Tổng chi phí cơ bản để sản xuất một mẫu xe đua F1 khoảng 14 triệu USD. Tuy nhiên xe không có túi khí, một trang bị an toàn vốn có trên những dòng xe phổ thông. Vậy điều gì khiến các nhà sản xuất không lắp túi khi trên xe đua F1?
Theo Bright Side, xe F1 thiết kế khoang lái vừa vặn nhất với tay đua có thể. Không gian chật hẹp đến nỗi không thể lắp thêm một chiếc vô-lăng, giá khoảng 70.000 USD.
Sở hữu nhiều nút bấm, điều khiển và thiết kế kiểu mặt phẳng, vô-lăng xe F1 khó lắp túi khí ẩn bên trong như xe hơi thương mại. Bên cạnh đó, khoảng cách gần và không gian chật chội có thể khiến người lái bị ngạt, chấn thương khi túi khi được kích hoạt.
Khoang lái xe F1 khiêm tốn đến nỗi, các tay đua không thể tự mình đeo toàn bộ dây đai an toàn ở các vị trí vai, hông, chân. Nhân viên kỹ thuật thường giúp tay đua làm việc này.
Chính việc có 5-7 dây đai an toàn trong xe, tay đua không thể trượt về trước hay văng ra ngoài xe khi có tai nạn. Điều này gần như triệt tiêu công dụng của túi khí khi ngăn người lái va chạm với các chi tiết của xe. Đặc biệt hơn, khi có tai nạn, tay đua có thể tháo rời các dây đai an toàn chỉ bằng một núm xoay và ra ngoài xe nhanh nhất trong khoảng 5 giây.
Kết cấu khung sườn của xe đua F1 được làm từ các thành phần nhẹ, đắt tiền, nhưng yếu tố cứng vững không vì thế mà bị xem nhẹ. Các chi tiết bên ngoài xe F1 có thể vỡ, hư hỏng nhưng rất khó ảnh hưởng đến khoang lái nơi tay đua ngồi.
Ngoài thiết kế của xe F1, tay đua còn được bảo vệ bởi mũ bảo hiểm đặc biệt. Ví dụ, loại mũ bảo hiểm này có thể chịu được lực từ một thanh kim loại nặng 3 kg, rơi từ độ cao 3 m đập trúng. Vật liệu của mũ bảo hiểm ngăn vết cứa sâu không quá 25 mm vào bên trong.
Kính chắn gió mũ bảo hiểm của các tay đua F1 có thể bảo vệ mắt người lái ở ngưỡng tốc độ 483 km/h. Đồng thời, mũ bảo hiểm này có thể chịu được nhiệt độ bên ngoài lên đến 815 độ C trong 45 giây, trong khi nhiệt độ bên trong khi đó, dưới 70 độ C.
Với những trang bị sẵn có trên xe đua F1 lẫn dành cho các vận động viên, túi khí không còn là điều cần thiết.
Phạm Trung