"Thời tiết cuối tuần này tại Hockenheim được dự báo rất nóng", lãnh đội Mercedes - ông Toto Wolff - nói. "Chúng tôi từng thua trong thời tiết tương tự ở Grand Prix Áo, nên toàn đội sẽ cẩn trọng tối đa. Giống như ở trường đua Red Bull Ring, Hockenheim khá ngắn và khoảng cách giữa các đội sẽ không lớn".
Hockenheim năm nay được dự báo mưa suốt hai ngày cuối tuần. Nhưng, có không ít chặng đua mùa này được dự báo tương tự, nhưng thực tế trời lại khô ráo. Nhiệt độ ngày đua thử (thứ sáu) được dự báo có thể lên tới 39 độ C. Đây một lần nữa là thử thách cho Mercedes - đội từng mất hai vị trí đầu ở Grand Prix Áo vì cái nắng 35 độ C. Nhiệt độ hai ngày cuối tuần này tại Hockenheim, theo BBC, là 30 độ C (thứ bảy), 23 độ C (chủ nhật) và có mưa. Nhưng nếu không mưa, nhiệt độ sẽ được đẩy lên cao hơn.
Grand Prix Áo lần đầu chứng kiến hai tay đua của Mercedes không góp mặt trong top đầu. Max Verstappen (Red Bull) cho thấy đội đua có giấy phép hoạt động tại Đức không phải bất bại. Red Bull nổi lên thành đối trọng của Mercedes kể từ Grand Prix Anh, nhất là khi Pierre Gasly tìm lại phong độ. Dù chưa lật đổ được Mercedes ở Silverstone, đội đua nước Áo được kỳ vọng gây bất ngờ tại Hockenheim.
"Chúng tôi đã thay đổi chiếc RB15 trong vài tuần qua và gặt hái những kết quả khả quan. Toàn đội đã thích nghi được với những thay đổi về khung xe và cánh gió trước. Thành tích của Verstappen và Gasly ngày càng được cải thiện", Motorsport dẫn lời lãnh đội Red Bull - ông Christian Horner.
Red Bull tiến bộ, nhưng Mercedes cũng không ngừng học hỏi. Hệ thống khung xe mới của Mercedes vừa được cấp phép sử dụng cuối tuần trước. Họ đã nghiên cứu công nghệ này trong vài tháng qua, để giải quyết tình trạng chiếc W10 hoạt động kém hiệu quả dưới trời nắng nóng. Chưa rõ Mercedes có sử dụng khung mới ngay tại Hockenheim hay không, nhưng họ đã và đang chuẩn bị tích cực cho mùa 2020. "Mercedes sắp trình làng những cải tiến mới và chúng tôi đều hiểu rõ chiếc W10", Hamilton nói.
Năm ngoái tại trường đua Hockenheim, Lewis Hamilton sớm gặp vấn đề ở Turn 1, tại vòng phân hạng. Trợ lái bị hỏng trước khi vào cua, khiến chiếc W09 nảy tưng tưng trên lề lát đá. Sai lầm khiến W09 bị hỏng nhẹ, lỗi hệ thống thủy lực. Ở chặng đua chính, tay đua người Anh xuất phát ở vị trí 14, trong khi Sebastian Vettel dẫn đầu trong phần lớn chặng. Nhưng, tay đua người Đức gặp nạn ở Turn 12, vòng 52 và đâm vào lề đường. Sai lầm của đối thủ giúp Hamilton thắng chặng, tạo bước ngoặt cho cuộc đua vô địch.
Mercedes thắng cả hai chặng đua gần đây ở Hockenheim. W10 không phải chiếc xe nhanh nhất, nhưng cân bằng hơn cả về lực ép xuống (downforce) và chống trượt (traction). Hockenheim - với không nhiều đoạn tốc độ cao - chủ yếu ở tốc độ trung bình và đó là ưu thế lớn cho W10.
Sự vươn lên của Red Bull khiến phần nào khiến Ferrari bị lãng quên trước thềm GP Đức. Đội đua đến từ Italy cũng kín tiếng. "Chúng tôi muốn bù đắp sai lầm tại Hockenheim năm ngoái. Ngoài ra, sự chuẩn bị không có gì đặc biệt", Vettel tiết lộ. Charles Leclerc tỏ ra cởi mở hơn: "Tôi tiến bộ hơn ở vòng phân hạng vài tuần qua, nhưng vấn đề là giữ phong độ đó ở chặng đua chính".
Lãnh đội Ferrari - ông Mattia Binotto - cũng tiết lộ đội sẽ không có thay đổi gì với chiếc SF90. "Ferrari sẽ không áp dụng cải tiến mới tại Hockenheim. Nhưng, dữ liệu từ Silverstone sẽ giúp chúng tôi hiểu thêm về SF90", ông nói.
SF90 được đánh giá cao về tốc độ trên đường thẳng. Tại Hockenheim, đoạn trước Turn 6 sẽ là cơ hội để Vettel và Leclerc thể hiện khả năng vượt mặt. "Góc cua thú vị nhất tại Hockenheim là Turn 6. Các tay đua có cơ hội vượt mặt khi bước vào góc có hình dạng như chiếc kẹp tăm. Người dẫn trước cùng cần thể hiện khả năng phòng thủ và tăng tốc sau khi ra khỏi góc cua" chuyên gia F1 David Tsurusaki nói.
Hockenheim gồm 67 vòng, chiều dài mỗi vòng là 4,574 km, với 17 góc cua. Sau đoạn đường xuất phát khá ngắn, các tay đua bước vào góc cua (Turn) tốc độ rất cao. Lề đường được lát đá giúp họ có thể giữ nguyên tốc độ khi bẻ lái, không ảnh hưởng đến đoạn đường thẳng tiếp theo. Sau Turn 2 và 3 khá phức tạp, các tay đua bước vào khu vực (sector) tiếp theo.
Đó cũng là thời điểm đoàn đua đến khu kích hoạt hệ thống giảm sức cản (DRS). Bằng cách mở cánh gió sau để tăng tốc độ, những chiếc xe có thể nhấn hết ga và có cơ hội vượt mặt. GP Đức năm nay chỉ còn hai khu DRS, thay vì ba khu như năm ngoái. Điều này hạn chế số lần vượt mặt ở chặng đua.
Sau Turn 6, đoàn tiếp tục bước vào đường tốc độ cao. Turn 9 và 10 sẽ là thử thách cho hệ thống khí động học của những chiếc xe. Bởi chúng phải đổi hướng liên tục ở tốc độ thường. Các tay đua sẽ cần lực ép xuống (downforce) khổng lồ. Sau đường thẳng Turn 11, các tay đua bước vào khu vực 3. Thử thách tiếp theo cho đoàn đua là Turn 13 - còn có tên là khúc cua Sachs - ở góc 180 độ và tốc độ thường. Ở Turn 17 khá rộng, các tay đua bước vào khu DRS thứ hai trước khi cán đích.
Lịch đấu GP Đức
(giờ Hà Nội)
Đua thử 1 (FP1): 16h ngày 26/7
Đua thử 2 (FP2): 20h ngày 26/7
Đua thử 3 (FP3): 17h ngày 27/7
Phân hạng (Q1, Q2, Q3): 20h ngày 27/7
Vòng chính (Race): 20h10 ngày 28/7
Xuân Bình tổng hợp