộ lên từ 2018-2019, rất nhiều vụ hack liên quan đến mất tài sản năm nào cũng xảy ra. Với góc nhìn của một người sản xuất, cung cấp dịch vụ, tôi cho rằng nên chú ý tập trung quan tâm nhiều hơn đến bảo mật, bảo an trên không gian mạng. Chúng ta phải đầu tư vào dù nó không mang lại dòng tiền ngay lập tức, nhưng chúng ta cần ý thức tính cấp bách, cần thiết của phát triển sản phẩm trong đó có yếu tố bảo mật, bản an.
Với người dùng cuối, khi sử dụng sản phẩm, chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến quyền riêng tư, bảo mật cá nhân. Việc khắc phục các lỗi trong an toàn thông tin cần nỗ lực truyền thông, nâng cao ý thức, hiểu biết của người dùng cuối, và cả nỗ lực từ các nhà phát triển, cần chú tâm nhiều hơn đến mã hóa, bảo mật thông tin.