world cup 2022

Messi, Mbappe và kỳ World Cup hay nhất lịch sử

Màn so tài kinh điển giữa Lionel Messi và Kylian Mbappe tại chung kết là một trong rất nhiều điểm cuốn hút ở World Cup 2022.

"World Cup 2022 hay nhất lịch sử", Chủ tịch FIFA Gianni Infantino nhận xét như vậy sau khi trận chung kết giữa Pháp và Argentina khép lại tối 18/12. Giữa trận đấu này, Google cũng nhận được lượng truy cập kỷ lục trong 25 năm công cụ tìm kiếm này tồn tại. Kỷ lục cũ được tạo ra chính tại vòng bảng và vòng 1/8 kỳ này.

Messi nâng World Cup đầu tiên trong sự nghiệp trên sân Lusail, Qatar tối 18/12. Ảnh: Reuters

Cao trào của World Cup 2022 chính là trận chung kết trên sân Lusail ngày 18/12, nơi Messi hoàn thiện sự nghiệp bóng đá với chiếc Cup vàng đầu tiên. Trước giải, Messi chưa từng ghi bàn ở vòng knock-out, rồi Argentina cũng bất ngờ thua ngược Saudi Arabia 1-2 ngay trận ra quân bảng C. Nhưng sau trận đấu đó, thủ quân Argentina trấn an người hâm mộ: "Các bạn hãy tiếp tục tin tưởng chúng tôi".

Messi không hề nói suông, bởi Argentina bất bại sáu trận còn lại tại giải, khi anh ghi trung bình một bàn mỗi trận. Khi đội nhà gặp khó trước Mexico ở lượt hai, siêu sao 35 tuổi toả sáng với cú sút xa mở tỷ số ở phút 64. Anh cũng ghi bàn đầu trong trận vòng 1/8 với cú sút qua rừng chân cầu thủ Australia, hay chọc khe kiến tạo không tưởng cho Nahuel Molina mở tỷ số ở tứ kết trước Hà Lan.

Ở sáu trong bảy trận tại giải, bàn đầu tiên của Argentina đều do Messi ghi hoặc kiến tạo. Trong trận chung kết, anh mở tỷ số từ phạt đền, góp công vào bàn của Angel di Maria, rồi đá bồi ghi bàn thứ ba cho đội nhà. Từ một cầu thủ bị cho là không có duyên với World Cup, Messi đã lập kỷ lục ghi dấu giày vào 21 bàn trong lịch sử giải.

Trước đó, lần gần nhất Argentina vô địch World Cup là năm 1986 với màn toả sáng của huyền thoại Diego Armando Maradona. Chức vô địch World Cup sau 36 năm giúp Messi có thể sánh ngang, thậm chí vượt qua bóng dáng của tiền bối quá cố.

7 bàn của Messi trên đường vô địch World Cup 2022
 
 
Bảy bàn thắng của Messi ở World Cup 2022.

Người hâm mộ đã kỳ vọng cuộc so tài giữa Messi và Cristiano Ronaldo tại chung kết mà không thành. Nhưng họ được an ủi khi Mbappe trưởng thành vượt bậc tại World Cup 2022, để nổi lên như kỳ phùng địch thủ với Messi.

Sau vòng bảng, Mbappe ghi ba bàn và dẫn đầu cuộc đua giành Giày Vàng World Cup. Tại vòng 1/8, Messi cân bằng thành tích đó, nhưng "số 10" Pháp đáp lễ ngay với cú đúp và một đường kiến tạo vào lưới Ba Lan. Tiền đạo 24 tuổi im tiếng ở tứ kết và bán kết, để Messi cân bằng thành tích ghi năm bàn trước khi hai người so tài ở chung kết.

Hai ngôi sao của PSG một lần nữa rượt đuổi bàn thắng với nhau tại chung kết. Họ đều hưởng đặc ân được phép đi bộ phần lớn thời gian, với Messi là 58% quãng đường đi bộ, còn với Mbappe là 52%. Nhưng một khi tăng tốc, cả hai đều gây ra sát thương cho đối thủ. Nếu như Messi có cú đúp, Mbappe lập hat-trick để trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn nhất lịch sử các trận chung kết World Cup.

Cú vô-lê thành bàn gỡ hoà 2-2 của Mbappe trước Argentina tại chung kết World Cup 2022 trên sân Lusail tối 18/12. Ảnh: AP

Khi Pháp không thể dứt điểm lần nào trong hiệp một và bị dẫn tới hai bàn, Mbappe mạnh dạn đứng dậy trong giờ giải lao và phát biểu truyền cảm hứng cho đồng đội. "Họ ghi hai bàn, thì chúng ta cũng có thể làm được", anh nói khi các đồng đội đều ngồi yên lắng nghe.

