Cô cùng ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông; nhà sáng tạo nội dung số Dino Vũ và Hoa hậu Lương Thùy Linh đã có buổi chia sẻ với các bạn trẻ về cách phòng tránh tin giả, nâng cao ý thức người dùng mạng Việt Nam trong sự kiện Ngày hội Tinternet, thuộc chiến dịch Tin, ngày 23/11 tại Hà Nội.
Nữ diễn viên phân tích cách để xây dựng văn hóa mạng văn minh, đúng đắn hơn, trong đó, mỗi người cần "thấu cảm" để khi đứng trước nhiều thông tin tốt xấu, có thể dừng lại một chút và hiểu vì sao có những hiểu lầm đó. Khi giao tiếp trên mạng xã hội, sự thấu cảm và lòng trắc ẩn là điều rất quan trọng, đặc biệt là khi không nhìn thấy nhau, mọi người dễ buông lời tổn thương nhau hơn.
"Nếu có thể dừng lại chỉ một vài giây và hiểu hơn cho hoàn cảnh của nhau, chúng ta sẽ đối xử với nhau nhẹ nhàng hơn", cô nói thêm.
Thứ hai, Nguyễn Lâm Thảo Tâm nhấn mạnh người dùng mạng cần tính "kỷ luật" trong mọi vấn đề. Theo nữ MC gen Z, trong việc trao đổi thông tin, mọi người cần phải có một số nguyên tắc không thể bỏ qua, ví dụ như không thể tin vào nguồn tin thiếu kiểm chứng và lan truyền đến một cộng đồng. Người dùng cần luôn nhớ đến kiểm tra tính xác thực như một bước kỷ luật cần phải có.
Cuối cùng, cô cho rằng mỗi người cần học cách chấp nhận. "Đôi khi, chúng ta sẽ gặp môi trường không hoàn hảo, tình huống không như ý, không kiểm soát được. Do đó, sự chấp nhận là điều chúng ta cần để bình tâm, suy nghĩ kỹ lưỡng để tìm cách giải quyết vấn đề", Thảo Tâm nói thêm.
Ông Lê Quang Tự Do cũng khuyên các bạn trẻ không nên tin ngay, phải kiểm tra hai lần với tất cả thông tin trên mạng. "Chúng ta phải xem thông tin có uy tín, đáng tin hay không", ông nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nhà sáng tạo nội dung Dino Vũ chia sẻ, không chỉ người trẻ, người già cũng là đối tượng dễ bị tác động bởi tin giả. Anh đã hướng dẫn cách mẹ "lọc" tin giả và gửi lại thông tin, luyện cho bà tư duy phản biện, biết thông tin đến từ đâu, ai là người nói ra, trang báo y học hay không, người đó có phải bác sĩ thật hay không...
"Những câu hỏi mình trang bị cho mẹ ngày càng nhiều hơn. Từ đó, mẹ tôi bắt đầu nắm được cách tra thông tin trên Google, kiểm tra thông tin chuẩn mực...", Dino nói.
Bên cạnh sự cảnh giác của người dùng, các diễn giả cũng khẳng định, để xây dựng không gian mạng văn minh, nhà sáng tạo nội dung số cần có trách nhiệm trong việc đưa thông tin đến khán giả, người theo dõi mình.
Dino Vũ nhận định, mỗi nhà sáng tạo nội dung đều có thể trở thành nguồn tin như một "tờ báo mini" khi có khả năng lan truyền rộng với sức ảnh hưởng của mình. Khi đó, những người làm nội dung số cần có kỷ luật trong mỗi thông tin đưa ra, phải có nguồn gốc rõ ràng, tương tự như kỹ năng trích dẫn khi làm bài luận tại trường đại học.
Theo anh, mỗi trích dẫn đều cần đảm bảo tính chính xác. Trên mạng xã hội, người dùng có thể dễ dàng lan truyền thông tin không kiểm chứng chỉ với một nút "share". Vì vậy, trong quá trình làm tin, Dino cũng như nhiều người có sức ảnh hưởng khác phải luôn có trích dẫn chính xác, uy tín để độc giả biết thông tin đó đến từ đâu, mức độ chính xác ra sao...
Diễn viên Nguyễn Lâm Thảo Tâm cũng cho biết cô vừa trải qua 5 năm ở đại học và từng dành hàng tuần để làm trang trích dẫn cho một bài luận 3.000 từ. Một nhà sáng tạo nội dung cần có kỷ luật và trách nhiệm với những gì mình viết và nói "Dù bạn là ai, là người được lắng nghe nhiều, hay là sinh viên đại học thì đều cần có kỷ luật trong việc viết và truyền tải thông tin", cô khẳng định.
Với vai trò Đại sứ chương trình, Hoa hậu Lương Thùy Linh cũng có nhiều chia sẻ hữu ích cho các bạn trẻ quan tâm đến truyền thông, cũng như các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Cô cho rằng, người nổi tiếng phải chấp nhận sự chú ý, quan tâm mọi người, đồng thời, là nạn nhân hàng đầu cho nạn tin giả.
Do đó, nàng hậu luôn xử lý bằng cách cố gắng bình tĩnh nhất có thể và dựa vào những người ủng hộ chân thành, cụ thể là ekip tin cậy của mình. Cô xác định tin giả đó sức ảnh hưởng ra sao, việc nhỏ có thể bỏ qua nhưng nếu quá lớn, Thùy Linh và ekip sẽ đưa ra cách xử lý minh bạch, rõ ràng và tránh đôi co.
Tinternet là sự kiện thuộc khuôn khổ chiến dịch Tin, dự án nhằm nâng cao ý thức người dùng mạng Việt Nam do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) phối hợp cùng báo VnExpress phát động. Sự kiện có sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng, nhà sáng tạo nội dung và hàng trăm bạn trẻ để cùng trao đổi về các chủ đề xoay quanh tin giả.
Sau gần hai tháng, từ ngày 2/10 đến 23/11, ban tổ chức đã thực hiện thành công cuộc thi "Anti Fake News". Nhiều bạn trẻ đã hưởng ứng cuộc thi bằng cách nhảy, xây dựng tình huống... để lan tỏa thông điệp chống tin giả trên TikTok. Trong thời gian diễn ra cuộc thi, hashtag #AntiFakeNews trên nền tảng này đã thu hút hơn 5,7 tỷ lượt xem.
Nhật Lệ