Tôi mua một sản phẩm bảo hiểm và nhận về bộ hợp đồng gồm nhiều tài liệu, dày 70-80 trang. Hợp đồng dài gồm nhiều điều khoản, giải thích chi tiết mang đến cho người mua bảo hiểm như tôi lợi ích gì?
Ngoài ra, để tránh các rủi ro trong quá trình ký kết hợp đồng, tôi cần lưu ý điều gì thưa luật sư.
Ngô Bích Ngọc (50 tuổi, Thanh Hóa)
Trả lời
Bộ hợp đồng bảo hiểm gồm nhiều phần và nhiều loại tài liệu khác nhau như: Đơn yêu cầu bảo hiểm; Giấy xác nhận bảo hiểm; Bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm; Quy tắc và Điều khoản của sản phẩm bảo hiểm...
Bộ hợp đồng dài, chi tiết bởi nhiều nguyên nhân, trong đó, có 3 nguyên nhân chính.
Đầu tiên, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một loại hợp đồng dân sự đặc biệt. So với những hợp đồng thông thường có hai bên tham gia ký kết, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường có ba bên, bổ sung thêm một chủ thể là người thụ hưởng. Số lượng các bên nhiều hơn và việc tiên liệu, xử lý các vấn đề trong tương lai đối với ba chủ thể này cần phải có thêm những quy định riêng biệt là nguyên nhân khiến hợp đồng bảo hiểm dài hơn bảo hiểm dân sự thông thường.
Ngoài ra, bộ hợp đồng dài và phức tạp còn bởi cần có những quy định rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ của từng bên và những trường hợp nào được bảo hiểm, những trường hợp nào thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm. Nếu các đơn vị bảo hiểm đều đưa ra một hợp đồng rút ngắn chỉ còn 3-4 trang (như cách đây hơn 300 năm), có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chính người mua hoặc người thụ hưởng khi xảy ra sự kiện bảo hiểm và phát sinh tranh chấp.
Với lịch sử ra đời, hình thành và phát triển hơn 300 năm, bộ hợp đồng bảo hiểm phải đáp ứng chuẩn mực của các tập đoàn bảo hiểm và có sự thống nhất ở tất cả các thị trường trên toàn cầu. Trước khi triển khai bất kỳ một sản phẩm hay hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nào tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng sẽ đều được Bộ Tài chính thẩm định và yêu cầu chỉnh sửa để phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Đứng dưới góc độ của người mua, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng, mọi người cần đọc kỹ các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của mình cùng với các trường hợp loại trừ. Ngoài ra, theo quy định ở Điều 20 và Điều 21 của Luật Kinh doanh bảo hiểm mới, người mua bảo hiểm hoàn toàn có quyền yêu cầu nhà bảo hiểm giải thích rõ ràng và chi tiết về nội dung hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời, đơn vị bảo hiểm cũng có nghĩa vụ phải thực hiện yêu cầu này của người mua.
Người mua nên yêu cầu đại lý bảo hiểm tư vấn đầy đủ, rõ ràng về các điều khoản trong các văn bản thuộc bộ hợp đồng bảo hiểm. Nếu chưa thỏa mãn, người mua bảo hiểm có thể liên hệ với tổng đài hoặc tới trực tiếp đơn vị bảo hiểm để yêu cầu tư vấn cho tới khi mọi thắc mắc đều sáng rõ.
Luật sư Đặng Việt Anh
Giám đốc điều hành Công ty Luật ANHISA
Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam