Ngày 22/7/2022, 11 quốc gia Đông Nam Á đồng ý bỏ miễn phí và chuyển sang thương mại hoá bản quyền, bắt đầu từ SEA Games 32 tại Campuchia. Hội đồng Liên đoàn Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEAGF) coi đây là đột phá nhằm giảm gánh nặng chi phí tổ chức cho chủ nhà, đồng thời tăng doanh thu và phát triển thương mại.
Nhưng ngày 31/3 năm nay, Ban tổ chức SEA Games 32 Campuchia (CAMSOC) tuyên bố tiếp tục miễn phí bản quyền phát sóng SEA Games 32 và Para Games 12.
"Một quyết định tồi tệ", Chủ tịch PCM Datuk Zaharuddin nói với New Straits Times. "SEA Games nên được thương mại hoá thay vì trở lại vạch xuất phát".
Trước khi có quyết định miễn phí từ Campuchia, PCM là đơn vị nắm giữ bản quyền SEA Games 32, giúp Malaysia là một trong bốn quốc gia mua bản quyền cùng Việt Nam, Singapore và Indonesia. PCM hoàn tất thoả thuận với bốn đài truyền hình, ba nhà cung cấp dịch vụ internet và bốn công ty viễn thông về việc bán lại bản quyền, nhưng phải thay đổi.
"Chúng tôi rất buồn và thất vọng", ông Zaharuddin nói. "Kế hoạch ban đầu là dùng số tiền thu lại từ bán lại bản quyền để phát triển cơ sở vật chất và hoạt động".
Việc Campuchia miễn phí bản quyền SEA Games 32 đi ngược lại quan điểm của SEAGF về tăng doanh thu và cải thiện chất lượng đại hội khu vực. Theo Khmer Times, chính phủ Campuchia có tác động quyết định trong vấn đề này và CAMSOC không thể can thiệp. Tham vọng bán bản quyền vì vậy phải chờ đến SEA Games 33 tại Thái Lan mới có thể triển khai.
Không chỉ miễn phí bản quyền truyền hình, SEA Games 32 còn nhiều điểm đặc biệt khác. Campuchia không bán vé vào xem toàn bộ môn thi đấu của SEA Games. Họ cũng là nước chủ nhà đầu tiên miễn phí ăn, ở, di chuyển trong nước cho toàn bộ đoàn thể thao dự Đại hội. Đoàn thể thao Việt Nam có thể tiết kiệm được khoảng 12 tỷ đồng. Ngoài ra, đây là kỳ đại hội có nhiều nội dung thi đấu nhất lịch sử với 608 từ 37 môn.
Trung Thu