"Cơ hội duy nhất để chúng ta vượt mặt Mercedes đây rồi. Và tôi sẽ không ngồi yên như bà tôi đâu", Verstappen nói qua bộ đàm. Tình huống đó xuất hiện ở vòng 12, chặng đua kỷ niệm 70 năm F1. Red Bull đề nghị Verstappen giữ lốp, an phận phía sau hai chiếc Mercedes. Tay đua 22 tuổi làm trái ý đội nhà, gây áp lực cho Valtteri Bottas và Lewis Hamilton từ phía sau. Phần còn lại là lịch sử.
Cú vượt Bottas ở Turn 6 vòng 27 giúp Verstappen trở thành tay đua đầu tiên mùa này vượt mặt một chiếc W11 đủ bốn lốp của Mercedes. Chỉ thống kê đó là đủ để thấy sự vượt trội của Mercedes mùa này, chưa kể chiếc W11 thường nhanh hơn RB16 tới một giây ở các vòng phân hạng.
Quyết định bạo dạn của Verstappen mở ra cơ hội chiến thắng cho Red Bull. Đến vòng 30, các kỹ sư Red Bull đặt trọn niềm tin vào tài năng trẻ của Hà Lan. "Không cần giữ lốp nữa. Trút hết tốc lực đi chàng trai, tất nhiên đừng vượt quá giới hạn chịu đựng của lốp", một kỹ sư nói với Verstappen. Anh đáp: "Tức là chúng ta chơi tới bến luôn đúng không?".
Red Bull và Verstappen đánh liều và được đền đáp bằng chiến thắng đầu tiên trong mùa giải. "Ơn Chúa vì Verstappen", bình luận viên lão làng Martin Brundle nói trên đài Sky Sports. Chiến thắng của Verstappen không chỉ chặn đứng chuỗi bốn chiến thắng của Mercedes từ đầu mùa, mà còn loại trừ khả năng Mercedes toàn thắng mùa này. Không cần đến mưa, chẳng cần xe an toàn xuất hiện, Verstappen vẫn thắng nhờ bản lĩnh, chiến thuật và chiếc RB16 trơn tru.
Có những thời điểm gay cấn trong cuộc đua, Verstappen gắt lên với đội nhà qua bộ đàm. Anh thậm chí còn chửi thề, rồi nói: "Tôi đang tập trung. Đừng có chỉ dẫn".
Verstappen thừa hưởng sự bất khuất và nóng tính từ bố. Ngày 15/3/2015, khi đèn đỏ vụt tắt đánh dấu màn xuất phát ở đường đua Melbourne, Verstappen đi vào lịch sử. Ở tuổi 17 và 166 ngày, tay đua Hà Lan là người trẻ nhất xuất phát một chặng đua F1, phá kỷ lục cũ tới gần hai năm. Trong cuộc phỏng vấn sau chặng, khi được hỏi liệu có run sợ, Verstappen đáp: "Không có điều gì ở F1 làm tôi sợ hãi. Vì chẳng ai nghiêm khắc với tôi như bố tôi".
Ông Jos Verstappen - bố của Max - cũng là tay đua từng xuất phát ở 106 chặng F1, hai lần lên podium. Jos được đồng nghiệp đặt biệt danh là "Jos the boss", vì cá tính nóng nảy và không biết sợ ai. Ông mua cho Max chiếc xe kart - một loại ô tô đua cỡ nhỏ - từ khi cậu bé lên bốn tuổi. Jos đặt trọn niềm tin vào con trai đầu lòng, coi nó là di sản của ông ở F1.
Các tay đua F1 trưởng thành từ những giải karting, và Max cũng vậy. Không bất ngờ khi Max luôn áp đảo đối thủ. Trong ba năm đầu thi đấu, cậu bé thắng 59 trên 60 chặng đua. Chặng duy nhất Max không thắng là vì chiếc xe của cậu bị hỏng.
Lớn hơn một chút, Max thường xuyên thi đấu ở những giải karting hàng đầu thế giới. Cậu từng đua karting với nhiều tay lái F1 hiện tại, như Esteban Ocon, Alexander Albon, Pierre Gasly, Nicholas Latifi hay Charles Leclerc. Mức độ cạnh tranh đẩy lên đỉnh và Max không còn áp đảo như trước. Tại Cup Karting Thế giới 2012 ở Sarno, Italy, Max phô diễn tốc độ tuyệt vời và giành pole ở vòng phân hạng. Tại chung kết, cậu đánh mất vị trí dẫn đầu sau khi xuất phát dưới trời mưa. Đến vòng thứ hai, chàng trai 15 tuổi đánh liều vượt mặt đối thủ để đòi lại vị trí, nhưng mắc sai lầm dẫn tới va chạm. Chiếc xe của Max bị hỏng, và cậu phải bỏ cuộc.
