Bóng đá Đông Nam Á qua lượt trận đầu tiên của cả hai bảng cho thấy chẳng có gì thay đổi sau gần hai năm không thi đấu. Vẫn là một nhóm các đội bóng yếu tìm cách tránh để thua quá đậm trước top 5 đội bóng dẫn đầu. Các trận đấu giữa hai nhóm này thường diễn ra theo thế trận một chiều ngay từ đầu và vì thế sẽ chẳng có quá nhiều điều để nói về chiến thuật hay sức mạnh của đội bóng giành chiến thắng. Hai trận đấu của Thái Lan – Đông Timor và Việt Nam – Lào là điển hình.
Câu chuyện chủ yếu nằm ở số lượng bàn thắng - bàn thua. Điều này khác với những trận đấu mà hai bên đều muốn tấn công đối phương để tìm ba điểm, như trận Singapore - Myanmar và Campuchia – Malaysia. Sẽ có nhiều điều để phân tích hơn ví dụ như trong trường hợp Campuchia cầm bóng lên đến 60% mà vẫn để thua Malaysia 1-3, hoặc tại sao Myanmar lại để cho Singapore tung ra đến 10 cú sút đưa bóng đi đúng hướng trong trận cầu mà họ vẫn có thời lượng kiểm soát bóng ngang với đội chủ nhà.
Lào cũng tung ra được ba cú sút và ít nhất là một tình huống nguy hiểm trước khung thành thủ môn Nguyên Mạnh. Nhưng thực tế là ngay từ đầu, họ không nghĩ quá nhiều đến chiến thắng. Ngay trong hiệp một, thủ môn Lào cứ mỗi khi bắt được quả bóng,xong lại nằm thật lâu trên sân cho dù khi đó đội nhà đã bị dẫn trước. Anh cố tình câu giờ như vậy là để giảm nhịp tấn công của Việt Nam, tránh phải nhận bàn thua thêm. Thế nên, nếu đánh giá về khía cạnh chuyên môn, với việc chỉ để thủng lưới hai bàn, Lào đã có một trận đấu... thành công khi thực thi đúng đấu pháp để đạt mục tiêu đề ra. Đá với một đối thủ như vậy, chẳng bao giờ là điều dễ dàng, và thông thường, cũng chẳng có nhiều bài học để được rút ra.
Ở chiều ngược lại, hoàn toàn có thể xem đây là trận đấu "làm nóng" của nhà vô địch AFF Cup 2018. Mục tiêu ba điểm đạt được, những cầu thủ cần bàn thắng để giải tỏa tâm lý vốn căng cứng suốt thời gian qua như trường hợp của Phan Văn Đức, cũng đã tìm thấy được ánh sáng phong độ. HLV Park Hang-seo còn quỹ thời gian đến sáu ngày cho trận cầu kế tiếp. Nghĩa là, những gì Việt Nam cần, đều đã đạt được. Câu hỏi quan trọng nhất đối với đội tuyển sau trận thắng Lào, đó là: Liệu đó có phải là tất cả những gì HLV Park cần hay chưa? Điều ông muốn, mà không đạt được sau trận ra quân, là gì?
Cái thiếu rõ ràng nhất, chính là số lượng bàn thắng. Đá nhàn nhã, giữ chân là một chuyện, ghi nhiều bàn là một chuyện khác. Hai bàn của Việt Nam được thực hiện ở tình huống không dễ. Bàn đầu tiên là pha lao chân đệm bóng cận thành của Công Phượng. Có thời gian quan sát, có không gian di chuyển và không bị tác động gì cả nhưng pha tiếp bóng của Công Phượng có cái gì đó không thực sự chủ động. Đấy có thể là vấn đề cảm giác bóng trước khung thành, điều mà đa số cầu thủ Việt Nam đều không thể có sau suốt một thời gian dài đã quen với việc phải ở rất xa cầu môn đối phương. Trường hợp sút bóng cận thành nhưng chệch cột của Tấn Tài, hay pha đá phạt đền khá lộ của Văn Thanh có thể cũng mang vấn đề tương tự. Riêng Tiến Linh, anh ngày càng mang cảm giác xa lạ với khu vực vùng cấm địa. Những gì đáng chú ý nhất của mũi nhọn hàng công này chủ yếu là nằm bên ngoài vùng cấm.
Ngay cả bàn thứ hai, với cú đánh đầu rất gọn gàng của Phan Văn Đức, cũng cần thấy rằng hàng phòng ngự của Lào đã chơi dở dù cú tạt của Tấn Tài không quá bất ngờ. Cả hai bàn của Việt Nam đều xuất phát từ một đường chuyền tầm xa, bóng được rót ra sau lưng hàng phòng ngự đối phương. Đó có thể là một miếng đánh được lên kế hoạch nhằm đối phó với sự chủ động phòng ngự số đông của đối phương. Nhưng vấn đề là sau đó, không có gì khác đến từ hàng tấn công kể cả khi HLV Park cố tình đưa Quang Hải, Văn Toàn vào sân để triển khai bóng ở khu vực đối diện cầu môn Lào. Chỉ có năm pha sút bóng đi đúng hướng trong trận cầu chỉ đá ở nửa sân đối thủ. Rõ ràng đó là con số không thuyết phục.
HLV Park giấu bài, hay thực sự Việt Nam chưa tập đủ bài vở cho mặt trận AFF Cup sau khi phải "hạ độ cao" từ vòng loại World Cup 2022? Đó là câu hỏi khá thú vị không chỉ với người hâm mộ Việt Nam mà ngay cả với các đối thủ cùng bảng B.Sau một trận đấu như với Lào, rất khó đưa ra nhận định chính xác. Nhưng có một thực tế cần nhìn nhận, bỏ qua khía cạnh về chiến thuật, thì từng vị trí trên sân của Việt Nam đều không có dấu hiệu nổi trội đặc biệt nào. Ổn định và đúng kỳ vọng nhất vẫn là Hoàng Đức. Làm tròn nhiệm vụ nhất là trường hợp của Phan Văn Đức, nhưng đây cũng chỉ là sự hài lòng đối với cá nhân anh chứ không phải là một Phan Văn Đức từng được chờ đợi. Đội tuyển đến AFF Cup với những gương mặt không mới, và bản thân họ cũng không có những tiến bộ đáng kể nào, thì đó thật sự là một điểm yếu có thể sẽ được những đối thủ xứng tầm như Malaysia và Indonesia tập trung khai thác.
Song Việt