Hơn 10 năm nuôi tôm, bà Nguyễn Thị Nhiệm, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thuận Yến (huyện Cần Giờ) cho biết, điều lo sợ nhất của người nuôi là môi trường nước ô nhiễm, khiến tôm mắc bệnh, chậm lớn, năng suất và chất lượng thấp. Năm 2019, hợp tác xã được Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao TP HCM (AHRD) giới thiệu kỹ thuật nuôi tôm lót bạt HDPE. Bà Yến cho nuôi thử hai ao tôm thẻ chân trắng, mỗi ao diện tích 500 m2. Kết quả năng suất tăng 1,5 lần so với ao truyền thống, đạt 4 - 5 tấn trên cả 2 ao.
Thạc sĩ Phạm Quang Thắng, chuyên gia AHRD cho biết, kỹ thuật nuôi tôm lót bạt HDPE nhằm giúp nông dân giảm rủi ro dịch bệnh, giảm tỷ lệ chết. Khi lót bạt HDPE sẽ cách ly ao nuôi với đất ở phần đáy, giúp ao không bị ô nhiễm bởi hóa chất có trong đất. Ao có thiết kế dạng tròn giúp nước, thức ăn lưu thông đều và không tạo góc chết gây tồn dư thức ăn thừa. Đáy ao được thiết kế dạng lòng chảo nên việc thu gom chất thải được thực hiện dễ dàng. "Kỹ thuật này phù hợp cho các ao tôm diện tích nhỏ, khoảng 500 m2. Vì ao nhỏ nên khi phát sinh vấn đề, người quản lý sẽ xử lý nhanh, giảm rủi ro trong quá trình nuôi", ông Thắng nói.
Khu vực xung quanh ao nuôi được bọc bởi nhà màng, hạn chế sự xâm nhập của sinh vật gây bệnh. Nước được lọc thông qua các ao lắng thô, ao lắng tinh, sau đó mới chuyển vào để sử dụng. Sử dụng kỹ thuật lót bạt HDPE, người nuôi có thể không thay nước hoặc thay rất ít trong quá trình nuôi tôm, giúp tiết kiệm nguồn nước, bảo đảm vệ sinh môi trường. Điều này cũng giúp nông dân không sử dụng chất kháng sinh trong quá trình nuôi tôm, giảm chi phí sử dụng hóa chất xử lý ao nuôi. Nông dân ứng dụng kỹ thuật lót bạt HDPE, tỷ lệ sống của tôm có thể đạt trên 80%.
Bà Nhiệm cho biết, sắp tới HTX Thuận Yến tiếp tục đầu tư mở rộng thành 9 ao nuôi sử dụng kỹ thuật phủ bạt HDPE. Tuy nhiên, "9 ao nuôi cần khoảng 4 tỷ đồng vốn đầu tư là số tiền không nhỏ khi sử dụng kỹ thuật này", bà nói.
Ông Thắng cũng thừa nhận, chi phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cao (1.000 m2 cần 1 tỷ đồng, ao đất khoảng 700 triệu đồng) là yếu tố hạn chế của kỹ thuật nuôi tôm lót bạt HDPE. Ngoài ra, chất lượng con giống ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất nuôi do hiện nay thì trường giống tôm thẻ chân trắng có rất nhiều cơ sở sản xuất nhưng việc kiểm soát chất lượng của các trại giống rất khó khăn.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu sẽ "tiếp tục cải tiến quy trình giúp cho bà con nông dân giải quyết khó khăn, giúp giảm giá thành sản xuất nhưng đảm bảo được chất lượng sản phẩm giúp tăng thu nhập cho nông dân", ông Thắng nói.
Hà An