Trong hoàn cảnh đó, phần lớn ông bố sẽ đến bên động viên, an ủi và ôm lấy con trai. Nhưng Jos thì không. "Tôi quá thất vọng với thằng bé. Tôi đi thẳng ra bãi đỗ xe, chuẩn bị đồ đạc để trở về. Max khóc như một đứa trẻ con. Nó thất vọng lắm. Nó nói: 'Bố ơi, chúng ta phải trở lại trường đua để mang xe của con về. Đó là cuộc đua cuối cùng trong ngày rồi'. Tôi đáp: 'Bố không đi cùng con. Con tự đi mà lấy'".
Max phải nhờ người giúp mang chiếc xe về. Trên đường về nhà, cậu cố gắng bắt chuyện với bố, nhưng Jos chỉ im lặng. "Đừng nói gì với bố. Bố rất thất vọng với cách con đua. Làm ơn đừng nói gì", ông nói.
"Bố tôi đã làm việc vất vả để giúp tôi tham dự cuộc đua, còn tôi đổ công lao của bố xuống bể", Max kể lại với Telegraph. "Trên đường về, khi cách nhà khoảng tám kilomet, chúng tôi bắt đầu tranh cãi. Bố tôi dừng xe ở một trạm xăng, đá tôi ra khỏi xe. Bố nói tôi phải tự về. Cuối cùng tôi phải gọi mẹ đón, còn bố không nói chuyện với tôi suốt một tuần".
Còn nhiều giai thoại về sự nghiêm khắc của Jos với Max, gồm cả việc Jos đấm vào ngực con trai sau khi cậu bé thất bại ở một cuộc đua. Ông cũng từng bị mẹ của Max - bà Sophie Kumpen - kiện vì tội hành hung và quấy rối sau khi hai người li dị. Năm 1998, Jos và ông nội của Max cũng bị kết án năm năm tù treo vì tội hành hung người khác ở một cuộc đua karting, khiến người này chấn thương sọ não.
Khi gia nhập làng F1, Max đã tỏ ra bất khuất. Đồng nghiệp gọi anh là 'Mad Max' (Max Điên), ám chỉ phong cách thi đấu mạo hiểm. Tại Monaco năm 2015, Max đâm vào chiếc Lotus của Romain Grosjean ở tốc độ cao. Biệt danh 'Mad Max' bắt đầu xuất hiện kể từ đó. Một năm sau ở Bỉ, Max tiếp tục va chạm với Kimi Raikkonen và đẩy ba chiếc xe khác ra khỏi đường đua. "Max rồi sẽ tạo ra tai nạn thảm khốc ở F1", Raikkonen nói khi đó.
Max "điên" đến đỉnh điểm ở mùa 2018, khi anh liên quan tới va chạm ở cả sáu chặng đua đầu tiên. Lãnh đội Red Bull - Christian Horner - phải đăng đàn nói: "Max phải dừng mắc sai lầm đi, và học hỏi từ đồng đội Daniel Ricciardo. Còn cố vấn Red Bull - Helmut Marko - cũng chê Max quá thiếu kiên nhẫn.
Đến nay Max vẫn liều lĩnh, vẫn bất khuất. Nếu mạo hiểm và thành công, anh trở thành người hùng. Còn khi thất bại, anh bị chỉ trích nặng nề. Max hiểu điều đó. Với tài năng và kinh nghiệm ngày càng được trau dồi, thành công đến với Max nhiều hơn. Vị trí thứ ba mùa trước, và vị trí thứ hai hiện tại là minh chứng cho điều đó. Vượt qua Mercedes chưa bao giờ khó như năm nay.
Có thể coi Max là một trong những tay đua bị ghét nhất ở F1 hiện tại, bởi sự nóng tính và đôi khi thô lỗ. Nhưng, anh cũng đang là phao cứu sinh duy nhất cho sự hấp dẫn giải đua tốc độ nhất hành tinh.
Xuân Bình tổng hợp