Những năm gần đây, khi lối sống xanh, hướng đến thiên nhiên, bền vững dần được ưa chuộng, tỷ lệ yêu cầu của chủ đầu tư với không gian xanh trong các công trình cũng gia tăng đáng kể. Theo kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà, mảng xanh trong nhà ở giúp con người thoát khỏi sự "bủa vây" của đô thị hóa. Theo đó, mỗi khi thiết kế, anh cho rằng cần đặt công trình trong mối tương quan nhà ở - đô thị - hệ sinh thái.

Đoàn Thanh Hà là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên thắng giải Turgut Cansever 2020 do Hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) chứng thực. Ngoài ra, anh còn ba lần giành Huy chương Vàng tại ARCASIA vào các năm 2015, 2016 và 2019, do Hội đồng Kiến trúc sư châu Á tổ chức. Một số công trình tiêu biểu của anh như: Nhà Hang gạch và Không gian Ngói (Hà Nội), công viên Mỏ Mạo Khê (Quảng Ninh), Động nhiệt đới (Bắc Ninh), Vườn vệ sinh 2 (Điện Biên), Trụ sở SRDP-IWMC (Hà Tĩnh)...

"Bản chất của kiến trúc là mượn thiên nhiên làm điểm tựa để mọc lên và tồn tại. Tuy nhiên đã ‘mượn’ cần có ý thức ‘trả’. Khi có càng nhiều không gian xanh, nhà ở có thể trả lại cho đô thị một phần không gian tự nhiên mà nó chiếm giữ. Lúc đó, mảng xanh không chỉ là lá phổi của ngôi nhà mà còn là nơi góp phần giúp cả thành phố, rộng hơn là hệ sinh thái, quang hợp", kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà cho biết.

Đây cũng là lý do chính phủ ở những nước phát triển có quy định nghiêm ngặt về số cây trên một m2 hay trên đầu người. Tuy nhiên tại Việt Nam, mật độ cây xanh lại khá thấp và chưa đủ đáp ứng tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, dẫn đến gây ảnh hưởng về mặt môi trường lẫn xã hội.

Để giảm bớt những tác động do xu hướng chuyển đổi, vận hành nhanh chóng của đô thị hóa, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Minh cho rằng các không gian xanh thoáng đãng trong nhà sẽ giúp gia chủ sống chậm lại, thêm cảm giác tĩnh tại mỗi khi trở về nhà. Khi thiết kế nhà ở gia đình, anh luôn đặt yếu tố liên kết giữa con người với thiên nhiên và giữa các thành viên trong gia đình lên hàng đầu. Các khoảng mở trong nhà ở cũng giúp làm dịu không khí, nhiệt độ vào những ngày trời oi bức.

Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Minh sở hữu phong cách thiết kế cởi mở và hướng đến sự tối giản. Anh nghiên cứu nhiều về các yếu tố môi trường, văn hóa, lối sống, điều kiện khí hậu... khi lên ý tưởng thiết kế. Đa số các công trình nổi bật, mang đậm dấu ấn của anh đều có sự góp mặt của không gian xanh mát, gần gũi thiên nhiên.

Một số công trình tiêu biểu gắn liền với tên tuổi của anh gồm Trường SNA (Biên Hòa), trường quốc tế iSchool (Quảng Trị), Nhà nguyện Khâm Mạng và M House (Huế)... Hầu hết đều có lối thiết kế thoáng đãng, rộng mở với các mảng xanh hài hòa, mang lại cảm giác dễ chịu, mát mẻ ngay khi vừa bước chân vào khuôn viên công trình.

Ngoài ra, anh và BHA - công ty kiến trúc do anh thành lập và điều hành, còn nhận về nhiều giải thưởng kiến trúc trong nước, tiêu biểu như: Công trình của năm Ashui 2017, Giải Vàng Kiến trúc xanh Việt Nam 2018, Giải Meric BCI công trình xanh châu Á 2019, Giải Bạc Kiến trúc quốc gia 2019, 2021...

Đồng ý kiến với Nguyễn Xuân Minh, kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà cũng cho rằng tốc độ đô thị hóa nhanh chóng khiến con người không còn "khoảng thở". Các vấn đề về môi trường, ô nhiễm không khí cũng góp phần thúc đẩy con người trở về với thiên nhiên, tìm đến những nơi xanh mát, nhiều oxy để thoải mái "hít thở".

Với các lợi ích kể trên, việc đưa không gian xanh vào các thiết kế nhà ở gia đình ngày càng được gia chủ ưa chuộng. Tuy nhiên để tính toán, cân đối sao cho hợp lý với diện tích nhỏ của dạng công trình này, các kiến trúc sư cho biết cần sự kết nối chặt chẽ hơn giữa họ với chủ nhà.

Với Đoàn Thanh Hà, anh cho rằng thường khi mới bắt đầu gia chủ chưa hiểu hết tầm quan trọng của không gian xanh trong gia đình. Họ có thể băn khoăn giữa đầu tư ban đầu và giá trị dài hạn nên cần có sự đồng hành của kiến trúc sư. Ngoài ra khi kết hợp tạo mảng xanh, Đoàn Thanh Hà nhấn mạnh cần chú ý đến yếu tố hài hòa.

Ngoài ra, vị kiến trúc sư cũng lưu ý khi nhà có khoảng trống, chủ nhà mới dễ dàng đặt nội thất hoặc sắp xếp, trang trí theo ý muốn. Khoảng trống đó sẽ là nơi đưa thiên nhiên vào, đồng thời kéo gần khoảng cách giữa con người với tự nhiên hơn.

Đồng thời, anh cũng nhấn mạnh gia chủ nên hạn chế đưa các đồ nội thất không cần thiết vào để không gian được cởi mở đúng nghĩa. Khi lên ý tưởng, đôi bên có thể kết hợp các giải pháp về kết cấu, vật liệu mới để giải phóng không gian, tăng cường các khoảng giếng trời, sân vườn nhỏ, thông tầng, thoáng khí... để có cảm giác rộng rãi, thoải mái, giúp đối lưu không khí, đón nắng, gió tự nhiên.

Về khía cạnh vật lý, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Minh cho rằng các không gian xanh trong nhà ở cũng góp phần tiết kiệm năng lượng hiệu quả và bảo vệ môi trường, tránh những tương tác gây ô nhiễm hoặc ảnh hưởng mỹ quan.

Ngoài ý tưởng, lựa chọn nguyên vật liệu để thi công cũng rất quan trọng trong thiết kế nhà ở nói chung và kiến tạo không gian xanh nói riêng. Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Minh cho biết hiện nay có rất nhiều vật liệu mới, đáp ứng yếu tố thân thiện môi trường, bền vững. Anh khuyên kiến trúc sư cần cập nhật liên tục để ứng dụng chúng vào công trình của mình.

Việc sử dụng các vật liệu thụ động, ít tương tác với môi trường cũng phù hợp với xu hướng "sống xanh", bền vững mà cộng đồng hướng đến. Những nguyên vật liệu "xanh" ở đây bao gồm hạn chế rác thải nhựa, dễ tái chế, phân hủy trong môi trường thiên nhiên còn cần đáp ứng yếu tố giảm khí thải, tiết kiệm năng lượng.

Nhất là trong những không gian nhỏ như nhà ở, các chất liệu không bền vững dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của chủ nhà. Một số loại khí thải trong quá trình sử dụng có thể gây nguy hại đến con người lẫn môi trường xung quanh sau thời gian dài.

Các công trình gần đây của BHA hầu hết đều sử dụng các vật liệu thô, tự nhiên để đảm bảo các yếu tố trên. Vật liệu tự nhiên ở đây không nhất thiết phải là gỗ, tre, nứa... Thay vào đó, chủ nhà và kiến trúc sư có thể cân nhắc chọn những chất liệu hiện đại, thông minh, có thể tái sử dụng, tái chế.

Về thiết bị và đồ dùng nội thất, anh thường gợi ý gia chủ sử dụng những sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, có chứng nhận thân thiện môi trường. Ở các khu vực chuyên biệt như nhà vệ sinh, có độ ẩm cao và thường xuyên tiếp xúc với nước, nhiệt độ không ổn định, cần có những sản phẩm phù hợp.

Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Minh thường gợi ý khách hàng các sản phẩm có tích hợp tính năng chống bám bẩn, khử khuẩn và vệ sinh tự động. Từ đó, chủ nhà có thể hạn chế sử dụng các chất vệ sinh, tẩy rửa, giảm thiểu khả năng gây hại tới môi trường.

Với kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà, vật liệu là một trong ba yếu tố quan trọng cấu thành không gian xanh cho nhà ở. Quan trọng nhất vẫn là chú trọng sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Các gợi ý anh thường đưa ra cho gia chủ là những vật dụng, chất liệu có nguồn gốc thuần hoặc gần tự nhiên như ống tre, khúc gỗ hoặc gạch ngói...

