Cuộc họp Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) tổ chức sáng 25/8 do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc chủ trì với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan. Thứ trưởng Phạm Công Tạc, phó Trưởng ban soạn thảo nhấn mạnh: "việc sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm thực thi các cam kết quốc tế, tránh xung đột và điều chỉnh để đạt được lợi ích cao nhất cho quốc gia, doanh nghiệp".
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, có 7 nhóm chính sách lớn cần sửa đổi, với dự kiến sửa 44 điều trên tổng số 222 điều của Luật SHTT (chiếm 20%). Luật SHTT được sửa đổi trên cơ sở thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và thực hiện Nghị quyết của Chính phủ trong tình hình mới. Theo đó khuyến khích sáng tạo, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với các sáng chế tại Việt Nam. Các quy định được lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả các cam kết SHTT trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khi Việt Nam tham gia.
Một trong số đó là các vấn đề về quyền tác giả trong môi trường số, bản quyền giống cây trồng, thuốc... chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, quyền khai thác đối với các nghiên cứu khoa học được tạo ra từ ngân sách nhà nước. Các quy định hướng tới tạo thuận lợi cho quá trình đăng ký và xác lập quyền, bảo đảm thi hành đầy đủ các cam kết quốc tế khi hội nhập.
Dự kiến Dự thảo Luật điều chỉnh, sửa đổi sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2021 và trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2022.
Bảo Chi