Lương Thùy Linh cho biết với sức mạnh của công nghệ, số lượng thông tin trên mạng ngày càng khổng lồ, bao gồm cả thông tin thật từ những nguồn chính thống và những điều sai sự thật. Theo cô, điều này ảnh hưởng rất lớn tới xã hội. Trong đó, người nổi tiếng là một trong những nạn nhân lớn nhất của vấn nạn này.
Trong bốn năm hoạt động trong giới giải trí, cô cũng từng là nạn nhân của rất nhiều thông tin thất thiệt trên mạng xã hội. Tuy nhận được sự tin tưởng của hầu hết khán giả nhưng những tin đồn này ít nhiều ảnh hưởng tới hình ảnh của cô.
Với những thông tin có sức ảnh hưởng quá lớn, Lương Thùy Linh chọn cách đính chính văn minh, không gây tranh cãi, đôi co với cộng đồng mạng để vừa đảm bảo danh dự của bản thân, vừa tránh tác dụng phụ không đáng có.
"Tin giả là điều kiện cho nhiều người sử dụng để tấn công một cá nhân, tổ chức nào đó. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý của nạn nhân", nàng hậu khẳng định.
Hoa hậu thế giới Việt Nam 2019 cho biết, là một người trẻ, cũng là người nổi tiếng và có những trải nghiệm riêng về vấn đề tin thật, tin giả, cô mong các bạn trẻ có thể tạo ra nội dung thu hút để lan tỏa thông điệp ý nghĩa của cuộc thi.
"Nhiều người biết về sự tồn tại của tin giả nhưng không phải ai cũng phân biệt và viết cách xử lý như thế nào. Linh mong qua cuộc thi, các bạn trẻ sẽ có thêm kiến thức và chung tay phòng chống tin giả", cô nói thêm.
Trong vai trò Đại sứ Chiến dịch Tin, Lương Thùy Linh mong muốn công chúng biết cách xác thực thông tin và không sử dụng tin giả để tấn công cá nhân, tổ chức.
Chiến dịch Tin do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) phối hợp cùng báo VnExpress phát động. Bên cạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, Lương Thùy Linh cũng làm giám khảo cho cuộc thi "Anti Fake News". Đây là sân chơi dành cho các bạn trẻ sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok.
''Anti Fake News" gồm ba chủ đề chính: Thứ nhất, thí sinh có thể thực hiện điệu nhảy "Anti Fake News" trên nền nhạc bài hát chủ đề do nhạc sĩ Bùi Công Nam phổ lại lời bản hit Có không giữ, mất đừng tìm.
Thứ hai, người dự thi cũng có thể hát bài hát chủ đề của cuộc thi hoặc sáng tác, viết lời bài hát riêng theo chủ đề "Anti Fake News".
Thứ ba, các nhà sáng tạo nội dung có thể chọn hình thức kể chuyện hoặc diễn hoạt cảnh về tình huống, cách xử lý khi bản thân hoặc những người xung quanh gặp phải những luồng thông tin sau: chưa đúng sự thật, kiểm chứng hoặc diễn giải chưa đúng bối cảnh gây ra hiểu lầm, ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức khác; lừa đảo, khiến cộng đồng hiểu sai, dẫn đến những tác động tiêu cực; đạo đức của người làm truyền thông khi sản xuất thông tin trên không gian mạng.
Cuộc thi gồm hai vòng: Khởi tạo và Chung cuộc. Trong đó, vòng đầu tiên diễn ra từ ngày 28/9 đến 28/10. Ban tổ chức sẽ trao giải cho gần 20 nhà sáng tạo có phần dự thi ấn tượng. Tổng giá trị giải thưởng đến 150 triệu đồng.
Đến nay, hashtag #antifakenews trên nền tảng TikTok đã có 592.000 video và thu hút hơn hai tỷ lượt xem trong vòng chưa đầy một tháng khởi động.
Nhật Lệ