INAX là một trong những thương hiệu ưu tiên sử dụng vật liệu tự nhiên, thân thiện môi trường. Ngoài ra các thiết bị gia dụng, vệ sinh của hãng này còn tích hợp khả năng chống bám khuẩn, giúp hạn chế rủi ro hình thành ổ bệnh trong nhà do môi trường, thời tiết. Các loại gạch ốp tường, trang trí với các tone màu trung tính, lấy cảm hứng từ thiên nhiên như xanh lá, trắng, xanh dương... cũng được nhiều kiến trúc sư cân nhắc sử dụng cho không gian xanh vì phù hợp tiêu chí hài hòa, "mát mắt".

Về các đồ dùng gia dụng, thiết bị điện tử, các vị kiến trúc sư đề nghị sử dụng những công nghệ tiên tiến như điều hòa inverter giúp tiết kiệm điện. Với nhà ở có không gian xanh, mở, có thể tận dụng khả năng thông thoáng và giảm thời gian sử dụng điều hòa, giảm tiêu thụ điện năng, giúp tăng tuổi thọ cho thiết bị và tiết kiệm chi phí đáng kể.

Hầu hết các kiến trúc sư khi lên ý tưởng đều đề cập đến vấn đề chi phí từ đầu để tránh tình trạng đưa những yếu tố ngoài tầm với vào bản thiết kế. Việc đưa mảng xanh vào nhà ở không tiêu tốn nhiều chi phí song lại mang đến những lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng sống cho gia chủ.

Với kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà, anh luôn chủ động phân tích để gia chủ thấy được việc đầu tư cho không gian xanh mang đến hiệu quả thế nào. "Cần thể hiện cho chủ nhà thấy rằng khoản đầu tư ban đầu cao nhưng lại đảm bảo cho công trình có vòng đời sử dụng hiệu quả hơn. Nếu thuận theo môi trường tự nhiên, bối cảnh, khí hậu, việc xây dựng, vận hành ngôi nhà sẽ hiệu quả hơn nhiều mà lại tiết kiệm chi phí điên năng đáng kể", anh nói.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Minh cho biết anh thường cân đối chi phí cho gia chủ bằng các yếu tố về mặt cấu trúc. Chẳng hạn như tư vấn khách hàng nên tiết chế các chi tiết trang trí, bỏ những bức tường, vách ngăn để giảm kinh phí. Việc này sẽ giúp cân bằng các giải pháp không gian xanh trước đó, tránh đẩy chi phí lên cao.

Ngoài ra anh còn gợi ý những khu vực như cầu thang, nhà vệ sinh... có thể đưa vào các hướng bất lợi như hướng Tây để chắn nắng. Những không gian mở hoặc vách kính, có tác dụng lấy sáng, thông gió, có thể đặt ở hướng Nam, Đông Nam. Qua đó, gia chủ có thể tiết kiệm chi phí xây dựng nhưng vẫn tận dụng thuận lợi các yếu tố nắng, gió, khí hậu.

Nội dung: Thy An - Hồng Thảo - Thiết kế: Duc Tran

Giới thiệu chương trình

Chào đón các bạn đang đến với Live Well, nơi chúng ta sẽ được trò chuyện cùng các khách mời là các nghệ sỹ nổi tiếng và đại diện các chủ đầu tư, doanh nhân… Họ sẽ bàn luận về các lãnh vực, chủ đề liên quan đến cuộc sống của người Việt nói chung, các phong cách sống hiện nay được nhiều người quan tâm, nâng tầm cuộc sống cho người Việt

Hiện tại, LIXIL đang triển khai chương trình Talk Show ‘Live Well – Nghệ Thuật Sống Chất’ hợp tác với các chủ đầu tư uy tín và người nổi tiếng để cùng đàm luận, chia sẻ quan điểm về nghệ thuật sống ‘chất’. Chuỗi Talk Show season 1 có 3 tập, hợp tác cùng các chủ đầu tư uy tín là Ecopark, Novaland, Hưng Thịnh Land với mỗi chủ đề khác nhau cho từng tập. Chương trình được truyền thông mạnh mẽ và phát trên các kênh báo chí, Facebook của VnExpress, Facebook của KOL tham dự và chủ đầu tư.