Mbappe đã làm tất cả nhưng Pháp thiếu một thủ môn bản lĩnh trước loạt đá luân lưu như Emiliano Martinez. Không hài lòng với vị trí Vua phá lưới khi đội bóng chỉ về nhì, Mbappe không nghỉ ngơi mà lao vào tập luyện ngay cùng PSG. World Cup 2022 có thể là bước ngoặt để anh chuyển từ cầu thủ giỏi thành vĩ đại.

Ở World Cup hay mọi giải đấu khác, chỉ một đội có thể vô địch và phần còn lại phải chịu thất bại. Trong khi Messi thoả ước nguyện cùng Argentina, giấc mơ của Cristiano Ronaldo vỡ vụn. Anh cần nỗ lực phi thường để có thể dự World Cup 2026 ở tuổi 41, nhưng nhiều khả năng thủ quân Bồ Đào Nha sẽ phải kết thúc sự nghiệp không trọn vẹn. So với những huyền thoại như Pele, Maradona hay cả Messi, Ronaldo là người duy nhất thiếu World Cup.

Năm 2022 khó có thể tồi tệ hơn với Ronaldo, khi anh mất con hồi tháng 4, rồi xung đột với chính CLB chủ quản Man Utd ở nửa cuối năm. Phong độ sa sút khiến anh mất suất đá chính ở CLB lẫn đội tuyển quốc gia. Lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, anh phải ngồi dự bị hai trận, nhường vị trí cho Goncalo Ramos.

Ronaldo bật khóc khi đi vào đường hầm sau trận thua Morocco ở World Cup cuối cùng của anh.

Ban đầu, mọi chuyện diễn ra suôn sẻ khi Ronaldo đá chính và lập công ở trận ra quân để thành cầu thủ đầu tiên ghi bàn ở năm kỳ World Cup. Nhưng đó là tất cả những gì anh làm được, nếu không tính pha đánh đầu hụt dẫn tới bàn thắng của Bruno Fernandes vào lưới Uruguay.

Cũng như Messi, Ronaldo bước tới Qatar mà chưa từng ghi bàn ở vòng knock-out World Cup. Nhưng trong trận vòng 1/8 lẫn tứ kết, anh đều phải dự bị do mất phong độ. Bồ Đào Nha từng được cho là đội bóng dễ thở nhất ở tứ kết, nhưng thua trắng Morocco 0-1 và lỡ cơ hội vào bán kết lần thứ ba trong lịch sử. Nếu như Messi đem được Cup vàng trở về, Ronaldo trắng tay rời Qatar, chỉ để lại trên sân những giọt nước mắt.

Chiến thắng trước Bồ Đào Nha cũng giúp Morocco thành đội bóng châu Phi và Arab đầu tiên vào bán kết World Cup. Với tuyến phòng ngự khối thấp và tầm trung, Walid Regragui tạo ra hàng thủ vững chắc nhất cho đến bán kết. Không có cầu thủ nào ghi bàn vào lưới Morocco trong năm trận đầu tiên, nếu bỏ qua pha phản lưới của trung vệ Nayef Aguerd. Dù thua Pháp ở bán kết và Croatia trong trận tranh giải ba, Morocco vẫn trở về nước như những người hùng.

Hơn một nửa đội hình Morocco là cầu thủ sinh trưởng ở nước ngoài, trong đó có Hakim Ziyech, Achraf Hakimi, Sofyan Amrabat, Sofiane Boufal, Noussair Mazraoui hay đội trưởng Romain Saiss. Chính sách thu hút nhân tài từ nước ngoài là chìa khoá thành công của Morocco kỳ này. Bởi trước đây, họ không nằm trong những đội có thành tích cao nhất ở châu Phi. Lần gần nhất Morocco vô địch châu Phi đã cách đây 46 năm, và 10 năm qua họ chưa đăng quang ở Arab Cup.

Thủ môn Yassine Bounou cũng sinh ra ở nước ngoài, nhưng lớn lên tại Morocco. Anh đã gây ấn tượng mạnh trong loạt đá luân lưu vòng 1/8 gặp Tây Ban Nha, với hai lần chặn cú sút của Carlos Soler và Sergio Busquets. Nhưng đó không phải màn trình diễn tốt nhất của một thủ môn tại vòng đấu này. Dominik Livakovic thậm chí chắn được ba cú sút luân lưu của cầu thủ Nhật Bản, để đưa Croatia vào tứ kết.

Bounou hay Livakovic chỉ là hai trong nhiều thủ môn gây ấn tượng tại World Cup 2022. Tại vòng bảng, Wojciech Szczesny gây ấn tượng khi đẩy ra hai quả phạt đền của Salem Al-Dawsari và Messi. Anh cũng là thủ môn cứu thua nhiều thứ hai tại giải, chỉ sau Livakovic một pha cản phá dù chơi ít hơn ba trận.

Livakovic cũng duy trì dấu ấn ở tứ kết khi Croatia đưa Brazil vào loạt đá luân lưu dù bị dẫn trước trong hiệp phụ. Ngay ở loạt sút đầu tiên, anh đã chặn đứng cú đá của Rodrygo và góp phần đưa Croatia vào bán kết.

Tuy nhiên, không phải Szczesny, Bounou hay Livakovic, Emiliano Martinez mới đoạt giải thưởng Găng Tay Vàng. Thủ môn Argentina chỉ đứng thứ 24 về số lần cứu thua tại giải, nhưng được vinh danh nhờ bản lĩnh ở thời khắc quan trọng. Ở tứ kết, Martinez chặn đứng hai cú sút luân lưu đầu của Virgil van Dijk và Steven Berghuis, giúp Argentina loại Hà Lan. Đến những phút cuối chung kết, anh dạng chân chắn cú sút căng trong thế đối mặt với Randal Kolo Muani. Rồi ở loạt đá luân lưu, thủ môn CLB Aston Villa chặn cú sút của Kingsley Coman rồi gây áp lực khiến Aurelien Tchouameni sút ra ngoài.

Martinez chắn cú sút của Kolo Muani trong trận chung kết World Cup 2022. Ảnh: EPA

Martinez hay Livakovic đều đã chặn đứng cơ hội đi tiếp của hai đại diện LĐBĐ châu Á, lần lượt là Australia và Nhật Bản ở vòng 1/8. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng gục ngã trước Brazil ở vòng knock-out đầu tiên. Tuy nhiên ngoài chủ nhà, các đội châu Á vẫn có thể ngẩng cao đầu rời giải do đã tạo ra lịch sử và những cơn địa chấn.

Google có thể phá kỷ lục lượng truy cập ngay từ vòng bảng World Cup 2022, nhờ vào những chiến thắng ngược với cùng tỷ số 2-1 của các đại diện châu Á. Bắt đầu từ hôm 22/11 trên sân Lusail chật kín khán giả, Saudi Arabia chỉ dứt điểm ba lần nhưng quật ngã Argentina nhờ tuyệt phẩm của Saleh Al Shehri và Al Dawsari.

Một ngày sau, Đức cũng dẫn trước Nhật Bản rồi phung phí hàng loạt cơ hội và phải trả giá ở hiệp hai. Ritsu Doan và Takuma Asano lần lượt ghi bàn giúp Nhật Bản lần đầu thắng Đức. Ở lượt cuối, Doan và Ao Tanaka ghi liền hai bàn trong ba phút giúp Nhật Bản hạ Tây Ban Nha 2-1 để đứng đầu bảng E - bảng được coi là "tử thần".

Australia cũng hoà chung niềm vui châu Á khi thắng Tunisia rồi đến Đan Mạch với cùng tỷ số 1-0, để theo chân Pháp vào vòng 1/8. Ở trận cuối vòng bảng, đến lượt Hàn Quốc tạo ra địa chấn khi đả bại Bồ Đào Nha với bàn thắng của Hwang Hee-chan ở phút bù hiệp hai. Trước lượt trận đó, cơ hội đi tiếp của Hàn Quốc bị cho là thấp nhất, và thậm chí họ bị dẫn từ sớm. Những kết quả trên giúp châu Á lần đầu có ba đại diện ở vòng 1/8 World Cup, dù họ chỉ đi xa được đến thế.

Sau cùng, Qatar 2022 cũng khép lại. Nhưng dư vị của nó còn kéo dài, dù được mở ra bằng rất nhiều tranh cãi. Người hâm mộ sẽ chờ đợi bốn năm nữa với rất nhiều hứa hẹn khi giải đấu lần đầu được tổ chức ở ba quốc gia (Canada - Mỹ - Mexico) cùng số đội tuyển tham dự tăng lên kỷ lục: 48. Lúc đó Mbappe đang trong độ chín sự nghiệp ở tuổi 28, còn Messi rất có thể vẫn "tiếp tục thi đấu với tư cách nhà vô địch thế giới" - như anh tuyên bố sau trận chung kết ở Lusail.

10 bàn đẹp nhất World Cup 2022
 
 
10 bàn thắng đẹp nhất World Cup 2022.

Xuân Bình